Bảo vệ sức khỏe nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm?

Xin hãy một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm? Vậy mà không ít người lại cổ súy cho 'văn hóa uống'... - Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nói.

Sáng 16/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dẫn số liệu mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cung cấp, ông Phạm Trọng Nhân nêu rõ, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. "Nếu tính phí tổn kinh tế do rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm", ông Nhân nói.

Dẫn ra “thành tích” uống bia đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam và từ năm 2014 đến 2016, khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt lại tăng gấp đôi, đại biểu Nhân nêu quan điểm: “Thật khó mà tự hào về thành tích uống bia, rượu đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam".

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Ngành rượu bia không thể vô can

Nói về nguyên nhân dẫn đến “thành tích” nói trên, đại biểu Nhân đặt ra câu hỏi: “Phải chăng do tính có sẵn của nó, có thể mua bia, rượu ở bất cứ đâu?.... Ở các thành phố, các khu đô thị còn có cả những con phố ăn nhậu sẵn sàng phục vụ?”

Đại biểu tỉnh Bình Dương nhấn mạnh đến những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ khi từ đầu nhiệm kỳ luôn luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cho phát triển để “GDP nhích lên từng tí một” và có khi, GDP nhích lên và được coi là kỳ tích. Nhưng ngược lại, rượu, bia đang làm tổn hại tới 1,3% GDP mỗi năm, chưa kể những tác hại lâu dài mà nó mang lại.

Đại biểu nhận định: “Không ít ý kiến đổ những tác hại ấy cho người dùng và ngành rượu bia cứ như là một chủ thể vô can. Thậm chí họ còn dùng các mỹ từ và truyền thống văn hóa để cổ súy cho việc tiêu dùng bia, rượu”.

Theo đại biểu, ngành rượu, bia không thể là chủ thể vô can vì tính sẵn có của nó mà bất kể ai cũng có thể tiếp cận, uống bia, rượu và bị tác hại.

"Các quảng cáo bia, rượu làm cho người nghe nhầm tưởng sự hấp dẫn đến từ một loại thuốc bổ hay thần dược nào đó, như "hào khí ngàn năm", "chung một đam mê", "chất men thành công" hay "nâng ly vì trí lớn", v.v... Từ đó đã quên hay cố tình quên đi các vụ thảm án, tai nạn giao thông, bi kịch gia đình, các vụ bạo hành, vợ mất chồng, con mất cha cũng vì từ bia, rượu mà ra" - đại biểu Nhân nói và đặt câu hỏi: "Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu, bia?".

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị: "Việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trong tất cả các chương trình trên báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh dành cho thiếu nhi như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11.

Trước một số ý kiến e ngại ảnh hưởng đến nguồn thu, đại biểu Nhân nói: “Tranh luận là cần thiết, nhưng xin hãy một lần đến những nơi cấp cứu người tai nạn vì rượu bia hay một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm? Vậy mà không ít người lại cổ súy cho “văn hóa uống”. Tôi đánh giá cao Bộ Y tế và tinh thần tranh đấu cho dự luật này".

Không chỉ cho rằng: “Không nên ngụy biện bằng uống có trách nhiệm hay gì khác”, đại biểu tỉnh Bình Dương còn thẳng thắn nói: “Tôi mong rằng luật được xây dựng chặt chẽ, không có những cài cắm lợi ích qua việc đánh tráo khái niệm bởi những tổn thất tác hại của bia rượu lên xã hội là quá lớn so với lợi ích mang lại. Đã đến lúc hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại này, đưa đất nước ra khỏi vị trí không mấy tốt đẹp dù là hàng đầu khu vực hay thế giới” - ông Phạm Trọng Nhân nói.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, đã đến lúc phải hành động để đưa đất nước ra khỏi những vị trí không lấy gì làm tốt đẹp.

Đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân, đại biểu Lê Thị Yến - đoàn Phú Thọ cũng nhận định thói quen uống rượu, bia đã có từ lâu đời, hiện đang đóng góp 50.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách và tạo ra việc làm cho 220.000 người. Tuy vậy, bia, rượu ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thì đồng ý rằng, nếu uống rượu có tác hại quá nhiều thì cần phải chống, nhưng các điều luật còn thiếu chế tài, không khác gì lời hiệu triệu.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về một số điều khoản cụ thể như tên gọi của Luật hay các quy định về quảng cáo, bán hàng qua mạng..., nhưng hầu hết các đại biểu đều cho rằng rằng ban hành luật phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, thậm chí là ngay lập tức, Chính phủ có thể ra Nghị định như cấm đốt pháo hoặc bắt buộc đội mũ bảo hiểm... trước vấn nạn rượu bia hiện nay.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-hay-bao-ve-khoan-thu-50000-ty-dongnam-619569/