Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại số

Theo báo Nikkei Asia Review, đầu tuần trước, cơ quan chức năng Singapore đã phạt Grab và Uber 9,5 triệu đô la Mỹ vì vi phạm luật cạnh tranh khi sáp nhập, đẩy giá cước dịch vụ vận tải lên cao và chặn cơ hội của các đối thủ.

Ảnh quảng cáo trên mạng xã hội Facebook mấy năm trước. TL.

Sự kiện này làm dấy lên câu chuyện luôn mang tính thời sự: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh giao thương xuyên biên giới, trong thời đại số và sự nổi lên mạnh mẽ của công nghệ 4.0. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam cũng quan tâm đến câu chuyện giá cước khi bối cảnh Grab và Go-Viet đang cạnh tranh khốc liệt, và các ứng dụng gọi xe trong nước như FastGo, VATO… đang loay hoay tìm thị phần.

Hồi tháng 3 vừa qua, Grab có trụ sở tại Singapore đã mua lại thị phần của đối thủ Uber (Mỹ) tại khu vực Đông Nam Á, đổi lại Uber nhận được 27,5% cổ phần tại Grab. Tuy nhiên, bản thỏa thuận này đã đưa hai hãng cung cấp dịch vụ gọi xe lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á vào “tầm ngắm” của giới chức ở nhiều quốc gia, trong đó có Singapore.

Theo Reuters, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore đã công bố kết luận cuộc điều tra cho thấy thỏa thuận hoán đổi thị phần - cổ phần của Grab và Uber đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gọi xe ở đảo quốc này. Theo đó, giá cước của Grab đã tăng từ 10-15% sau thỏa thuận này. Những đối thủ cạnh tranh của Grab cũng gặp nhiều trở ngại từ những thỏa thuận riêng của Grab với các hãng taxi, các đối tác cho thuê xe hay với một số lái xe.

Do đó, Ủy ban Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore đã quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đô la Singapore (9,5 triệu đô la Mỹ, khoảng 221,79 tỉ đồng), trong đó Grab chịu 6,42 triệu đô la Singapore còn Uber chịu 6,58 triệu đô la Singgapore. Ngoài khoản phạt, Grab cũng được yêu cầu thực hiện một số biện pháp nhằm giảm giá cước và tạo cơ hội cạnh tranh cho các đối thủ khác, trong đó có việc cho phép lái xe của hãng sử dụng những nền tảng chia sẻ xe khác.

Quay trở lại với Việt Nam, câu chuyện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi xảy ra tình trạng thống lĩnh, độc quyền của một doanh nghiệp, nhà cung ứng nào đó càng trở nên cấp thiết. Trong kỳ họp hồi tháng 5-2018, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bởi vì, nhiều thương vụ tập trung kinh tế dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ vẫn ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và không ít công ty không có sự hiện diện thương mại chính thức tại Việt Nam nhưng vẫn có thể tác động đến dịch vụ cung cấp tại đây.

Về phía cơ quan soạn thảo luật, Bộ Công Thương cho biết dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã có sự chỉnh sửa, điều chỉnh dựa trên các ý kiến góp ý của các đại biểu và chuyên gia. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật lần này không còn hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam đối với các hành vi hạn chế sự cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cuộc cạnh tranh ở thị trường trong nước.

Yên Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279629/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-thoi-dai-so.html