Bảo vệ sức khỏe trong ngày hè

Nắng nóng kéo dài và nền nhiệt độ tăng cao, thời tiết oi bức cùng với mức nhiệt thường xuyên duy trì 37, 38 độ, có thời điểm trên 40 độ gây nên cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Khám bệnh cho bệnh nhi, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Khám bệnh cho bệnh nhi, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

(baophutho.vn)

- Nắng nóng kéo dài và nền nhiệt độ tăng cao, thời tiết oi bức cùng với mức nhiệt thường xuyên duy trì 37, 38 độ, có thời điểm trên 40 độ gây nên cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Nền nhiệt tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là vi rút)… tấn công cơ thể gây các bệnh về da, đường hô hấp, tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, bệnh đường tiêu hóa,… trong đó đặc biệt người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC tỉnh), trong thời gian vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện các trường hợp mắc một số loại bệnh nhiệt đới như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi sởi - rubella,… trong đó phần lớn là số lượng các ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Để không bùng phát các loại dịch, bệnh truyền nhiễm CDC tỉnh đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát dịch bệnh ở bệnh viện và trong cộng đồng để nếu xuất hiện dịch bệnh sẽ kịp thời khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch lớn.
Bác sĩ CKI Chu Thị Thu Nam - Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Vào những ngày nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, người lớn có thể mắc một số bệnh về da, ung thư da nếu phơi nắng quá lâu và không có thiết bị bảo vệ. Bên cạnh đó, say nắng, sốc nhiệt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, nguy hiểm nhất phải kể đến các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ, người bệnh có tiền sử huyết áp cao có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột...”.

Nhiều đội thợ xây thường bắt đầu công việc vào sáng sớm để tránh nắng.

Nhiều đội thợ xây thường bắt đầu công việc vào sáng sớm để tránh nắng.

Nắng nóng ảnh hưởng đặc biệt với những lao động phải làm việc ngoài trời, nếu không tự bản thân trang bị quần áo bảo hộ, bảo vệ sức khỏe có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, say nắng hay thậm chí là đột quỵ. Đang quản lý đội thợ xây dựng các công trình dân dụng, anh Nguyễn Quang Dũng, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Để đảm bảo công việc trong ngày hè nắng nóng, đội thợ của anh sẽ thay đổi thời gian làm việc bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc khi nắng bắt đầu gay gắt, đồng thời trang bị cho anh em thợ quần áo bảo hộ, chủ động bổ sung nước uống để đảm bảo sức khỏe, tránh tình trạng sốc nhiệt, say nắng”. Cũng phải thường xuyên làm việc dưới cái nắng gay gắt, anh Cao Xuân Ngọc - xã Cao Xá, huyện Lâm Thao đang làm nghề tiếp thị sản phẩm lại phải thường xuyên di chuyển trên đường, có những thời điểm nhiệt độ ngoài đường lên đến hơn 40 độ, bản thân anh cũng tự trang bị quần áo dài tay, mũ, kính để chống nắng, chống các tia bức xạ có hại cho da cơ thể.Từ đầu mùa Hè đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phần lớn bệnh nhân đến khám, chữa trị và nhập viện trong mấy ngày qua là người cao tuổi mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, tai biến mạch máu não, đột quỵ... Nguyên nhân do khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết ở người cao tuổi kém, nhất là khi nắng nóng gay gắt, kéo dài, cùng với các bệnh lý tim mạch mãn tính dễ biến chứng nặng khi gặp thời tiết này. Còn tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, số lượng bệnh nhi đến khám vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai, sốt virus, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa... thời điểm mùa Hè thường tăng cao, trung bình khoảng 50-60 bệnh nhi/ngày. Những bệnh của trẻ em thường xuất phát do nền nhiệt tăng kéo dài, một số phụ huynh thường xuyên cho con em mình ngồi phòng điều hòa, đi tắm, bơi quá lâu dẫn đến viêm tai giữa, ăn đồ ăn không được bảo quản tốt,...Để giảm thiểu tình trạng xuất hiện các ca bệnh mùa Hè, BSCKI Bùi Thị Đến - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh khuyến cáo người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Vệ sinh cá nhân bằng các loại dung dịch sát khuẩn, xà phòng, sữa tắm ở các thời điểm: Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các chất bẩn, sau khi đi bơi,… Đặc biệt là cần đi khám bệnh kịp thời khi có các triệu trứng bất thường, không tự ý dùng các thuốc kháng sinh.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202107/bao-ve-suc-khoe-trong-ngay-he-178359