Bảo vệ trẻ trước bạo lực học đường giống như đạp xe lên dốc

Bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng về số vụ lẫn hành vi.. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.

Bạo lực học đường (BLHĐ) ngày càng có chiều hướng gia tăng về số vụ lẫn hành vi.. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Khoảng 14-18% học sinh từng có ý định tự tử, 10-16% học sinh thường cảm thấy cô đơn. Đây là tiếng chuông báo động đã đến lúc các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải vào cuộc.

PGS.TS Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, chúng ta còn thiếu quy trình thống nhất để xử lý khi một mối nguy về BLHĐ được phát hiện hay được báo cáo. Cũng có những nơi áp dụng biện pháp trừng phát khắc nghiệt thì cách thức này không phù hợp với khoa học, nó không làm giảm BLHĐ mà có khi còn trầm trọng hơn, làm tăng các hình vi khác. Thời gian qua, bao quanh cuộc sống của những đứa trẻ có quá nhiều chất liệu bạo lực, đặc biệt trên mạng xã hội. Các hình thức bạo lực đa dạng hơn, không chỉ trực tiếp mà còn trực tuyến, và nó đã bào mòn sức khỏe tình thần của thanh thiếu niên. PGS.TS Trần Thành Nam nhận định bảo vệ trẻ trước BLHĐ giống như đạp xe lên dốc.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội -Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam

Khẳng định bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của tất cả các bên, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, gia đình cần phải tập huấn kỹ năng dạy con cái, cha mẹ phải là tấm gương cho con về những hành vi ứng xử thân thiện và kiểm soát cảm xúc. Nhà trường cần có bộ quy tắc ứng xử, nâng cao các yếu tố bảo đảm an toàn của trường học, huấn luyện trẻ em kỹ năng giải quyết xích mích, xung đột an toàn, các chương trình phòng chống bạo lực phải được đưa vào trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Cộng đồng và xã hội cùng nhau có trách nhiệm giám sát học sinh sau giờ học, trên tuyến phố từ nhà đến trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát, giảm bạo lực trên truyền thông, trên mạng xã hội. Chỉ khi nào tất cả chúng ta dành thời gian, yêu thương, chăm sóc, quan tâm thực sự đến trẻ em, vì sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em thì khi ấy, BLHĐ mới có thể được đẩy lùi.

Hoàng Thu Trang - Phạm Hồng Vân

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bao-ve-tre-truoc-bao-luc-hoc-duong-giong-nhu-dap-xe-len-doc-102230513163026311.htm