Bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ trong tiết giao mùa

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em như thủy đậu, cúm, sởi…đang có diễn biến phức tạp. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương).

BS Đặng Thị Thúy.

PV: Trên phạm vi cả nước, số lượng bệnh nhi phải nhập viện điều trị có xu hướng tăng cao ở thời điểm hiện tại, bác sĩ có thể lý giải nguyên nhân của thực trạng này?

BS Đặng Thị Thúy: Như Bộ Y tế cảnh báo, khi độ ẩm không khí tăng cao, lại là thời điểm giao mùa từ xuân sang hè, sẽ là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

Cùng trong thời điểm này, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) đã tiếp nhận rất nhiều trẻ tới khám và nhập viện do nhiễm các mầm bệnh khác nhau, như cúm A, cúm B, Covid-19, Adenovirus. Trẻ bị nhiễm RSV nhập viện nhiều trong 2-3 tháng nay, đặc biệt độ tuổi dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, các ca bệnh mắc tay chân miệng, thủy đậu, Rotavirus cũng được ghi nhận.

Trong cùng thời điểm, có rất nhiều tác nhân gây bệnh lưu hành, tuy nhiên, bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp.

Bên cạnh đó, đặc điểm thời tiết ẩm nồm cũng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ nhỏ phát triển bệnh hen. Bệnh hen khởi phát do các đợt nhiễm virus cấp và hen khởi phát do dị ứng với các tác nhân môi trường, như ô nhiễm không khí, phấn hoa, bụi nhà…

Trước tình trạng bệnh nhi mắc bệnh gia tăng đột biến, rất nhiều phụ huynh thay vì đưa con đi thăm khám tại các cơ sở y tế lại lựa chọn cách điều trị tại nhà. Bác sĩ có khuyến cáo gì?

- Việc các bậc phụ huynh tự chẩn đoán và điều trị tại nhà cho trẻ có thể để lại rất nhiều hệ quả gây ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe của chính con mình. Một trong những hệ quả là cha mẹ không đánh giá được đúng mức bệnh của trẻ nên khi đưa đến viện bệnh thường ở giai đoạn nặng hoặc đã có biến chứng, khiến cho quá trình điều trị khó khăn hơn, thời gian nằm viện dài hơn, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Một hệ quả nữa của việc tự điều trị là tình trạng lạm dụng kháng sinh, không cần biết con nhiễm bệnh với căn nguyên gì, cứ thấy con ho sốt là cha mẹ mua kháng sinh cho trẻ uống, điều này về lâu dài dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ.

Đơn cử, thông thường điều trị đợt sốt virus có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, việc điều trị không đúng bệnh có thể kéo dài thời gian nằm viện, gây bội nhiễm, biến chứng. Từ đó, không chỉ gây tốn kém về kinh tế, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến kháng kháng sinh. Do vậy, khi nhận thấy con mình có vấn đề, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh trường hợp dùng không đúng thuốc, gây kháng thuốc, hoặc khiến bệnh chuyển nặng.

Bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên giúp các bậc phụ huynh bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ?

- Trong thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ mắc bệnh. Do đó, để phòng chống các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ nên lưu ý vệ sinh cá nhân và tăng sức đề kháng cho trẻ. Lưu ý cho con vệ sinh bàn tay thường xuyên, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường xung quanh không gian sống, dọn dẹp nhà cửa. Đồng thời, việc phòng bệnh cho trẻ trong môi trường lớp học cũng cần được lưu ý. Cần vệ sinh quang cảnh chung, tránh nơi tồn đọng nước, nơi muỗi phát triển, phát quang bụi rậm, môi trường sống, yêu cầu trẻ vệ sinh tay trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Cha mẹ và thầy cô cần phối hợp, theo dõi sức khỏe con em mình trong điều kiện nhiều bệnh xuất hiện. Ở lớp, khi trẻ ốm, thầy cô cần phát hiện sớm, đưa trẻ xuống phòng y tế, báo với phụ huynh. Trong trường hợp trẻ mắc tác nhân gây bệnh có khả năng lây nhiễm, cần cho các con thăm khám, điều trị hợp lý và cách ly kịp thời.

Trong bối cảnh bệnh hô hấp gia tăng, phụ huynh cũng cần hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người. Nếu cần phải đến nơi đông người, nên đeo khẩu trang cho trẻ. Biện pháp này cũng giúp hạn chế lây virus, vi khuẩn từ người bệnh sang người lành.

Đồng thời, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học. Bởi, trẻ lớn có thể ăn uống không hợp lý, có thói quen thức khuya dậy sớm. Đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Dương Toàn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-suc-khoe-tre-nho-trong-tiet-giao-mua-10276364.html