Bấp bênh vụ cá thu

Thời gian này, ngư dân Cà Mau liên tiếp trúng mùa hải sản, trong đó nhiều nhất là cá thu. Trung bình mỗi phương tiện cập bến có từ hơn tấn cá thu các loại. Nhưng giá cả hiện ở mức rất thấp, khiến ngư dân không vui.

Giá cá thu liên tục giảm sâu, khiến ngư dân bất an.

Điệp khúc buồn

Ghi nhận thực tế tại cửa biển Rạch Gốc (cửa biển sầm uất nhất của huyện Ngọc Hiển), gần nửa tháng qua, ngư dân rất phấn khởi vì trúng mùa cá. Ông Châu Văn Huỳnh 44 tuổi, ngụ xã Tân Ân, hồ hởi chia sẻ: Tháng 5 tôi ra biển 2 lần và lần nào cũng trúng đậm. Sau khi trừ chi phí và chia cho bạn thuyền thì gia đình tôi còn lãi khoảng 130 triệu đồng.

Được biết, trong tháng 5, nhiều tàu cá của ngư dân tại cửa biển Rạch Gốc liên tiếp trúng mùa. Giá cá thu dao động từ 125 - 130 ngàn đồng/1 kg.

Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Nhờ trúng mùa cá, lại được giá nên sau chuyến biển, bà con nơi đây ai ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Tuy nhiên, niềm vui của ngư dân ở vùng này chẳng kéo dài được lâu.

Sáng 27/6, chúng tôi có mặt tại vựa cá Hiếu Nghĩa. Các tàu về thì đầy cá, nhưng ngư dân thì ưu tư.

Khoảng hơn 1 tuần qua, giá cá thu tụt dốc. Ngư dân so sánh giá cá thu cụ thể ở 2 con nước, con nước trước, giá cá thu trung bình ở mức 125 – 130 ngàn đồng/kg thì con nước này chỉ còn 100 – 105 ngàn đồng/kg.

Với giá như hiện nay mỗi tấn cá thu bán ra thời điểm này, ngư dân mất hơn 20 triệu đồng. Ông Võ Văn Dúng 43 tuổi, thị trấn Rạch Gốc, buồn rầu: Đợt này tàu trúng mánh, nhưng không lãi nhiều. Con nước trước trúng mùa, nước này vô bán cá giá thấp, uổng quá. Đợt này ghe tôi vô khoảng 1,5 tấn cá thu, vì giá thấp nên mất hơn 30 triệu đồng so với con nước trước.

Cùng tâm trạng với ông Dúng, anh Nguyễn Tú Em, 36 tuổi, xã Tân Ân, chia sẻ: “Trước giờ ngư dân chúng tôi chưa bao giờ bán cá mà giá ổn định quá 2 con nước. Điệp khúc “được mùa, mất giá” luôn là nỗi ám ảnh của ngư dân vùng này từ trước đến nay.

Cần đầu ra ổn định

Theo ông Trần Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân cho biết: Cá thu là mặt hàng chủ lực của địa phương. Việc giá cá giảm mạnh là điều mà địa phương và ngư dân đều không ai mong muốn. Nếu được mùa mà trúng giá thì còn gì bằng, ngược lại đó là nỗi lo của cả ngành chức năng và ngư dân.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức các cuộc đối thoại với ngư dân và DN. Từ đó, sẽ tìm ra hướng đi mới, nhằm tạo dựng chuỗi liên kết với DN một cách bài bản, hiệu quả để đầu ra sản phẩm của ngư dân được ổn định, giúp ngư dân an tâm bám biển”- ông Đồng nói.

Được biết, huyện Ngọc Hiển có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, giao thông cũng thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa cả đường thủy lẫn đường bộ.

Đây được xem là điều kiện tiên quyết để địa phương mời gọi các nhà đầu tư, xây dựng các nhà máy, khu chế xuất, sản xuất các mặt hàng về thủy hải sản luôn được xem là thế mạnh của địa phương.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết: Cá thu là loại cá có giá trị kinh tế cao, hiện có rất nhiều ở vùng biển Rạch Gốc, nên được nhiều ngư dân nơi đây đánh bắt.

Ngọc Hiển là địa phương có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển. Nếu được đầu tư đúng với tiềm năng và lợi thế sẳn có thì trong tương lai, huyện Ngọc Hiển sẽ có bước đột phá về kinh tế…

Khái Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/bap-benh-vu-ca-thu-tintuc408449