Bảo vệ sức khỏe nhân dân và sản xuất nông nghiệp

Những ngày qua, rét đậm, rét hại kéo dài, nền nhiệt độ tại nhiều địa phương miền núi phía bắc xuống thấp, xuất hiện băng giá ở nhiều nơi. Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, hiện các cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn và người dân nhiều địa phương tích cực triển khai các biện pháp chống rét, hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại của rét đậm, rét hại đến sức khỏe nhân dân và sản xuất...

Người dân Sa Pa (Lào Cai) làm lán trại để nuôi nhốt, tránh gió lùa và mưa rét, bảo vệ đàn trâu. Ảnh: QUỐC HỒNG

Người dân Sa Pa (Lào Cai) làm lán trại để nuôi nhốt, tránh gió lùa và mưa rét, bảo vệ đàn trâu. Ảnh: QUỐC HỒNG

Những ngày qua, rét đậm, rét hại kéo dài, nền nhiệt độ tại nhiều địa phương miền núi phía bắc xuống thấp, xuất hiện băng giá ở nhiều nơi. Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, hiện các cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn và người dân nhiều địa phương tích cực triển khai các biện pháp chống rét, hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại của rét đậm, rét hại đến sức khỏe nhân dân và sản xuất...

Ở vùng “rốn rét” Sa Pa

Suốt hơn một tuần qua, nhiệt độ ở Sa Pa liên tục giảm thấp, khiến thời tiết rét hại, tác động rất xấu đến sức khỏe con người và cây trồng, vật nuôi. Sáng 9-1, chúng tôi ngược quốc lộ 4D từ TP Lào Cai lên Sa Pa, gió thổi ào ào kèm theo mưa nhỏ và sương mù dày đặc, nhiệt độ là 00C, rét tê tái. Tại thôn Má Tra, xã Sa Pả cũ (nay là tổ 2, phường Hàm Rồng), vợ chồng anh Má A Vàng đang miệt mài gia cố tấm chắn gió lùa cho chiếc chuồng trâu rộng khoảng 15 m2, nhốt ba con trâu trưởng thành của gia đình. Chuồng trâu của gia đình anh Vàng cách xa nhà, ở vị trí khuất gió, được làm bằng cột gỗ, mái lợp kín mít. Anh Vàng bảo: “Mình phải che thêm mấy tấm ván này nữa để giữ cho trâu được ấm. Ba con trâu là tài sản lớn của gia đình, thiếu nó thì không biết lấy gì cày nương, bừa ruộng để trồng trọt, nuôi sống gia đình”. Anh Lương Ðức Quang, cán bộ khuyến nông “cắm chốt” ở tổ 2, cho biết: Toàn tổ 2 Hàm Rồng có 71 hộ chăn nuôi gia súc, với 257 con trâu, chiếm 60% số gia súc toàn phường. Ðến nay, đã có 95% số hộ làm chuồng trại kiên cố, bảo đảm chống rét cho gia súc trong mùa đông khắc nghiệt.

Thị xã Sa Pa hiện có hơn 4.500 hộ chăn nuôi trâu, bò. Ðể phòng, chống rét cho đàn gia súc hơn 13 nghìn con, thị xã Sa Pa tập trung củng cố chuồng trại. Ðồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có thói quen thả rông gia súc trong rừng, đến mùa cần cày ruộng mới lên rừng dẫn trâu về nhà. Vì thế, vào mùa đông, rét đậm rét hại, băng tuyết là trâu chết rét nhiều, do đói và rét, sức đề kháng giảm. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa Trần Thị Lan Hương cho biết: Một mặt, cán bộ nông nghiệp huyện “bám dân, bám bản” vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc; mặt khác, huyện hỗ trợ tiền mua vật liệu (hai triệu đồng/chuồng/hộ nghèo) giúp người dân làm chuồng gia súc. Ở một số nơi, như xã Tả Phìn, đồng bào người dân tộc H’Mông có sáng kiến lập tổ đổi công, sử dụng đất tại chỗ để làm chuồng gia súc, vừa ấm về mùa đông, vừa mát về mùa hè. Tính đến nay, toàn thị xã Sa Pa đã có 91% số hộ (4.122 hộ) chăn nuôi đã có chuồng trại, cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc. Toàn thị xã có 2.951 hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho gia súc, trong đó có khoảng 40% bảo đảm dự trữ được từ 70% đến 100% thức ăn cho gia súc trong suốt mùa đông. Số còn lại, thị xã Sa Pa đang lập các tổ công tác tích cực vận động và hướng dẫn người dân tiếp tục tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc; đối với những hộ quá khó khăn thì hướng dẫn đồng bào “sơ tán” trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét.

Phòng Giáo dục và Ðào tạo thị xã Sa Pa có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường theo dõi dự báo thời tiết, căn cứ thực tế để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày quá rét. Các điểm trường chủ động bảo đảm cơ sở vật chất, mua sắm máy sưởi, chăn ấm... để giữ ấm cho học sinh. Do nhiệt độ xuống thấp, dưới 00C, xuất hiện băng tuyết, hiện tại Sa Pa cho hơn 12.000 học sinh các cấp tạm nghỉ học.

Bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa có 155 giường bệnh, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, số giường bệnh thực kê đã lên đến gần 300. Hiện nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện từ 150 đến 200 bệnh nhân/ngày, trong đó, trẻ em tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó. Hiện, tổng số bệnh nhi đang nằm điều trị nội trú tại Khoa Nhi đã lên đến gần 90. Ða số bệnh nhi mắc một số bệnh do thời tiết rét lạnh như viêm họng cấp, hen, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt vi-rút… Bệnh viện đã trang bị điều hòa nhiệt độ tại các phòng mổ, phòng đỡ đẻ, phòng tiêm. Bác sĩ Trần Xuân Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bên cạnh việc chủ động phòng, chống rét cho người bệnh, đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện cũng chú trọng khuyến cáo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sử dụng an toàn các thiết bị điện, thiết bị sưởi ấm; chủ động các biện pháp giữ ấm thích hợp, ăn uống đủ chất, giữ vệ sinh cơ thể để phòng, chống bệnh mùa lạnh.

Chủ động bảo vệ đàn gia súc

Tại xóm Pác Háo - Nà Pìn, xã Lê Chung, huyện Hòa An (Cao Bằng), ông Ðàm Văn Nam đang tranh thủ kiếm cỏ, lá cây cho trâu bò ăn khi sương muối, rét đậm, rét hại đang làm cây cỏ, lá cây vàng úa. Ông Ðàm Văn Nam chia sẻ, thực hiện hướng dẫn của cán bộ xóm, gia đình đã che chắn chuồng trâu, chủ động tích trữ thức ăn “khô” là rơm, thân cây ngô, đồng thời đi kiếm thêm thức cỏ, lá cây cho trâu, bò ăn, tăng sức đề kháng của trâu, bò trong ngày đông giá rét. Theo dự báo mùa đông năm 2020 - 2021 sẽ khốc liệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Bằng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, ra các văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra công tác phòng chống, giảm thiệt hại của rét đậm, rét hại đối với cây trồng, vật nuôi. Giám đốc Sở NN và PTNT Cao Bằng Bế Xuân Tiến cho biết, đáng lo ngại nhất là bảo vệ đàn vật nuôi, trong đó, có hơn 210 nghìn con trâu, bò. Cán bộ chuyên môn theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết để từng đợt rét đậm, rét hại đều tham mưu ban hành công điện gửi các địa phương vận động người dân không lơ là, chủ quan trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và tự giác của người dân, đến nay, tại Cao Bằng chưa có trâu, bò, vật nuôi chết do rét đậm, rét hại.

Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, ngành giáo dục Cao Bằng ban hành các văn bản chỉ đạo việc bảo đảm sức khỏe, phòng, chống rét cho học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Cao Bằng Trần Thúy Hồng cho biết, ngày 8-1 học sinh tiểu học, trung học cơ sở thi học kỳ, nhưng các trường đã cho học sinh nghỉ học buổi sáng, tổ chức thi vào buổi chiều cùng ngày và chiều ngày hôm sau. Ðến nay, các cháu đã thi xong, ngành giáo dục thành phố cho các cháu nghỉ học thêm cả tuần. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bảo Lạc Nông Thị Loan cho biết, đã hướng dẫn, thông báo và từ chiều 10-1 tổng hợp danh sách các trường học báo cáo sẽ cho học sinh nghỉ học để phòng, chống rét đậm, rét hại.

Tại các bệnh viện ở Cao Bằng, rét đậm, rét hại khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Nông Tuấn Phong cho biết, Sở yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống rét đậm, rét hại. Mỗi cơ sở kiểm tra phòng điều trị nội trú, bảo đảm giữ ấm cho người bệnh, hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp bảo đảm sức khỏe. Các đơn vị rà soát, bổ sung số lượng thuốc dự trữ bảo đảm công tác điều trị người bệnh.

Sáng 8-1, tại các điểm núi cao như: Tà Chì Nhù (Trạm Tấu), Khau Phạ (Mù Cang Chải) của tỉnh Yên Bái, nhiệt độ đo được từ 3 đến 50C, sương mù dày đặc, trời lạnh buốt. Tại xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, nhiệt độ là 90C, nhiều hộ dân dùng củi đốt sưởi, tránh cái lạnh thấu xương. Là xã đặc biệt khó khăn, thuần nông, để đối phó đợt lạnh kéo dài, nhiều hộ dân đưa vật nuôi từ rừng về chuồng che chắn gió, tăng cường chất ăn tinh cho đàn gia súc. Anh Vũ Văn Trường, trú tại thôn 3 hiện có bốn con trâu, chín con bò đều đã đưa về chuồng nuôi nhốt. Anh Trường cho biết, ngoài cỏ voi, chuối cây thái nhỏ, gia đình sử dụng thêm rơm khô tưới nước muối, mua thêm cám công nghiệp để bổ sung thức ăn cho trâu, bò. Xã Hồng Ca có đàn gia súc gần 2.600 con trâu, bò, lợn. Chủ tịch UBND xã Hồng Ca Hà Thanh Chương cho biết: Ðể phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, nhất là ở bốn bản người H’Mông, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền người dân che chắn chuồng trại, chuẩn bị đủ thức ăn, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, những ngày này không chăn thả gia súc; khi thời tiết ấm thì chăn thả muộn, đưa về chuồng trại sớm hơn.

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Trấn Yên (Yên Bái), Triệu Thị Bích Liệu cho biết: Với tổng đàn gia súc gần 55.700 con, 670 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, ngoài việc tiêm phòng dịch, trong đợt rét hại này đã đôn đốc các xã hướng dẫn nông dân làm hơn 1.000 cây rơm, trồng thêm diện tích cỏ voi, sử dụng các thân ngô sau thu hoạch về băm nhỏ, trộn thêm cám ngô, cám gạo làm thức ăn cho trâu, bò, giảm thiệt hại do thời tiết xấu gây ra. Rút kinh nghiệm từ các đợt rét trước, huyện Trấn Yên chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông viên phối hợp chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm như: phát tờ rơi, tập huấn cho hàng nghìn lượt hộ nông dân các biện pháp quản lý, chăm sóc đàn gia súc khi rét hại xảy ra.

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Yên Bái Nguyễn Ðức Ðiển, toàn tỉnh có đàn gia súc hơn 655.000 con. Nhờ chủ động phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; trữ thức ăn, thực hiện nuôi nhốt và che chắn chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ, đến nay, trên địa bàn tỉnh không có gia súc, gia cầm thiệt hại do chết rét.

Bài, ảnh: Quốc Hồng, Minh Tuấn và Thanh Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-va-san-xuat-nong-nghiep-631377/