Bảo vệ môi trường biển,ven biển và hải đảo một số giải pháp cấp bách

Vấn đề tài nguyên, môi trường ven biển hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm nguồn sống cho người dân. Dưới đây là một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển tài nguyên và môi trường biển và hải đảo theo hướng thống nhất và bền vững.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển

Có thể nhận thấy, hàng ngày con người thải ra một lượng rác rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự yên bình của biển cả. Con người đang coi biển là thùng rác nên cái gì cũng vất ra biển. Tại các khu, điểm du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên, triệt để. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển… Hơn nữa, ý thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển, ven biển của du khách chưa cao, luôn xảy ra tình trạng vứt rác, vứt thức ăn, đồ uống thừa bừa bãi trên các bãi tắm. Trong khi đó, phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp là chính. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước.

Do đó, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch; phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống và sức khỏe của con người.

Sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên

Việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo chưa thực sự có hiệu quả, còn thiếu tính bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu hơn hẳn so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức và hành động của con người trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.

Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

Song song với việc sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thì việc chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên là một giải pháp cần được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển. Sự suy thoái và ô nhiễm là một trong những nguyên nhân tiêu cực tác động đến môi trường biển, vì thế phải tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh quản lý tổng hợp đới bờ

Đới bờ được hiểu là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Đới bờ rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vì những nguồn tài nguyên hiếm có của nó. Với những vùng đất đồng bằng ven biển màu mỡ và các nguồn tài nguyên biển phong phú, cộng với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng, đới bờ đã và đang thu hút sự quan tâm của con người. Đối với Việt Nam, vùng đới bờ biển được xác định theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các huyện, thành phố ven biển, vùng biển tính từ mép nước biển ra biển 6 hải lý. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và áp lực của sự bùng nổ dân số liên tục ở nhiều nơi đã làm gia tăng việc sử dụng, khai thác bừa bãi đất đai và nguồn nước ven bờ dẫn đến làm tăng các hiện tượng như: Xói mòn, lũ lụt, làm mất các vùng ngập nước, gây suy thoái và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí… trầm trọng, từ đó sẽ làm mất cân bằng sinh thái, đảo lộn cuộc sống của con người. Do đó, quản lý tổng hợp đới bờ là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt và lâu dài. Nó sẽ tạo cơ hội cho các vùng ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, cho phép tính đến các giá trị tài nguyên, lợi ích hiện nay và trong tương lai của đới bờ. Thông qua việc tính đến các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, quản lý tổng hợp đới bờ có thể kích thích sự phát triển kinh tế tại đới bờ, phát triển tài nguyên và hạn chế sự suy thoái của các hệ thống tự nhiên…

Quan trắc - cảnh báo môi trường biển và hải đảo kịp thời, chính xác

Tiến hành quan trắc định kỳ và ghi chép số liệu cụ thể để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo, từ đó kịp thời cảnh báo để xử lý nhanh chóng và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường tốt nhất. Không chỉ với ngư dân mà hơn hết các cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi diễn biến và vào cuộc nhanh chóng để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như vụ việc Formosa thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến môi trường biển mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân vùng ven biển, du lịch biển và du lịch sinh thái bị tụt giảm một cách đáng kể.

Sử dụng linh hoạt các công cụ kinh tế và chính sách

Cần xây dựng và áp dụng mạnh mẽ các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, ven biển và hải đảo như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, lệ phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính, thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, ven biển và hải đảo, các quỹ môi trường và các khoản trợ cấp khác… Ở nước ta, các quy định về xử phạt tổ chức, công ty, cá nhân gây tác hại đến môi trường chưa mang tính triệt để cao còn tồn tại nhiều bất cập, có nhiều khác biệt và chồng chéo, một số hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn chưa được nhắc đến hay các vi phạm đã cố gắng chi tiết hóa nhưng chưa thật sự đầy đủ, toàn diện. Một số địa phương mức độ xử phạt còn thấp và còn thiếu quy định về sử dụng các công cụ pháp lý - kinh tế như những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường

Một trong những biện pháp rất quan trọng nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, ven biển và hải đảo nói riêng là hoàn thiện hệ thống. Công tác bảo vệ môi trường biển trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Trung ương đến địa phương. Luật Bảo vệ môi trường năm 2013 có 4 điều quy định về bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ, đồng bộ.

Vì vậy trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Bộ luật Môi trường, hình thành hệ thống các văn bản quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, đồng bộ, công bằng, hiện đại và hội nhập, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm và thiếu tính khả thi. Bên cạnh các chính sách về bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo nói chung, cần nghiên cứu, xây dựng chương trình bảo vệ môi trường biển trong phát triển kinh tế nhằm cụ thể hóa các hoạt động bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển.

Vấn đề bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển hiện nay đang trở nên cấp bách và có nhiều dấu hiệu đáng báo động đối với đất nước ta nói riêng và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung. Song, nếu mỗi cá nhân, công ty, tổ chức tự ý thức nâng cao trách nhiệm của mình, không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước thì những vấn đề liên quan đến môi trường biển, ven biển và hải đảo sẽ được khắc phục, biển sẽ “dịu êm” không “lên tiếng dữ dội” như thời gian qua. Ngư dân sẽ yên tâm đánh bắt, du lịch - ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao sẽ phát triển bền vững để đưa hình ảnh biển xanh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế o

Vũ Oanh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/bao-ve-moi-truong-bienven-bien-va-hai-dao-mot-so-giai-phap-cap-bach-d48290.html