Bảo vệ rừng bền vững ở vùng biên giới Quan Sơn

Huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có hơn 92.000ha rừng. Xác định rừng không chỉ là nguồn tài nguyên quý, có giá trị lớn về sinh thái, môi trường mà còn góp phần thiết thực tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương, vì vậy lực lượng kiểm lâm huyện Quan Sơn đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó công tác tuần tra, kiểm soát được đặt lên hàng đầu để việc quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả cao.

Do thiếu đất sản xuất, lại được mọi người trong bản rủ vào rừng chặt cây, phá rừng để làm rẫy nên tháng 2-2024, chị Sung Thị Hơ, dân tộc Mông, ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cùng 3 người nữa đã vào rừng phá rừng tự nhiên. Theo chị Sung Thị Hơ: “Từ bao đời nay, thế hệ ông bà của tôi cũng đều chặt cây, phá rừng để lấy đất làm rẫy nên tôi không biết hành động của mình lại vi phạm pháp luật. Vừa qua, được các kiểm lâm viên và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nên tôi đã biết. Từ bây giờ tôi sẽ không phá rừng nữa”.

Cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Na Mèo (Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn) đi tuần tra rừng.

Đến trụ sở Trạm Kiểm lâm Na Mèo, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, có 4 cán bộ, kiểm lâm viên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 28.962ha rừng thuộc các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Điện. Được biết, địa bàn các xã do trạm quản lý có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Do ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ các năm vừa qua, nhiều diện tích nương rẫy, diện tích sản xuất lúa nước đã bị vùi lấp, dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, đồng bào có thói quen săn bắn để cải thiện bữa ăn, khai thác lâm sản lấy gỗ làm nhà, đồ gia dụng. Chính những nguyên nhân này đã gây áp lực cho an ninh rừng trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Hậu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cho biết: “Trước tình trạng trên, công tác chống chặt phá, khai thác rừng, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép được chúng tôi tăng cường thực hiện. Chúng tôi đã đưa kiểm lâm viên về địa bàn tham mưu cho chính quyền trong bảo vệ rừng tận gốc. Hạt kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra an ninh rừng tại các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh còn giàu tài nguyên. Trong công tác tuần tra, chúng tôi dựa vào chính quyền, nhân dân để phát hiện và ngăn chặn các đối tượng xấu lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép. Công tác quản lý lâm sản, tang vật sau khi xử lý cũng được quan tâm bảo vệ tốt, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế, không để xảy ra thất thoát hoặc thiếu hụt. Kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản của các đơn vị, người dân trên địa bàn đúng quy định”.

Theo chân cán bộ kiểm lâm, vút tầm mắt chúng tôi là những cánh rừng trồng như quế, lát, luồng, vầu, keo... và rừng tự nhiên xanh ngút ngàn tại xã Na Mèo, diện tích rừng tự nhiên, rừng vùng biên huyện Quan Sơn với nước bạn Lào phát triển xanh tốt. Rừng nhiều tầng, nhiều tán, không những đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho đầu nguồn sông Luồng, sông Lò, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, là nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật rừng. Bên cạnh công tác tuần tra, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Quan Sơn còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về công tác bảo vệ rừng. Đồng chí Nguyễn Hữu Hậu cho biết thêm: “Tháng nào lực lượng chức năng cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đối với những bản trọng điểm, đồng bào dân tộc Mông sinh sống đông, thường xuyên xảy ra vi phạm thì mỗi ngày chúng tôi tận dụng hệ thống loa phóng thanh để phát bản tin, vận động người dân chấp hành pháp luật. Kiểm lâm viên cũng thường xuyên xuống tận bản để gặp gỡ nói chuyện với đồng bào; lắng nghe xem bà con có vướng mắc gì không. Nhiều người vi phạm không phải do ý thức mà do thiếu hiểu biết pháp luật”.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 33 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách 412 triệu đồng. Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng của huyện Quan Sơn đã được chăm sóc, bảo vệ an toàn, độ che phủ của rừng hiện nay đạt 89,24%. An ninh rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn cơ bản ổn định, kiểm soát được tình hình phá rừng trái pháp luật. Cấp ủy, chính quyền đã chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng lên, góp phần bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - BÙI LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-ve-rung-ben-vung-o-vung-bien-gioi-quan-son-775176