Bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới ảo

Sau khi người đứng đầu mạng xã hội Facebook có phiên điều trần trước hai viện của Quốc hội Mỹ hôm 11-4 liên quan đến vụ bê bối làm lộ dữ liệu của 87 triệu tài khoản cá nhân, chính phủ Philippines đã mở cuộc điều tra nhằm xác định mức độ bị ảnh hưởng của người dùng Facebook ở quốc gia Đông Nam Á này. Đáng chú ý là, Philippines không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân trước sự tác động tiêu cực của thế giới ảo.

Nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam được cho là nạn nhân của vụ bê bối rò rỉ dữ liệu. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Thành Hoa

Theo hãng tin Reuters, trong bản thông báo ngày 13-4, chính phủ Philippines cho biết Ủy ban Bảo mật thông tin quốc gia của nước này đã gửi thư tới Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg, yêu cầu được cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ việc rò rỉ dữ liệu qua Facebook cũng như xác định phạm vi ảnh hưởng đối với người Philippines dùng Facebook. Bức thư được công bố trước báo giới nêu rõ cuộc điều tra của giới chức Philippines sẽ tập trung xác định liệu có xảy ra tình trạng khai thác trái phép thông tin cá nhân của người dùng là người Philippines hay không.

Cơ quan chức năng Philippines xác định có khoảng 1,18 triệu công dân nước này sử dụng Facebook có thể bị ảnh hưởng trong vụ bê bối lộ thông tin này. Với hơn 67 triệu tài khoản Facebook do người Philippines sở hữu và đang hoạt động, cơ quan chức năng Philippines khẳng định việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng Facebook cũng như cung cấp phương thức “vá” lỗ hổng an ninh là trách nhiệm của cơ quan chức năng nước này.

Vấn đề không chỉ của riêng một nền kinh tế

Vụ bê bối làm rò rỉ dữ liệu liên quan tới 87 triệu tài khoản Facebook cho thấy chính phủ Mỹ cần thắt chặt hơn nữa các quy định, buộc các công ty truyền thông xã hội phải có biện pháp bảo vệ tốt hơn thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Theo hãng tin AFP, nhà phân tích Bob O'Donnell, người đứng đầu hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research của Mỹ, đã lên tiếng rằng qua cuộc khủng hoảng về quyền riêng tư của người dùng Facebook, các công ty truyền thông xã hội có thể không đủ khả năng xử lý phù hợp dữ liệu của người dùng. Do đó, Chính phủ Mỹ cần vào cuộc nhằm đảm bảo quyền riêng tư về thông tin cá nhân của mỗi công dân "ở một mức độ nhất định".

Ông O'Donnel cho rằng, chính quyền liên bang cần đẩy mạnh các nỗ lực buộc các công ty truyền thông thiết lập các cơ chế tốt hơn để bảo vệ dữ liệu của người sử dụng. Ngoài ra, các công ty này cũng cần có các biện pháp nhằm lấy lại niềm tin của họ. Vị chuyên gia này cũng cảnh báo đa số người dùng mạng xã hội đều không nhận ra rằng dữ liệu của họ đang bị sử dụng, và tại sao các trang mạng xã hội có thể thu thập các dữ liệu này. “Các cư dân mạng cần cân đối giữa nhu cầu giao tiếp và những thông tin mà họ chia sẻ lên mạng xã hội. Vụ việc cũng giúp nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật và điều này sẽ dẫn tới những sự thay đổi”, ông O’ Donnel nói.

Nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Xét trên toàn châu lục, ước tính có khoảng 3,6 triệu người sử dụng Facebook tại châu Á đã bị lộ thông tin.

Trong đó, Philippines là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất trong khu vực với 1,75 triệu tài khoản bị lộ thông tin cá nhân, con số này chỉ đứng sau Mỹ với 70 triệu tài khoản. Tại Việt Nam, con số mới nhất đã là khoảng 562.000 tài khoản của người sử dụng Facebook. Theo số liệu thống kê của Facebook, đến tháng 6-2017, có tổng cộng 64 triệu tài khoản Facebook được lập nên bởi người dùng Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, với 562.000 tài khoản bị lộ dữ liệu, khoảng 3% số người sử dụng Facebook ở Việt Nam hiện là nạn nhân của vụ bê bối này.

Việc xuất hiện danh sách dài các quốc gia châu Á cho thấy mức độ tác động mang tầm cỡ toàn cầu của vụ bê bối liên quan đến việc Cambridge Analytica thu thập dữ liệu người sử dụng Facebook. Giờ đây, đó không còn là câu chuyện riêng của chính phủ Mỹ với Facebook.

Kết quả cuộc khảo sát được CBS News và You Gov đưa ra trong lúc vị CEO Facebook phải đối mặt với phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, đã cho thấy suy nghĩ của người Mỹ sau những gì đã xảy đến với vụ bê bối dò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica. Theo kết quả ghi nhận, có tới 63% số người dùng Facebook tại Mỹ tin rằng dữ liệu cá nhân của họ không an toàn và đang bị bên thứ ba lợi dụng.

Một điều bất ngờ là người Mỹ dường như không lạc quan về tương lai của Facebook vì 61% số người được hỏi cho rằng Facebook sẽ không tìm ra được biện pháp nhằm đảm bảo dữ liệu cá nhân người dùng và 70% cho biết Facebook sẽ không có cách nào để chống lại vấn nạn tài khoản giả mạo. Khoảng 61% đồng ý với ý kiến kêu gọi chính phủ có những hình thức điều chỉnh các phương tiện truyền thông xã hội. Đáng chú ý khi trong cuộc khảo sát này, 80% số người dùng Facebook tại Mỹ cho biết họ không ngạc nhiên khi dữ liệu cá nhân của mình đang bị sử dụng trái phép bởi bên thứ ba.

Sức ép điều tra từ các chính quyền

Theo công bố của Facebook, trong số 87 triệu người sử dụng Facebook có thể đã bị công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh Cambridge Analytica khai thác trái phép thông tin cá nhân, có 2,7 triệu người dùng ở Liên minh châu Âu (EU) và gần 86.000 người dùng Hàn Quốc. Chính vì vậy, chỉ một ngày sau vụ điều trần của ông chủ Facebook, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi mạng xã hội này hợp tác toàn diện với các nhà điều tra. Hãng tin AFP cho biết Ủy viên tư pháp của Liên minh châu Âu (EU), bà Vera Jourova, đã điện đàm với Giám đốc điều phối hoạt động (COO) của Facebook Sheryl Sandberg. Qua đó, bà Jourova hối thúc Facebook, gồm cả đội ngũ nhà lãnh đạo cao nhất, hợp tác toàn diện với các nhà điều tra EU. Giới truyền thông đánh giá rằng cuộc thảo luận đã diễn ra cởi mở và có tính xây dựng.

Bà Jourova đã hỏi vị đại diện Facebook rất nhiều câu hỏi về vụ việc liên quan Cambridge Analytica cũng như việc thông báo cho người dân châu Âu bị ảnh hưởng bởi vụ lộ thông tin này. Người đại diện Facebook nêu rõ mạng xã hội này đã bắt đầu thông báo với người dùng. Đại diện EU cũng cho biết đã hối thúc Facebook tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm giảm nhẹ bất kỳ hậu quả tiềm năng nào đối với người dùng trong tương lai và được thông báo rằng Facebook đang lên kế hoạch tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả các ứng dụng của hãng, song việc này sẽ mất nhiều thời gian.

Bà Jourova cũng đề nghị Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg chấp nhận lời mời đến Nghị viện châu Âu do có liên quan vụ việc này. Trong khi đó, bà Sheryl Sandberg cũng thông báo Facebook đang nỗ lực nhằm cải thiện sự rõ ràng của các nội dung quảng cáo mang tính chính trị và khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nhà quản lý EU về tất cả các vấn đề.

Đối mặt với làn sóng tẩy chay mạng xã hội

Trên thực tế, vụ bê bối lộ thông tin này không chỉ khiến Facebook chịu sức ép điều tra từ các giới chức Anh, Mỹ và châu Âu, mà còn đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trước khi vụ bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân của Facebook xảy ra, nước Đức đã đi trước một bước khi tuyên chiến với các mạng xã hội trong nhiều vấn đề khác nhau có thể gây ảnh hưởng xấu tới người dùng, đặc biệt là tin tức giả mạo. Việc siết chặt quản lý các mạng xã hội đã được các nhà lập pháp Đức đặt ra từ nhiều năm trước. Cựu Bộ trưởng Tư pháp và nay là Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas từng thúc đẩy mạnh mẽ việc phạt tiền nặng đối với các mạng xã hội vi phạm luật pháp, đặc biệt trong vấn đề kiểm soát fake news, hay còn gọi là tin tức giả mạo.

Mùa hè năm 2017, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1 vừa qua. Đây là công cụ pháp lý mới nhất và mạnh nhất nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh nhất có thể cho người sử dụng. Theo luật này, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu euro, tương đương khoảng 1.400 tỉ đồng. Đức cũng muốn dùng công cụ pháp lý này để hạn chế các loại hình tội phạm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức cực đoan, các nhóm khủng bố. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội dù không vui vẻ chút nào nhưng vẫn buộc phải tuân thủ các quy định mới của luật NetzDG. Facebook, YouTube, Twitter... theo đó đã đầu tư các công cụ mạnh để lọc những nội dung vi phạm, cũng như cho phép người dùng khiếu nại đồng thời tiến hành xử lý các phản hồi trong vòng 24 giờ.

Các bản thống kê sơ bộ cho thấy Đức hiện có khoảng 38 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó WhatsApp chiếm tỷ lệ cao nhất với 79%, tiếp đến là Facebook với 59%, Instagram với 30%. Twitter chỉ xếp thứ năm về mức độ phổ biến tại Đức, sau cả YouTube và Snapchat. Theo thống kê của các nhà quản lý, có khoảng 310.000 tài khoản Facebook của người tại Đức bị ảnh hưởng trong vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, một con số khá lớn trong toàn khu vực châu Âu với khoảng 2,7 triệu tài khoản có tên trong số 87 triệu tài khoản Facebook trên thế giới bị Cambridge Analytica sử dụng trái phép các thông tin cá nhân.

Kết quả thăm dò của tạp chí Focus hồi cuối tháng 3 cho thấy khoảng 49% người dùng ở Đức có ý định đóng tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram và Twitter. Lo ngại về việc thiếu các biện pháp bảo vệ dữ liệu là một trong những nguyên nhân chính khiến người dùng muốn đóng các tài khoản trên mạng xã hội.

Ngày 5-4, Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley kêu gọi các quốc gia châu Âu phản ứng thích đáng đối với mạng xã hội Facebook về vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng với số người bị ảnh hưởng đang tăng lên rất nhiều so với ước tính ban đầu. EU đã thiết lập những quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 5 tới, theo đó yêu cầu các công ty truyền thông xã hội bảo mật tốt hơn đối với các thông tin cá nhân trên mạng nếu không sẽ phải chịu phạt tối đa 4% thu nhập hàng năm.

Ngọc Ánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271877/bao-ve-quyen-rieng-tu-trong-the-gioi-ao.html