Bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp: Củng cố bằng chứng là yếu tố sống còn

Ngay trước thềm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo tỉnh Khánh Hòa và Hội Nhà báo Đà Nẵng… liên tiếp có công văn gửi các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an; đề nghị xử lý nghiêm hành vi hành hung phóng viên trong khi tác nghiệp.

Điều này cho thấy những hiểm nguy và rủi ro luôn bủa vây các phóng viên trong quá trình thâm nhập thực tế.

Nghề nguy hiểm

Ngày 11-3, phóng viên Hứa Vĩnh Nhân, báo Giao thông (thường trú tại TP.Đà Nẵng) trong lúc đi ghi nhận phản ánh của người dân về việc quán Bar Lost and Found (số 28 đường Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) thường xuyên mở nhạc khuya, ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người từ trong quán bar tiến đến hành hung.

Cùng ngày, trong quá trình tác nghiệp phản ánh tình trạng khai thác quặng (thiếc) trái phép trên địa bàn xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh; 2 phóng viên của báo Khánh Hòa là Tạ Văn Long và Phạm Thế Anh đã bị nhiều đối tượng côn đồ hành hung, bắt giữ trái pháp luật, đánh đập và cướp tài sản.

Ngay sau đó Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa và Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đều có công văn gửi tới Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an đề nghị xử lý nghiêm hành vi hành hung phóng viên trong khi tác nghiệp.

Kết quả, kẻ đánh và đe dọa hai phóng viên Tạ Văn Long và Phạm Thế Anh không ai khác là ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an xã Khánh Thành.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Thanh Bình để làm rõ, xử lý trách nhiệm vì đã có dấu hiệu vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm.

Ở vụ việc của phóng viên Hứa Vĩnh Nhân, Công an quận Hải Châu đã vào cuộc xác định nhóm người trên và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Nguyễn Đông Nghi (SN 1988, trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu) để điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích".

UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Lost And Found Pub với mức phạt tiền 120 triệu đồng do vi phạm các quy định về tiếng ồn.

Ngay trong tháng 6, nhà báo Trần Đại, báo Nhà báo và Công luận đã bị nhắn tin đe dọa khi trước đó anh đưa tin về một lãnh đạo xã thuộc một huyện của tỉnh Thanh Hóa trong giờ làm việc đã tự ý bỏ nhiệm sở để tham gia một buổi đấu giá đất.

Sự việc buộc Hội Nhà báo Việt Nam có công văn gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ sự việc, có biện pháp bảo vệ người làm báo.

Trên đây chỉ là ba vụ việc điển hình trong số gần 60 vụ việc nhà báo bị hành hung, cản trở tác nghiệp 5 năm qua. Ba vụ việc trên đều có kết thúc đầy trách nhiệm của các cơ quan tham gia xử lý.

Điều này cho thấy, nếu có sự chung tay từ tòa soạn, cơ quan chủ quản, hội nhà báo, các cấp chính quyền… những hành động đe dọa, hành hung… nhà báo sẽ được xử lý nhanh, nghiêm minh, đem lại niềm tin cho người làm báo, cho nhân dân.

Nhóm côn đồ mang theo dao bao vây xe của hai nhà báo Người đưa tin và báo Pháp luật và Xã hội trên một đoạn đê thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Q.K.

Nếu nhìn nhận lại khuôn khổ pháp lý trong 5 năm trở lại đây, gần như duy nhất sự việc nhóm phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam trong khi tác nghiệp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị đối tượng dùng ô tô đâm, đồng thời hủy hoại máy quay phim là được cơ quan công an vào cuộc và khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự với tội danh “Cản trở người thi hành công vụ”.

Đa số các vụ việc còn lại, đối tượng đe dọa, hành hung nhà báo chỉ bị xử lý hành chính cho hành vi cản trở báo chí tác nghiệp hoặc để các bên tự thương lượng.

Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thống kê những vụ việc cản trở tác nghiệp báo chí năm 2017 cho thấy, xu hướng cản trở tác nghiệp trong năm tuy giảm về số vụ việc (12 vụ được phát hiện; năm 2016 là 36 vụ) nhưng những hình thức cản trở cứng như hành hung, phá hủy phương tiện, đe dọa an toàn thân thể nhà báo được ghi nhận tăng hơn.

Nhà báo cần làm gì để bảo vệ mình?

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: Cách tốt nhất để bảo vệ mình là các nhà báo, phóng viên phải chủ động trang bị cho mình kiến thức về pháp luật, cập nhật kịp thời các chính sách, quyết định mới. Các cơ quan báo chí nên bố trí phóng viên có kinh nghiệm, chín chắn theo dõi mảng liên quan đến nội chính, pháp luật hoặc điều tra.

Điều 93, Bộ Luật hình sự và tội chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 257 nói rõ: “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.

Như vậy, trong khi tác nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan báo thì nhà báo đang thực hiện công vụ và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay một số ý kiến cho rằng thực thi công vụ chỉ được áp dụng cho các đơn vị như công an, quân đội, thi hành án, viện kiểm sát là chưa chính xác.

Luật sư Nguyễn Văn Tuyến, Văn phòng luật Hoàng Hưng nói: Điều 15, Luật Báo chí quy định về quyền và nghĩa vụ nhà báo: “ Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Nước CHXHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ…

Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy , thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật…”.

Ngoài những quy định của pháp luật, mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình kinh nghiệm và kỹ năng đối phó với những rủi ro trong khi tác nghiệp.

Chẳng hạn, mới đây nhóm phóng viên hai tờ báo hoạt động tại khu vực miền Trung khi chụp ảnh và ghi hình xe chở đất đã bị một đối tượng cầm dao đe dọa. Rõ ràng việc chở đất trong khu dân cư, xe quá tải trọng là hành vi phạm luật. Đi cùng nhóm này bao giờ cũng có những kẻ bảo kê hoặc người ít am hiểu về pháp luật.

Nếu việc ghi hình, chụp ảnh được làm kín kẽ, có điều nghiên về quy luật hoạt động của các xe và nhóm người bảo vệ, chắc chắn sự hiểm nguy của nghề sẽ được giảm đi rất nhiều.

Cách đây không lâu, vào lúc trời tối, hai nhà báo của báo Người đưa tin và Pháp luật &Xã hội bị một nhóm người vô cớ chặn xe ô tô, đập cửa xe dọa và gây áp lực trên một đoạn đê thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Sau sự việc, tôi có nói vui với một nhà báo rằng “bùa” cứu họ hôm đó là chiếc xe ô tô, nhờ đó các đối tượng không chạm được vào người nhà báo. Thực tế không phải vậy, họ có kinh nghiệm, bình tĩnh, biết cách xử lý, chủ động ghi hình củng cố chứng cứ, biết sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật khi quay trực tiếp hành vi bị đe dọa này để nhiều người cùng biết, cùng giám sát.

Cuối cùng, họ biết cách để cơ quan công an kịp thời vào cuộc, giải vây.

Như vậy, chủ động củng cố chứng cứ bảo vệ mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cung cấp thông tin cho báo chí luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Một nhà báo từng công tác tại báo Thanh Niên đã thực hiện được nhiều loạt bài điều tra gai góc. Để không mắc phải sai sót, ở mỗi sự việc bao giờ anh cũng có báo cáo công việc và được sự chấp thuận của lãnh đạo tờ báo, đồng thời củng cố chứng cứ, chủ động làm việc xin phối hợp, hỗ trợ từ một số cơ quan khác, trong đó có cơ quan công an nếu như vụ việc vượt qua tầm kiểm soát mà pháp luật quy định với nghề báo.

Kinh nghiệm này đã giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí có lần thoát khỏi “bẫy” khởi tố ở một loạt bài liên quan đến những người nắm trong tay pháp luật tiếp tay cho sai phạm.

Những nhà báo có kinh nghiệm khi thực hiện những vụ việc có tính chất nguy hiểm thường vạch ra kế hoạch, phương án tác nghiệp cụ thể; dự báo các tình huống có thể xảy ra. Trên hết vẫn là sự khách quan, thận trọng, giữ vững đạo đức người làm báo…

Từ các vụ việc cản trở tác nghiệp, hành hung phóng viên cho thấy việc đầu tiên phóng viên và cơ quan của mình nghĩ tới là cơ quan công an, lãnh đạo địa phương nơi xảy ra sự việc.

Còn một cơ quan hết sức quan trọng khác nhiều lúc bị “quên”, đó chính là Sở và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cách đây một năm, trong buổi hội thảo về bảo vệ nhà báo trong khi tác nghiệp, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) Ngô Huy Toàn cho rằng, nhiều hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, đặc biệt là “cản trở mềm” đã bị bỏ qua do chính người bị cản trở không biết mình bị cản trở.

Các nhà báo nên ghi âm, chụp ảnh, quay phim các hành vi vi phạm làm bằng chứng gửi đến các cơ quan chức năng như thanh tra thông tin và truyền thông các cấp, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công an, Ủy ban Nhân dân các cấp và đề nghị xử lý theo Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ba-o-ve-nha-ba-o-khi-ta-c-nghie-p-cung-co-ba-ng-chu-ng-la-ye-u-to-so-ng-co-n-117448.html