Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả hơn thì bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước là trách nhiệm của các doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng. Nếu với các cơ quan nhà nước là hoàn thiện hệ thống pháp luật thì với doanh nghiệp là phải nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; với người tiêu dùng là nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch, mua bán để trở thành những người tiêu dùng thông minh.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” là chủ đề cho các hoạt động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. Các hoạt động xoay quanh chủ đề này chính là hướng đến việc góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân; khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch; từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng.

Quy định bắt buộc về minh bạch thông tin sản phẩm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, có một số điểm mới. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, luật quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối tượng áp dụng của luật gồm: Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, MTTQVN; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng bổ sung tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định là đạo luật điều chỉnh chung trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là tiêu chuẩn, cơ sở để tham chiếu trong quá trình xây dựng hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật khẳng định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân; khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch; từng bước trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, luật hướng tới bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính; tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới…

NGƯỜI TIÊU DÙNG NÂNG CAO Ý THỨC TỰ BẢO VỆ

Hiện nay, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh, nhận thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế do thiếu thông tin, thiếu kiến thức và kỹ năng tiêu dùng cũng như hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Thực tế cho thấy, trong các giao dịch mua bán, nhất là các giao dịch nhỏ lẻ, nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại, sợ va chạm, sợ phiền hà, rắc rối, chưa dám khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng thường bỏ qua khi bị xâm hại. Để tự bảo vệ mình, nhiều người đã có ý thức lựa chọn những thương hiệu uy tín.

Kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm là một cách để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của chính mình

Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, anh Nguyễn Văn Khương ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài thường ra chợ mua một lượng lớn những mặt hàng thực phẩm thiết yếu để phục vụ sinh hoạt của gia đình trong nhiều ngày. Tuy nhiên, từ khi gần nhà có các cửa hàng tiện ích, anh không còn phải dự trữ thực phẩm như trước. Thay vào đó, cuối giờ làm việc, trên đường về nhà, anh chỉ cần ghé vào các cửa hàng tiện ích là đã mua được thực phẩm tươi ngon để chế biến những món ăn yêu thích. Anh Khương cho biết: “Trước đây, mình thường đi chợ nhưng gần đây rất ít đi vì chợ truyền thống đông người, giá cả cũng không thống nhất. Nay mình thường vào các cửa hàng tiện ích, siêu thị để mua những đồ dùng cần thiết vì trong này giá niêm yết rõ ràng”.

Có thể thấy, tâm lý và thói quen của những người tiêu dùng như anh Khương đang là xu hướng do tính tiện lợi và nhanh chóng mà các cửa hàng tiện ích mang lại. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, sự tiện lợi, sạch sẽ, chất lượng phục vụ chu đáo và nhất là niềm tin vào chất lượng sản phẩm nhờ vào sự minh bạch về giá cả và thông tin nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa là lý do chính khiến họ lựa chọn cửa hàng tiện ích thay vì chợ truyền thống như trước. Từ sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng có thể thấy nhiều người đã biết quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chị Trần Thị Hòa ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài cho rằng: “Em không tự tin rằng mình là người tiêu dùng thông minh nhưng em không dễ dãi khi mua các sản phẩm hay mặt hàng mình cần. Em thường tìm hiểu về sản phẩm trước khi mua, chỗ nào có sản phẩm tin tưởng thì mua và tiếp tục dùng sản phẩm khác của nơi đó”.

Ngày nay, bên cạnh chất lượng sản phẩm, nhiều người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của người bán hàng. Đây có thể xem là cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Chị Hoàng Thị Thanh Vân ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài cho rằng: “Điều mà mình quan tâm nhất là chất lượng sản phẩm, trong chất lượng sản phẩm thì có nhiều vấn đề như: Nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thông tin sản phẩm rõ ràng và mẫu mã đẹp. Ngoài ra, khi mua sản phẩm, mình cũng rất quan tâm chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ”.

Với sự phát triển của các loại hình thương mại mới, người tiêu dùng ở Bình Phước đang dần thay đổi thói quen mua sắm theo hướng văn minh hơn. Từ đó, làm giảm bớt thói quen mua bán tùy tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường, đồng thời hạn chế cơ hội để các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm có cơ hội len lỏi vào thị trường. Đây cũng là cách người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Quang Xuân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146146/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung