Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo

Báo chí và hoạt động báo chí ở nước ta trong những năm qua thật sự khởi sắc, đóng một vai trò quan trọng trong việc phản ánh và thúc đẩy sự phát triển các mặt trong đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí và nhà báo đã có nhiều nỗ lực trong việc thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.

Phóng viên tác nghiệp tại khu vực cách ly Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đăng Anh

Phóng viên tác nghiệp tại khu vực cách ly Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đăng Anh

Báo chí và hoạt động báo chí ở nước ta trong những năm qua thật sự khởi sắc, đóng một vai trò quan trọng trong việc phản ánh và thúc đẩy sự phát triển các mặt trong đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí và nhà báo đã có nhiều nỗ lực trong việc thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.

Thực hiện đúng vai trò, các quyền và nghĩa vụ

Hoạt động báo chí trong một chừng mực nhất định cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, tồn tại. Nhà nước đang phải thực hiện việc quy hoạch báo chí nhằm bảo đảm thực hiện đúng chức năng xã hội, sứ mệnh của nhà báo, cũng như giải quyết, xử lý các hiện tượng vi phạm. Thời gian qua, nhiều nhà báo phải đối diện với những rủi ro trong hoạt động hành nghề đúng pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam đã tổng hợp có hàng chục vụ tiến công nhà báo, xâm phạm quyền hành nghề, sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của nhà báo, có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.

Để giải quyết, xử lý các tồn tại nêu trên, trước hết, cần coi pháp luật là nền tảng cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, nhất là Luật Báo chí năm 2016 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý theo quy định của pháp luật là “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Về phần mình, các nhà báo cũng cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 25 Luật Báo chí, nhất là bảo đảm thực hiện đúng vai trò, các quyền và nghĩa vụ theo Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng. Chỉ có dựa trên cơ sở pháp luật mới bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ báo chí được tôn trọng, bảo đảm các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, hành hung, cố tình xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nhà báo. Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí và nhà báo cần tìm hiểu, nắm chắc các quy định pháp luật liên quan tác động, chi phối đến hoạt động nghiệp vụ của nhà báo, trong đó phải kể đến các văn bản pháp quy dưới luật, các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, hiểu rõ danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính T.Ư theo Quyết định số 81/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cũng cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định về các hành vi bị coi là xâm phạm bí mật đời tư và một số quy định liên quan đến quyền cá nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nhằm chuyển hóa các quy định của pháp luật vào điều kiện tổ chức, hoạt động của mình, thiết nghĩ mỗi cơ quan báo chí đều cần xây dựng Quy chế giúp cho phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật, tránh được những rủi ro trong nghề nghiệp, trong đó quy trình sản xuất tin, bài, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung, thông tin chính xác. Một điểm cần hết sức lưu ý là trong trường hợp cần đóng giả vai để thâm nhập hiện trường, nắm giữ bằng chứng sai phạm, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra báo chí (ghi âm, chụp ảnh...), các phóng viên cần báo cáo Ban Biên tập đồng ý về mục tiêu, kế hoạch và phương pháp tiến hành.

Những hoạt động tác nghiệp nói trên phải bảo đảm phóng viên chỉ là người chứng kiến, ghi nhận sự thật khách quan; phân định rõ ranh giới hoạt động tác nghiệp báo chí với hành vi vi phạm pháp luật, không được trực tiếp sử dụng tiền bạc, phương tiện nhằm tạo ra bằng chứng nhằm tố cáo sai phạm của người khác.

Tận tâm đấu tranh vì lẽ phải

Cơ quan báo chí cũng cần xây dựng quy định tạo nguồn, thẩm định và bảo vệ nguồn tin.Đối với văn bản, tài liệu có đóng dấu “mật”, “tối mật”, “tuyệt mật”, khi sử dụng, khai thác và bảo quản phải bảo đảm đúng quy định, trong đó đặc biệt lưu ý đến nguồn tin từ các cộng tác viên theo quy chế cộng tác viên của cơ quan báo chí nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn bắt buộc về sự chính xác, khách quan và có các chứng cứ đi kèm như văn bản, hình ảnh, băng ghi âm và báo cáo với Ban Biên tập về việc sử dụng nguồn tin từ cộng tác viên đó. Về việc bảo vệ nguồn tin, cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí cần quan tâm xây dựng quy chế và trình tự giải quyết khi phát hiện hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí, đồng thời tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời khi có yêu cầu bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo.Khi đối tượng của hoạt động tác nghiệp báo chí, cá nhân, tổ chức có liên quan khiếu nại hành vi vi phạm Luật Báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, lãnh đạo và bộ phận chuyên trách (chẳng hạn, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi nhà báo) cần yêu cầu nhà báo giải trình, tiến hành xác minh, làm rõ khiếu nại, tố cáo theo Luật Báo chí. Nếu có căn cứ xác định bài viết, hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần tổ chức kiểm điểm, đề xuất biện pháp xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình, về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí.

Khi phát hiện có cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở, xâm hại quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cần có biện pháp can thiệp kịp thời, theo dõi và xử lý vụ việc theo đúng quy định của Luật Báo chí. Nếu vụ việc phức tạp, có biểu hiện bị cản trở, bao che, cần báo cáo, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo địa phương để kịp thời can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng nhất, mỗi nhà báo cần coi trọng sứ mệnh nghề nghiệp cao quý, trui rèn tố chất và nội lực, bản sắc riêng của mình, cố gắng xây dựng hình ảnh của một nhà báo chân chính, có tâm và có tầm, biết vận dụng ảnh hưởng từ vị thế của mình để phục vụ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân về quyền được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, tận tâm đấu tranh vì lẽ phải, sự công bằng bằng chính con tim chính trực của mình.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44926502-bao-ve-quyen-hanh-nghe-hop-phap-cua-nha-bao.html