Bảo vệ sản xuất mùa khô hạn

Tháng 1-2020, mực nước trên sông, rạch ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh xuống thấp, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ao hồ nuôi trồng thủy sản... Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cùng nông dân tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới giữ nước ngọt, bảo vệ lúa đông xuân…

Tập trung sản xuất

Dọc theo con lộ bê tông thẳng tắp, nối liền các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) là những cánh đồng lúa xanh rì, đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Mặc dù trong những ngày qua, thời tiết không thuận lợi, trời nắng nóng, mực nước dưới sông, rạch xuống thấp, nhưng gia đình anh Trần Văn Nhân, ở xã Thạnh Thắng vẫn gia cố, bảo vệ bờ bao ruộng lúa để giữ nước, tránh khô hạn trên đồng. Anh Nhân cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” nên lúa phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất. Nhưng năm nay mới tháng Chạp âm lịch nước xuống rất thấp, có khả năng gây hại lúa đông xuân. Hiện gia đình tôi cũng như bà con tận dụng triều cường lên cao để bơm nước vào ruộng lúa, dự trữ tại các kênh nội đồng, ứng phó khi hạn hán xảy ra”.

Mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, tiết kiệm sử dụng nước ở huyện Vĩnh Thạnh phát huy hiệu quả.

Mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, tiết kiệm sử dụng nước ở huyện Vĩnh Thạnh phát huy hiệu quả.

Theo nhận định của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2020 tại vùng ĐBSCL sẽ diễn ra rất nghiêm trọng, với mức độ tương đương năm 2016. Dự báo khô hạn, xâm nhập mặn càng thêm gay gắt vào cuối tháng 1, tháng 2, 3 và 4-2020. Vĩnh Thạnh hằng năm chịu tác động của hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra. Để sản xuất nông nghiệp hạn chế tác hại do khô hạn, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp huyện thực hiện nhiều giải pháp ứng phó. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khuyến cáo nông dân tranh thủ những ngày nước lớn, triều cường lên cao bơm tát nước vào đồng ruộng, kênh rạch nội đồng; gia cố bờ bao, cống bọng tránh rò rỉ, thất thoát nước dự trữ… Bên cạnh đó, chúng tôi theo dõi dự báo, thông báo của đơn vị chức năng về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn để có giải pháp ứng phó…”.

Vụ lúa đông xuân này, huyện Vĩnh Thạnh đã gieo sạ trên 25.000ha, dự kiến tổng sản lượng khoảng 170.000 tấn. Hiện tại, trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp cùng các xã, thị trấn đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân chăm sóc, bảo vệ, đồng thời chủ động công tác dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại với quyết tâm sản xuất thắng lợi vụ lúa chính trong năm.

Tăng cường bảo vệ

Những năm gần đây, hệ thống đê bao thủy lợi tại huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư hoàn chỉnh, các kênh tạo nguồn cấp 2 được đầu tư nạo vét, chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Tính đến nay trên địa bàn huyện có 16 trạm bơm điện (tăng 13 trạm so năm 2015) và hàng trăm ki-lô-mét bờ bao, phục vụ tưới, tiêu thoát nước cho trên 5.820ha đất sản xuất nông nghiệp. Ông Phan Văn Năm cho biết: “Với hạ tầng sản xuất nông nghiệp như trên, Vĩnh Thạnh có khả năng ứng phó tốt khi khô hạn xảy ra. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện vẫn hướng dẫn bà con sản xuất tiết kiệm nước ngọt; chuyển đổi cây trồng thích ứng khô hạn, tránh tác hại do mặn xâm nhập. Đặc biệt, sau vụ lúa đông xuân 2019-2020 thu hoạch, địa phương sẽ hạn chế sản xuất tiếp vụ lúa xuân hè tập trung sản xuất rau, màu ít sử dụng nước ngọt, nhằm ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn…”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, hằng năm diện tích trồng màu phát triển khá tốt, trong đó tập trung chuyển dịch từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây màu, với diện tích bình quân 1.210 ha/năm (tăng 238,47ha so năm 2015); diện tích vườn tạp sang vườn cây ăn trái có hiệu quả 158ha… Năm 2020, huyện Vĩnh Thạnh sẽ phát huy các mô hình chuyển đổi cây trồng thích hợp và ứng phó khô hạn.

Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, yêu cầu: “Ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tập trung nhân lực, phương tiện cùng nông dân thực hiện các giải pháp khai thông kênh, rạch, giữ nước ngọt, đảm bảo đủ lượng nước cung cấp sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo vệ lúa đông xuân an toàn đến khi thu hoạch. Trạm Thủy lợi huyện thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, kịp thời thông báo nông dân để có biện pháp ứng phó kịp thời khi khô hạn, mặn xuất hiện; cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa đông xuân cho bà con nông dân; chủ động xây dựng kế hoạch nạo vét kênh, rạch, nâng cấp đê bao để đảm bao hiệu quả sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bao-ve-san-xuat-mua-kho-han-a117406.html