Bảo vệ sức khỏe khi dùng giày cao gót

(ANTĐ) - Mặc dù các chuyên gia y tế đã khẳng định nhiều lần về mối quan hệ giữa giày cao gót với rất nhiều loại bệnh như giãn tĩnh mạch, bệnh về khớp cổ và đốt sống... nhưng pháí đẹp rất khó thắng nổi sức cám dỗ của những đôi giày này.

Marilyn Monroe từng có "Tuyên ngôn về giày cao gót": "Cho dù nó khiến chân tôi bị thương nhiều lần đi nữa, tôi vẫn cứ yêu nó như yêu một người đàn ông!". Và Victoria Beckham, một quý bà nữa bị giày cao gót "kiểm soát" từng nói rằng, cho dù thường xuyên đi những đôi giày siêu cao trái ngược với kết cấu cơ học của cơ thể dẫn đến toàn bộ các ngón chân bị biến dạng nghiêm trọng mà không thể không cần đến phẫu thuật, Vic vẫn kiên quyết không từ bỏ mối "thân tình" với những đôi giày cao. Có vẻ như nữ giới và giày cao gót có duyên phận không thể "chia lìa". Như vậy, điều khá cần thiết dành cho phái đẹp là tìm hiểu xem làm thế nào để giảm thiểu nhiều nhất ảnh hưởng khi đi bộ với giày cao gót. So với giày đế bằng, một khi đặt chân lên đôi giày cao, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ lập tức dồn vào phía trước bàn chân, áp lực phía trước bàn chân tăng lên cao rất dễ dẫn đến tình trạng các ngón chân bị đau, bị rạn và bị biến dạng. Khi đi giày cao gót, trọng tâm của phần dưới cơ thể sẽ hướng về phía trước, như vậy phần trên cơ thể sẽ tự nhiên đổ ra phía sau để duy trì sự cân bằng cho cơ thể, và điều này sẽ dẫn tới bệnh đau lưng. Ngoài ra, khi mang giày cao, do gót chân và mắt cá luôn phải duy trì trạng thái như đang dẫm lên mặt đất, nên thời gian dài sẽ khiến cho dây chằng cùng cẳng chân bị bó chặt và rút ngắn lại, nhiều người bị đau lòng bàn chân và viêm cơ, dây chằng ở chân cũng là vì nguyên nhân đó. Các chuyên gia nhắc nhở: 1. Bạn nên bước từng bước nhỏ, nhất định phải để cho đầu ngón chân hướng về phía trước. 2. Khi đi bộ, hai chân phải gần vào nhau hết mức, cố gắng để gót chân chạm đất trước, sau đó dần dần dồn lực ra đến đầu ngón chân. 3. Sau khi về nhà, bạn hãy đi chân trần, để mắt cá chân có thể tham gia vào các động tác vận động tự do, đồng thời để kích thích các khu vực phản xạ khác nhau dưới gan bàn chân. 4. Tự massage chân, sau cả một ngày đi giày cao gót, buổi tối bạn nên ngâm chân vào nước ấm từ 10-15 phút. Sau đó dùng 2 tay nhẹ nhàng xoa bóp các tuyến hạch phía sau khớp gối. Điều này để tăng cường lưu thông máu và bài tiết chất chuyển hóa. 5. Bạn cũng nên chú ý đến độ cao của giày cao gót. Muốn biết độ cao của 1 đôi giày cao gót liệu có vượt quá mức giới hạn chịu đựng của bạn hay không, có cách rất đơn giản, bạn hãy giữ 2 chân thật thẳng, rồi nhấc gót chân lên, xem gót đôi giày hiện bạn đang mang và mặt đất liệu có cách nhau được đến khoảng 1cm không. Nếu bạn gần như không nhấc nổi, thì hãy đi thay ngay một đôi giày khác!

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=74894&channelid=100