Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội XIII

Tác phẩm 'Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội XIII' của nhóm tác giả Hồng Hải, Song Minh, Liên Việt, Tạp chí Tuyên giáo đoạt giải C - giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Việt Nam luôn kiên định con đường phát triển

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu do nghị quyết Đại hội XII đề ra để chào mừng đại hội đảng các cấp hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Ở chiều ngược lại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường chống phá, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong vệt bài này, Tạp chí Tuyên giáo giới thiệu ý kiến của các học giả, các nhà khoa học nhằm phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá nói trên.…

GS.TS. Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

GS.TS. Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Nhân sự kiện Đảng ta tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), một số ý kiến cho rằng, “tổng kết 10 năm” không còn nhiều ý nghĩa vì “Việt Nam đã âm thầm xoay trục sang kinh tế thị trường và đoạn tuyệt với định hướng XHCN”, vì “kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội mâu thuẫn như nước với lửa, không thể dung hòa...”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương về những nội dung này...

TRUNG THÀNH VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN LÀ NGUYÊN TẮC

* Thưa Giáo sư, trên một số diễn đàn tiếng Việt ở nước ngoài, có người cho rằng Việt Nam cần “đi tìm chủ thuyết mới để phát triển” vì Cương lĩnh 2011 trên thực tế đã lỗi thời... Đằng sau những ý kiến như vậy là vấn đề gì?

GS. TS. Vũ Văn Hiền: Trước hết phải nói rằng, việc tiếp thu các tư tưởng tiến bộ, ý tưởng sáng tạo của thế giới nhằm làm giàu thêm trí tuệ của Đảng, là việc mà Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục. Tôi cũng đã biết đến một số ý kiến đề xuất rằng Đảng phải “đi tìm chủ thuyết mới”, mà thực chất là muốn Đảng ta thay đổi nền tảng tư tưởng, đó là điều Đảng ta không chấp nhận.

Cụ thể như có ý kiến phê phán Cương lĩnh 2011, họ cho rằng Cương lĩnh 2011 đã lỗi thời. Vừa rồi, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa cho ý kiến vào báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, có nhìn lại gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Chúng ta thấy rõ, hơn 33 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nhìn tổng thể, sau 33 năm đổi mới, 28 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Qua 4 năm nhiệm kỳ khóa XII, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho thấy: Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu 192/193... Như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.

Với những thành tựu trên thì tự nó đã trả lời cho chúng ta thấy tương lai con đường phát triển của đất nước, tự nó đã phủ định những ý kiến xuyên tạc, bịa đặt về tình hình Việt Nam.

Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, chúng ta cũng tỉnh táo phân tích để nhận thấy, sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn hiện hữu. Đáng chú ý là vấn đề quản lý xã hội. Qua quá trình phát triển, đất nước kinh tế đi lên nhưng các vấn đề về xã hội, tâm trạng xã hội, đời sống xã hội lại gia tăng những khó khăn, thách thức; xã hội thì bình yên nhưng tâm trạng của nhân dân cũng không phải đã ổn định. Hay vấn đề an ninh-quốc phòng, đối ngoại. Trong một thế giới có nhiều biến động rất phức tạp, khó lường, diễn biến ở khu vực cũng như thế giới đều có điểm nóng, ảnh hưởng, tác động rất nhiều chiều đến nước ta. Trong điều kiện như thế, chúng ta phải tổ chức lực lượng về QP-AN như thế nào để bảo đảm kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Rồi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải có sự nghiên cứu, bổ sung vào đường lối đổi mới đất nước, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đi tìm một “chủ thuyết phát triển mới” vì trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nền tảng, là nguyên tắc trong định hướng phát triển của đất nước ta.

KHÔNG SAO CHÉP BÊN NGOÀI

* Nhưng một vài học giả trong nước cho rằng những thành quả của đổi mới hay 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là thành tựu của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, còn định hướng XHCN giờ chỉ là cái vỏ để mị dân, thực tế Việt Nam đã “xoay trục” sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Giáo sư có bình luận gì về ý kiến này?

GS. TS. Vũ Văn Hiền: Những ý kiến cho rằng Việt Nam đã xoay trục nền kinh tế sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là không có căn cứ.

Những người này thường đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, vì vậy họ cho rằng Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường thì tự khắc nền kinh tế sẽ vận động, phát triển thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong khi kết quả nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế đều chỉ ra rằng kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản là hai vấn đề có bản chất khác nhau. Kinh tế thị trường là một phương thức, một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, là thành tựu của văn minh nhân loại, có thể tồn tại ở các chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Kinh tế thị trường ra đời, phát triển phụ thuộc vào các điều kiện tạo ra nó như sự phát triển của sức sản xuất, phân công lao động xã hội...

Kinh tế thị trường tự nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển cho một chế độ chính trị-xã hội nào cả. Trái lại, bản chất của chế độ chính trị-xã hội sẽ quyết định bản chất của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường có thể tồn tại trong những chế độ chính trị-xã hội khác nhau khi những điều kiện tạo ra nó hình thành. Còn chủ nghĩa tư bản, như chúng ta đã thấy, là một chế độ chính trị-xã hội do giai cấp tư sản thống trị; thế giới ngày nay có rất nhiều chế độ chính trị-xã hội khác nhau và kinh tế thị trường đang phát triển năng động trong sự đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chế độ chính trị-xã hội khác nhau như vậy. Trung Quốc là một ví dụ cho thấy, một chế độ chính trị-xã hội không theo chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn sử dụng kinh tế thị trường phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế. Thực tiễn 33 năm Đổi Mới ở Việt Nam chúng ta cũng vậy.

* Bên cạnh ý kiến về xoay trục thì có ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là “đầu Ngô, mình Sở”, rằng kinh tế thị trường và XHCN đối lập với nhau như nước với lửa, không thể nào có “định hướng XHCN” nếu chấp nhận phát triển kinh tế thị trường. Giáo sư có thể nói rõ hơn về kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta xây dựng?

GS. TS. Vũ Văn Hiền: Chúng ta đã xác định ngày càng rõ hơn, kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt nam là nền kinh tế phát triển, là nền kinh tế hiện đại, hội nhập quốc tế. Trong đó, để hội nhập quốc tế chúng ta đã xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nghĩa là nền kinh tế đủ sức để nuôi dưỡng, phát triển đất nước, đủ sức để chúng ta nghĩ bằng cái đầu của ta, đi bằng đôi chân của ta và làm bằng đôi tay của ta. Độc lập tự chủ để chúng ta hội nhập với thế giới và chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận phân công hợp tác quốc tế, chấp nhận hội nhập quốc tế. Chúng ta tiến hành hội nhập tất cả các ngành, tất cả các lĩnh vực. Ngay cả quốc phòng, an ninh chúng ta cũng hội nhập. Trong quá trình thực hiện như vậy, giữ vững định hướng XHCN chính là một vấn đề lớn đặt ra. Có người nói, nền kinh tế của nước ta “không giống ai”. Đúng như vậy, chúng ta không nhất thiết phải giống bất cứ nền kinh tế nào. Một số người khăng khăng rằng, kinh tế thị trường thì không thể nào định hướng XHCN được? Đã thị trường thì cứ thế nó đi theo quy luật riêng của thị trường, nó phát triển tự phát. Nhưng thực chất không phải thế. Trên thế giới không có nước nào có một nền kinh tế chung với nhau. Kinh tế nước nào cũng có đặc trưng riêng của nó. Kinh tế Mỹ là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng lại khác với kinh tế của Đức, khác với kinh tế của Pháp, càng khác kinh tế của Anh. Mỗi nền kinh tế có đặc thù riêng, có tính từ đi theo. Nền kinh tế Trung Quốc là kinh tế thị trường XHCH, của Đức là kinh tế thị trường xã hội,… Mỗi nước xây dựng mô hình của nước ấy, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nước ấy để phát triển. Nền kinh tế ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hướng như vậy thì nền kinh tế theo quy luật thị trường nhưng có sự định hướng và điều tiết. Nghĩa là chúng ta phải có hướng đi, phải có điều chỉnh, cách thức để khắc phục mặt tiêu cực của thị trường.

Cách thức của ta là bảo đảm công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển. Mỗi bước phát triển của kinh tế là một bước phải giải quyết tiến bộ xã hội, công bằng xã hội. Mỗi bước phát triển kinh tế đều đi cùng xóa đói giảm nghèo; để không ai bị bỏ lại phía sau, phải thực hiện an sinh xã hội. Toàn bộ nền kinh tế ấy là phục vụ cho con người, hướng đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thế nên anh không thể nói nền kinh tế cứ phải thị trường nguyên nghĩa của nó, cứ phải để cho nó phân hóa xã hội, tha hóa xã hội, suy thoái đạo đức. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là làm cho xã hội an toàn hơn, hài hòa hơn, khi phát triển vẫn luôn luôn hướng đến công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội phát triển.

Nền kinh tế của nước ta không thể sao chép bất kỳ một nền kinh tế nào, vì chúng ta có những đặc điểm kinh tế-xã hội của riêng mình. Chúng ta phải trải qua mấy cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nên hiện có tới 12 triệu người hưởng chế độ người có công. Cho nên quá trình phát triển phải bảo đảm chính sách xã hội. Nền kinh tế của chúng ta phải thực hiện rất nhiều chính sách xã hội để phát triển hài hòa. Phải giữ được định hướng XHCN thì mới có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Đây cũng là một phẩm chất chính trị, đồng thời đây cũng là quy luật phát triển của Việt Nam chứ không phải nó nằm ngoài quy luật, nó trái quy luật. Quy luật dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của mỗi quốc gia, dân tộc rất riêng biệt nên mỗi nước đều có cách đi riêng trên con đường phát triển kinh tế. Bây giờ còn có người nói, muốn phát triển thì Việt Nam chỉ cần lấy toàn bộ chính sách của Mỹ, luật pháp kinh tế của Mỹ để mang về áp dụng cho Việt Nam? Có được không? Nền kinh tế Mỹ rất phát triển nhưng điều kiện của nền kinh tế đó rất khác với Việt Nam và chúng ta không thể nói theo kiểu vu vơ thế được. Cho nên nhất định phải giữ vững định hướng XHCN, và điều này không hề mâu thuẫn gì với chính sách phát triển kinh tế thị trường cả. Mà đấy là quy luật, điều kiện phát triển của đất nước chúng ta.

KINH TẾ NHÀ NƯỚC VẪN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO

* Thưa Giáo sư, theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 60 - 65%. Có ý kiến cho rằng, sự đóng góp vào GDP lớn như vậy thì có nghĩa là Đảng ta đã phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?

GS. TS. Vũ Văn Hiền: Vấn đề vai trò của các thành phần kinh tế được Đảng ta xác định rất rõ. Chúng ta xác định thời kỳ quá độ lên CNXH sẽ là thời gian rất dài và trong thời kỳ này, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế thị trường giải phóng lực lượng sản xuất và từng bước nâng tầm quan hệ sản xuất cho phù hợp. Để giải phóng sức sản xuất xã hội như vậy thì chúng ta xây dựng nền kinh tế có các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng trước pháp luật. Trong đó có kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, có kinh tế đầu tư nước ngoài… Chúng ta khuyến khích mọi thành phần, mọi gia đình, mọi tổ chức trong xã hội tham gia phát triển kinh tế. Trong đó, vai trò dẫn dắt, vai trò chủ đạo là kinh tế nhà nước. Hiện nay người ta đang dựa vào một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả để chỉ trích kinh tế nhà nước. Đó là thủ đoạn đánh đồng doanh nghiệp nhà nước với kinh tế nhà nước. Thực ra doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận, mà không phải bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước hiện bao gồm các bộ phận cấu thành như: Các DNNN 100% vốn Nhà nước hoặc đã chuyển đổi hình thức theo Luật DN và phần vốn, tài sản Nhà nước trong các DN khác đang hoạt động theo Luật DN; toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ và các quỹ và tài sản quốc gia khác (tài chính và phi tài chính) thuộc sở hữu toàn dân như rừng, biển, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, vùng trời, dưới đại dương thuộc chủ quyền của quốc gia thậm chí những cấu thành của chúng không thể tính toán hết bằng tiền...

Toàn bộ những yếu tố cấu thành kinh tế nhà nước tạo thành động lực cực kỳ mạnh, là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế.Lịch sử nhân loại đã chứng minh, cho đến ngày nay, các nền kinh tế thành công đều phát triển không thể bằng cách tự điều tiết mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía nhà nước. Nhà nước với vai trò ban hành thể chế phát triển; nhà nước với tư cách một chủ thể tiêu dùng và đầu tư lớn; nhà nước sử dụng các công cụ kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhà nước để tác động, dẫn dắt nền kinh tế… đi đúng đường lối và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đảng cầm quyền đề ra

Người ta cố tình nhầm lẫn, lấy ví dụ từ một số doanh nghiệp nhà nước có vấn đề để cho rằng kinh tế nhà nước không giữ vai trò chủ đạo được. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước phát triển tốt thì họ không đề cập. Ví dụ, đóng thuế cho nhà nước, Tập đoàn Viettel dẫn đầu cả nước ba năm liên tục. Vai trò kinh tế nhà nước là dẫn dắt nền kinh tế, điều tiết được bước đi của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước mà không đủ mạnh thì nền kinh tế sẽ ách tắc. Và nếu nó thể hiện được vai trò chủ đạo, thì nền kinh tế sẽ phát triển. Thông qua đó, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò càng ngày càng quan trọng. Đó là động lực để phát triển bởi thành phần kinh tế này là của toàn thể nhân dân cùng tham gia đóng góp. Cho nên chúng ta mới nói nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có quan hệ rất đặc biệt là giữa kinh tế với chính trị, giữa kinh tế với các vấn đề xã hội. Quan hệ giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân hiện nay là mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Kinh tế nhà nước hỗ trợ thì kinh tế tư nhân mới phát triển được như thế. Cho nên, kinh tế tư nhân đang phấn đấu để đến đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 60 - 65% GDP, thậm chí tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai thì cũng không vì thế mà phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

* Xin trân trọng cảm ơn GS. TS. Vũ Văn Hiền./.

Bài 2: Phê phán luận điệu đòi thay đổi Cương lĩnh 2011

Hiện nay, trong khi Đảng ta đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, thì vẫn có những người mang danh "học giả" rêu rao rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự giác thay đổi Cương lĩnh 2011, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa...”. Thực chất của những lời rêu rao đó là gì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, để làm sáng tỏ thêm. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương

VẪN CHỈ LÀ “BÌNH MỚI, RƯỢU CŨ”

* Thưa đồng chí, chắc đồng chí đã biết về những lời kêu gọi Đảng ta thay đổi Cương lĩnh 2011 của một số “học giả”?

Đồng chí Hà Đăng: Tôi đã nắm được thông tin về những luận điệu đòi hỏi Đảng ta thay đổi Cương lĩnh 2011. Sự việc này làm tôi nhớ lại, những luận điệu, cách nhìn nhận, cách nói như vậy đã từng xuất hiện trong nhiều dịp khác nhau, như ngay sau Đại hội XI của Đảng, dịp toàn dân góp ý xây dựng Hiến pháp 2013 (sửa đổi), rồi dịp chuẩn bị Đại hội XII và bây giờ là hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

Chúng ta cũng thấy là tác giả của đòi hỏi này cũng chỉ xoay quanh một số người khá quen thuộc, họ đã nhiều lần viết “kiến nghị”, “thư ngỏ” gửi Đảng ta rồi đăng lên mạng xã hội. Thái độ của chúng ta là hoan nghênh mọi ý kiến mang tinh thần xây dựng đất nước, kể cả những ý kiến trái chiều với thái độ gay gắt. Nhưng tôi cho rằng, với những người cứ rao đi, rao lại những luận điệu cũ, hay nói cách khác là “bình mới, rượu cũ”, rồi phát tán tràn lan trên mạng xã hội thì tự họ sẽ trở nên nhàm, cũng sẽ chẳng có người rỗi hơi mà đi nghe họ ca bài ca cũ kỹ ấy. Còn với Đảng ta, việc sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý không có nghĩa là Đảng ta không phê phán, bác bỏ những “kiến nghị” mà thực chất như yêu sách đòi hỏi thay đổi con đường phát triển và thay đổi chế độ chính trị mà nhân dân ta đã lựa chọn.

BÓC TRẦN THỦ ĐOẠN MỊ DÂN

* Vấn đề là ở chỗ, những bài viết trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài và trên mạng xã hội, họ nhân danh “người yêu nước” cùng lời lẽ ôn hòa như kiểu “tâm thư”, thậm chí có người còn suy tôn Đảng ta là “tổ chức chính trị không thể thay thế ở Việt Nam”, từ đó họ kêu gọi Đảng ta “tự giác thay đổi Cương lĩnh 2011”. Cách đặt vấn đề, cách viết của họ như vậy có điều gì phải làm rõ, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Đăng: Tôi thấy phải vạch rõ chiêu trò ẩn sau những lời lẽ “ôn hòa” ấy. Họ nói họ kiên trì “kiến nghị”, đấu tranh “ôn hòa”, “phi bạo lực” nhưng lại đưa ra một yêu sách là Đảng ta phải “tự giác thay đổi Cương lĩnh”, thực chất là đòi hỏi Đảng ta “tự chuyển hóa”, tự từ bỏ vai trò Đảng cầm quyền. Cái đòi hỏi vô lý ấy, có ai chấp nhận được không?. Họ nói, họ “kiến nghị” là tâm huyết vì Đảng, vì dân, vì đất nước, thế thì chúng ta xin mời họ hãy tôn trọng Cương lĩnh 2011, cùng chung tay đưa những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của Cương lĩnh 2011 thành hiện thực. Cương lĩnh 2011 đã nêu rõ 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp... Đó là khát vọng của nhân dân, là mục đích hoạt động của Đảng, thế thì tại sao lại phải thay đổi?

Còn việc họ nói Đảng ta là “tổ chức chính trị không thể thay thế ở Việt Nam”, thì trên thực tế nó có nghĩa gì? Đảng ta trở thành đảng cầm quyền là một quá trình lịch sử tự nhiên, được nhân dân thừa nhận và hiếm có đảng cầm quyền nào được nhân dân yêu mến, dành cho cách gọi trân trọng là “Đảng ta” như Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nên, họ không thể nói khác được, bởi phủ nhận sự thật đó có nghĩa là họ tự bóc trần bộ mặt thật của họ, dùng lối mị dân để tuyên truyền cho các ý đồ chống Đảng của họ. Cần phải vạch rõ điều này để đông đảo nhân dân được biết. Tôi có câu hỏi dành cho họ, nếu như họ đã thừa nhận Đảng ta là “tổ chức chính trị không thể thay thế ở Việt Nam” thì có nghĩa đó là một đảng chân chính, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thế thì họ còn kêu gọi Đảng ta thay đổi Cương lĩnh, thực chất là thay đổi bản chất chính trị của Đảng để làm gì?

“KHÔNG CÓ TƯƠNG LAI NẾU KHÔNG CÓ MÁC”

* Như trong “kiến nghị” của họ thì Đảng ta cần thay đổi Cương lĩnh 2011 để không bị “dị biệt” với thế giới, mở đường hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, đồng thời thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Họ cho rằng, chính Cương lĩnh 2011 đã là lực cản vô hình khiến nước ta chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như chính Đảng ta đề ra?

Đồng chí Hà Đăng: Nhận định “nước ta chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” xuất phát từ việc tự phê bình và phê bình của Đảng ta. Tại Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã đánh giá rằng, việc “thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra”. Điều đó trước hết khẳng định bản lĩnh của Đảng, luôn “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật” để có phương hướng khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế. Còn đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng là đúng đắn. Không ai không thấy, trong mấy chục năm qua, đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi một cách cơ bản, toàn diện bộ mặt của đất nước. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), tiến lên ra khỏi tình trạng kém phát triển (2010) và từ đó tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Còn cái mà họ nói Cương lĩnh 2011 khiến nước ta trở nên “dị biệt”, khó hòa nhập với thế giới, là lực cản trong phát triển kinh tế là gì? Thực chất là họ phê phán chúng ta kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước. Cái này, họ nói nhiều lần, đã bị phê phán, bác bỏ rồi, giờ vẫn cứ nói mà không có gì mới. Các nhà khoa học đã phân tích làm rõ giá trị khoa học, sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin rồi, Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 đã khẳng định vấn đề này, tôi thấy không cần phải nói gì thêm nữa. Tôi chỉ nêu thêm một ví dụ về sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ cuối năm 2007, xuất phát từ nước Mỹ, mà đến nay một số nước tư bản vẫn chưa thoát ra được, như Hy Lạp chẳng hạn. Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ “99% người nghèo chống lại 1% người giàu” thời kỳ đó không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn lan rộng ra một số nước tư bản phát triển, phản ánh sự bất lực của hệ thống tư bản trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Đứng trước sự bế tắc đó, ở các nước tư bản đã rộ lên phong trào tìm đọc lại, học lại, nghiên cứu các tác phẩm của Mác. Sách “Tư bản luận” trở thành sách bán chạy ở ngay các nước như Đức, Pháp, Anh, Italia, Nhật Bản... Nhà xuất bản Berlin Karl-Dietz, nơi giữ bản quyền các tác phẩm của Mác đã công bố, sách “Tư bản luận” bán ra tháng 10-2008 tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Ở Nhật Bản, thời điểm đó người ta còn chuyển ngữ “Tư bản luận” thành truyện tranh và bán được 6.000 bản chỉ trong hai tuần đầu phát hành tháng 12-2008. Nhà sử học người Anh Êrich Hôxbon đã nói rằng: “Việc quay lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”.

Đầu năm 2011, Trường Đại học Tổng hợp Yale, một trường đại học danh tiếng của nước Mỹ đã xuất bản cuốn sách “Tại sao Mác đúng?”. Cuốn sách phản bác những định kiến về Chủ nghĩa Mác và khẳng định sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác. Tờ báo Financial Times ra ngày 27-5-2011 còn cho rằng, tác giả cuốn sách xứng đáng là ứng viên giải Nobel kinh tế vì đã “làm sống lại Mác” và nhấn mạnh “cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản”. Rất nhiều triết gia hiện đại có uy tín của Mỹ, Pháp đã thẳng thắn kêu gọi nhân loại “hãy trở về với Mác”, “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”.

Nói thế để thấy sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò, tầm quan trọng của nó trong thế giới đương đại. Chính các nước tư bản đang nghiên cứu, vận dụng những nguyên lý khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm cách thích nghi trong tình hình mới; những sự điều chỉnh của họ nhằm xoa dịu bất công xã hội phần lớn đến từ sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, từ thành công của các nước xã hội chủ nghĩa và từ phong trào công nhân ở các nước đó được soi rọi bởi ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, việc một số người ra sức rêu rao Việt Nam là đất nước “dị biệt” do đảng cầm quyền lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng thực chất là âm mưu “Diễn biến hòa bình” nhằm làm cho Đảng ta thay đổi bản chất chính trị, bản chất giai cấp của Đảng. Nếu chúng ta từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin thì không còn giữ được bản chất cộng sản nữa, không còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc nữa; mất tính chất tiên phong thì sớm hay muộn Đảng cũng tự tan rã. Đó là mục tiêu sâu xa mà các thế lực thù địch vẫn ngày đêm theo đuổi, chúng ta cần tỉnh táo để không mắc bẫy.

CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI ỔN ĐỊNH LÀ LỢI THẾ

* Thưa đồng chí, cũng vẫn là những lời lẽ đòi Đảng ta từ bỏ Cương lĩnh 2011, một số "học giả" còn lấy những lý do về tình hình phức tạp ở Biển Đông, tâm tư của người dân phản ánh qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để cho rằng, Đảng ta tuyên bố đổi mới chính trị và rất muốn đổi mới chính trị nhưng Cương lĩnh 2011 kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin như một cái “thòng lọng ý thức hệ” khiến cho nỗ lực đổi mới chính trị của Đảng không thực hiện được?

Đồng chí Hà Đăng: Họ chỉ nói lấy được. Tình hình phức tạp ở Biển Đông suốt mấy tháng qua liên quan đến việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những người đòi từ bỏ Cương lĩnh 2011 trên thực tế không làm bất cứ điều gì có lợi cho cuộc đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mà ra sức kêu la rằng Đảng, Nhà nước ta quá nhu nhược, không dám đánh, không dám kiện, rằng chúng ta mất biển, mất đảo đến nơi.

Hôm 25-10-2019 vừa qua, nhóm tàu nước ngoài đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sóng gió tạm yên, những lời hô hoán của họ đã giảm “âm lượng”. Nhưng sóng gió ở Biển Đông là chuyện lâu dài, chúng ta không bao giờ lơ là, không bao giờ mất cảnh giác trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước lớn. Đảng, Nhà nước ta luôn cảnh giác và sẵn sàng cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền bằng nhiều biện pháp; kiên trì các biện pháp hòa bình, tranh thủ môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đối với vấn đề Biển Đông, ta kiên trì nhưng kiên quyết, không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên phần đảo, phần biển mà cha ông ta để lại. Chủ trương dùng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu quân sự trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế không chỉ được nhân dân ủng hộ mà bạn bè quốc tế đồng tình, đánh giá cao. Quan hệ quốc tế của chúng ta đang rộng mở chưa từng có, uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế đang cao hơn bao giờ hết. Năm 2017, chúng ta tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng, hình ảnh nguyên thủ nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu đã phản ánh vị thế này. Hay Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ chọn Hà Nội làm nơi tổ chức, truyền đi thông điệp về Hà Nội - thành phố vì hòa bình lan tỏa khắp thế giới.

Còn về đổi mới chính trị và tâm tư của nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, chúng ta đều thấy qua hơn 33 năm đổi mới thì đổi mới chính trị luôn đi liền đổi mới kinh tế, dẫn dắt, chỉ đường cho đổi mới kinh tế. Nền dân chủ XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, nâng cao; vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng chưa bao giờ làm quyết liệt và hiệu quả như thời gian hai nhiệm kỳ qua; vấn đề xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân đang gặt hái rất nhiều thành tựu.

Quyết liệt nhất là cuộc đấu tranh chống tiêu cực; chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả của cuộc đấu tranh trên rõ ràng đã củng cố niềm tin trong nhân dân vào Đảng, vào công cuộc đổi mới và do đó là vào Cương lĩnh 2011. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội, thế giới xếp Việt Nam là một trong những điểm đến tốt nhất để đầu tư. Vì sao có điều đó, vì nước ta có tình hình chính trị-xã hội ổn định, đó chính là một lợi thế mà bạn bè quốc tế đánh giá chúng ta rất cao. Quốc phòng - an ninh của ta như thế, chính trị - xã hội của ta như thế, bộ mặt thật những người “bôi đen” tình hình đất nước để đòi hỏi Đảng ta phải từ bỏ Cương lĩnh 2011 đã lộ nguyên hình.

CƯƠNG LĨNH 2011 LÀ NGỌN CỜ TƯ TƯỞNG

* Thưa đồng chí, nhưng ý kiến của họ lại núp dưới một số dẫn chứng rất cụ thể về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và mất dân chủ trong xã hội ta. Chính điều đó khiến họ tranh thủ được sự đồng tình của một số người dân, nhất là những người đang chịu nhiều thiệt thòi do tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, lộng quyền gây ra?

Đồng chí Hà Đăng: Thực tế là ở không ít nơi vẫn còn tình trạng quyền dân chủ của nhân dân bị vi phạm; đúng là tình trạng tiêu cực, tham nhũng đang tác động không nhỏ đến tâm tư của nhân dân; nhưng chúng ta thấy rất rõ những mặt tiêu cực đó không phải là do Cương lĩnh 2011 sai, mà do tổ chức đảng, bộ máy công quyền ở đó làm sai. Cái này chúng ta phải tuyên truyền, phân tích để quần chúng thấy rõ. Đảng ta lãnh đạo theo cơ chế dân chủ, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng.

Cương lĩnh 2011 khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”.

Tôi muốn nhắc lại điều này để thấy rằng, luận điệu đổ lỗi cho Cương lĩnh 2011 là nguyên nhân gây ra tình trạng mất dân chủ, vi phạm quyền con người, quyền công dân ở nơi này, nơi kia là sai lầm. Phải khẳng định, chính vì chưa làm đúng với Cương lĩnh 2011 nên mới để xảy ra tình trạng người dân tâm tư, suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Và quan trọng nhất chúng ta phải thấy rõ, việc một số người đòi thay đổi Cương lĩnh là nhằm thúc đẩy mọi sự thay đổi khác, thay đổi tính chất của Đảng, tính chất của Nhà nước, thay đổi Hiến pháp 2013, thay đổi toàn bộ thể chế từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Đất nước sẽ bị “chuyển hóa” sang đa nguyên, đa đảng, để những đảng phái không được được nhân dân ta thừa nhận nhảy vào cạnh tranh, giành giật quyền lực. Nếu Đảng ta chấp nhận thay đổi Cương lĩnh 2011 như đòi hỏi của nhóm người đó, thì Cương lĩnh sẽ không còn là “ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới”. Mà như vậy thì khác nào chấp nhận thủ tiêu mình, thủ tiêu ý chí và khát vọng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của nhân dân ta.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Hà Đăng!

Bài 3: Đập tan chiêu trò "đánh từng bước"

“Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" – PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy khi trao đổi với TCTG về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG MỘT CÁCH CHỦ ĐỘNG VÀ SÁNG TẠO

PV: Thưa đồng chí, trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian gần đây, chúng ta càng nhận thấy tầm quan trọng của Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị Khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, đồng chí có thể khái quát ý nghĩa của Nghị quyết (NQ) này đối với tình hình hiện nay?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Rõ ràng là NQ 35 ra đời rất đúng, rất trúng thời điểm. Thứ nhất, thực tiễn đòi hỏi chúng ta không chỉ trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải phát triển sáng tạo và càng phát triển sáng tạo, càng hiện thực hóa tốt nhất, nhanh nhất mục tiêu, lý tưởng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô thì chính Việt Nam, vừa kiên định, trung thành, vừa phát triển sáng tạo, bổ sung đã bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là bảo vệ một cách chủ động chứ không phải thụ động, bảo vệ không chỉ là các thế lực thù địch chống cái gì thì mình phản bác lại.

Thứ hai, cho đến nay, ngay trong cán bộ, đảng viên vẫn còn không ít người nhận thức mơ hồ về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo rất sâu sắc về vấn đề này. Càng gần các kỳ đại hội Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng chống phá điên cuồng và quyết liệt. Âm mưu cơ bản, lâu dài của họ là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, rất kiên trì, quyết liệt, xảo quyệt. "Diễn biến hòa bình" là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là "thủ đoạn hòa bình” với những phương thức gần đây như "cách mạng nhung", "cách mạng màu", "cách mạng đường phố"... Trong chiến lược này, tư tưởng - văn hóa được họ coi là "mũi đột phá" làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN. Chính các nhà tư tưởng tư sản đã tổng kết: "Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; “Bỏ 1 USD cho tuyên truyền bằng 5 USD cho quân sự”. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng: “Từ nay về sau, nước khống chế thế giới không phải dựa vào quân đội mà dựa vào năng lực đi trước về thông tin”.

Cho nên, NQ 35 của Bộ Chính trị Khóa XII ra đời đã giải quyết hai vấn đề rất lớn, nâng cao nhận thức và định hướng hành động cho cán bộ, đảng viên, đó là phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ phải chủ động, sáng tạo chứ không phải thụ động.

PV: Đồng chí có thể lý giải vì sao càng gần đến kỳ đại hội Đảng thì các thế lực thù địch lại tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Xét về quy luật thì các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị cứ có lúc lắng, lúc lại rộ lên, có lúc dồn dập. Họ không khi nào ngừng chống phá, nhưng cũng biết lựa thời cơ, lựa tâm lý xã hội. Họ biết các kỳ đại hội Đảng là lúc nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước nên cho rằng đây là cơ hội để dấn tới tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối chính trị ở nước ta. Cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố".

Họ làm như vậy để cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn góp ý cho Đảng, lợi dụng các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị”, tung tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức...

BA CUỘC ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

PV: Là người nghiên cứu lịch sử Đảng, qua lịch sử gần 90 năm qua của Đảng ta, xin đồng chí khái quát Đảng ta đã trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng lớn nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Có thể nói là liên tục từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân năm 1930 cho đến thời điểm này, gần kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, tôi thấy không có chặng đường lịch sử nào mà Đảng không phải đối phó với những chống phá về tư tưởng, lý luận. Và có thể nói, ngay từ đầu, Bác Hồ là người sáng lập Đảng đã rất chú ý điểm này. Bác có câu nói dung dị mà chính xác: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt”. Bây giờ, có người nêu ra quan điểm rất phản động là “chủ nghĩa nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”. Đảng mà không có chủ nghĩa thì không có lý luận, sẽ giống như người không có trí khôn, giống như tàu không có bàn chỉ nam, sẽ tự tan rã.

Từ năm 1930 đến nay, trong Đảng có rất nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh 3 thời điểm mà phải Đảng ta phải chống quyết liệt và đã chống thành công. Đó là thời điểm chống sự xâm nhập của Chủ nghĩa Trotsky, ở ta gọi là những phần tử “Tờ-rốt-kít”. Chủ nghĩa này ra đời từ sau Cách mạng Tháng Mười 1917, chống phá cách mạng nhiều nước XHCN, nó phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nó xâm nhập vào Đảng ta vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, những nhân vật Tờ-rốt-kít lúc đó như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch đã ra sức phá hoại tư tưởng và đường lối chính trị của Đảng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó dù đang ở bên Trung Quốc vẫn gửi những chỉ đạo đấu tranh về trong nước. Đồng chí nhắc các đồng chí Trung ương: “Tuyệt đối chống bọn Tờ-rốt-kít, không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về tư tưởng, về chính trị”. Tổng Bí thư Hà Huy Tập lúc đó đã viết hẳn một cuốn sách là “Tờ-rốt-kit và phản cách mạng”. Rồi năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, tự phê bình những thiếu sót của Đảng, đặc biệt về vấn đề tư tưởng để tạo sự thống nhất trong Đảng.

Thời điểm thứ hai, tôi được chứng kiến là những năm 60 của thế kỷ 20, trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế xuất hiện chủ nghĩa xét lại hiện đại. Chủ nghĩa xét lại đòi xét lại những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc, bôi đen Chủ nghĩa Mác-Lênin. Lúc đó, Trung ương Đảng ta phải ra một nghị quyết quan trọng, đó là NQ Trung ương 9, khóa III, tháng 12-1963. NQ thể hiện bản lĩnh của Đảng, tầm trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận diện thấu đáo những luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Lúc đó, trong Đảng xuất hiện một số người đi theo chủ nghĩa xét lại, chống lại đường lối của Đảng. Đảng ta đã xử lý rất kiên quyết những người theo chủ nghĩa xét lại để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Tùng... đã trực tiếp viết bài “bút chiến”, nhằm tổng kết lý luận xây dựng CNXH ở Việt Nam, chứng minh sự đúng đắn, khoa học của học thuyết Mác-Lênin.

Và thời điểm thứ ba mà ta biết, đó là thời điểm cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn 1989-1991, cuộc đấu tranh trên phương diện tư tưởng, cũng phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại. Bây giờ nhìn lại sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng phải khẳng định có một nguyên nhân là chính sự phản bội về tư tưởng lý luận, đi đến phản bội chính trị của một số người lãnh đạo ở các nước XHCN, dẫn đến bi kịch lịch sử ở Đông Âu và Liên Xô.

Ở nước ta, các phần tử phản động, cơ hội chính trị dựa hơi trào lưu đòi “dân chủ hóa, công khai hóa”, đòi “đa nguyên, đa đảng” giống như ở Liên Xô, Đông Âu. Nhưng Đảng ta lập tức đấu tranh rất kiên quyết. Kinh nghiệm ở đây là ta đã phát hiện sớm để phòng ngừa, tổ chức đấu tranh kịp thời. Ta dự báo rất sớm, từ lúc kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười, năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dự cảm và cảnh báo về sự phản bội của một số người lãnh đạo trong các đảng ở Liên Xô và Đông Âu. Tôi nhớ mãi câu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhắn nhủ lúc đó: “Bây giờ ta phải tự bảo vệ lấy ta”. Cho nên, Hội nghị Trung ương 6, Khóa VI, tháng 3-1989, Đảng ta đề ra 6 nguyên tắc trong công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc: “Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Sau đó, Nghị quyết Đại hội VII-1991 của Đảng khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Để có được nghị quyết và sự khẳng định như vậy, Đảng ta đã trải qua một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, đã xử lý không ít đảng viên, có cả đảng viên là lãnh đạo cấp cao mơ hồ, dao động, xa rời nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ “ĐÁNH TỪNG BƯỚC”

PV: Thưa PGS, trong chiến thuật tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ nói nước ta không cần Chủ nghĩa Mác-Lênin mà chỉ cần Tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Theo đồng chí, cần nhận diện âm mưu của họ như thế nào qua thủ đoạn nói trên?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Đấy có thể là chiêu trò “đánh từng bước” của họ. Thực tế cho thấy, những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng” của nhân dân Việt Nam khó đạt được mục đích. Bởi ở Việt Nam, mọi sự xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều dẫn đến hệ quả là bộ mặt thật của những kẻ phản động, cơ hội chính trị bị lộ diện. Cho nên họ chuyển sang trò “tung hô” cực đoan, tuyệt đối hóa vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận hoàn toàn Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Phải nói rằng đây là trò lừa gạt rất tinh vi, một số người nghiên cứu không kỹ có thể mắc mưu họ. Chúng ta đều biết tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc; tìm thấy mối quan hệ khăng khít giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng các dân tộc bị áp bức; tìm thấy con đường đúng đắn để đem lại độc lập dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong tác phẩm Đường cách mệnh viết năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã trích dẫn câu nói của Lênin ở trang đầu: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động”. Chủ nghĩa Mác-Lê nin là cái cốt khoa học lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất là muốn phủ nhận cội nguồn khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nếu Đảng ta không “giữ Chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn thì sẽ không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ và không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đây là nhiệm vụ cốt tử, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

ĐOÀN KẾT PHẢI CÓ NGUYÊN TẮC

PV: Trong các nội dung xuyên tạc về Đảng ta, các thế lực thù địch luôn “nhai đi nhai lại” rằng trong Đảng cũng có phe này, phe kia, như “phe bảo thủ”, “phe cấp tiến”, “phe thân Tầu”, “phe thân Mỹ”... Trong nội bộ, cũng có ý kiến cho rằng yêu cầu đoàn kết trong Đảng là nguyên nhân dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, khiến cho việc tự phê bình và phê bình không còn thực chất vì đảng viên sợ mang tiếng là “mất đoàn kết”? Đồng chí nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Là người nghiên cứu lịch sử Đảng, tôi có thể khẳng định: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta trong suốt 89 năm qua. Chưa bao giờ Đảng ta có chuyện phe này, phe kia; các thế lực thù địch sở dĩ kiên trì xuyên tạc Đảng ta có phe này, phe kia là vì họ muốn tấn công vào bản chất truyền thống của Đảng, họ áp dụng chiến thuật “một lời nói dối trắng trợn nhưng nói đi, nói lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin là sự thật” mà không biết rằng, nói dối nhiều lần sẽ thành “chú bé chăn cừu”, vài ba lần đầu thì còn có người tin, bịa đặt mãi thì sẽ hết người tin.

Còn trong thực tiễn, trước những vấn đề mới mẻ của cách mạng, nhận thức mỗi người khác nhau là chuyện bình thường. Hiện nay, Đảng ta, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, không ít đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc... Đất nước phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào Đảng. Trong Đảng bây giờ cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động. Thực tế trong Đảng đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối", "trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo.

Còn nói vì yêu cầu đoàn kết mà ảnh hưởng đến tự phê bình và phê bình, dẫn đến thủ tiêu đấu tranh trong Đảng cũng không đúng. Thủ tiêu đấu tranh thì không phải đoàn kết. Đấy là cơ hội chính trị, là thủ đoạn, những người mắc bệnh “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, “dĩ hòa vi quý”...đều là biểu hiện của suy thoái, ‘tự diễn biến” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu.

Theo tôi, đoàn kết muốn vững chắc thì phải có nguyên tắc. Một là phải trên nền tảng tư tưởng của Đảng, tức là dựa trên lý luận khoa học. Hai là, đoàn kết phải vì cái chung, phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cách mạng mà đặt ra yêu cầu đoàn kết. Ba là lấy lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc làm cơ sở. Một số người không tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng vẫn cứ đòi đứng trong hàng ngũ của Đảng, đòi những người khác phải đoàn kết với mình thì không thể được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS Nguyễn Trọng Phúc.

Theo Hồng Hải – Song Minh – Liên Việt / Tạp chí Tuyên giáo

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/giai_bua_liem__vang/2020/13606/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-truoc-them-dai-hoi.aspx