Bartender thành danh đòi hỏi sáng tạo không ngừng

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bartender (nghề pha chế) trở nên thu hút đặc biệt đối với giới trẻ. Số lượng nhà hàng, khách sạn, quán bar mọc lên như nấm, đặc biệt là nhiều hệ thống nhà hàng - bar. Nhiều bạn đầu tư đi học từ sớm để theo đuổi niềm đam mê với bartender.

Nghề bartender chỉ những người pha chế các loại thức uống (chủ yếu là cocktail) tại quầy bar. Đồ dùng và dụng cụ của họ gồm rượu, hoa, quả, chai, ly, bình lắc (shaker)… Nhiều bạn trẻ bây giờ đã chọn nghề bartender để lập nghiệp (nghề này nam nhiều hơn nữ). Muốn làm nghề bartender thành thạo phải mất 2 năm, từ 5 năm trở lên sẽ điêu luyện (với điều kiện phải luyện tập và hành nghề thường xuyên).

Bartender phải thuộc nằm lòng tên gọi, cách phân biệt các loại rượu (thời gian ủ, sự tương tác giữa các loại rượu khi pha chế với nhau…), công dụng từng loại nguyên liệu kết hợp để pha chế, các kiểu ly thích hợp cho từng thức uống khác nhau, cũng như công thức pha chế từ đơn giản đến phức tạp các loại cocktail, mocktail…

Học ở trường lớp thì theo công thức chung, tuy nhiên, bartender có tay nghề sẽ sáng tạo theo cách riêng của mình. Có người thành danh và nổi tiếng chỉ với vài món cocktail hay mocktail “trứ danh” nào đó. Chẳng hạn, cùng một công thức, tuy nhiên bartender chỉ cần thêm bớt một số thành phần là sẽ cho ra ly cocktail tuyệt ngon làm đắm say nhiều ẩm khách khó tính. Hay cách trang trí ly cocktail theo ý tưởng riêng cũng là hình thức lôi cuốn khách.

Nghề bartender luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng để mang đến sự mới mẻ cho khách. Vì có những khách quen, nếu không sáng tạo để tạo ra những hương vị và cảm xúc mới thì sẽ dễ khiến khách nhàm chán. Bartender tài năng là người chinh phục khách bằng sự hấp dẫn của những nguyên liệu pha chế và cung bậc của hương vị.

Những người mới vào nghề thường dùng kết hợp mắt (thị giác), mũi (khứu giác), lưỡi (vị giác) để pha chế, nhưng bartender lâu năm, chỉ cần dùng mũi ngửi đã biết được cả hương lẫn vị của một loại thức uống. Còn con mắt để cảm thụ cái đẹp, tức trang trí ly cocktail sao cho bắt mắt, để chỉ cần khách mới nhìn vào là đã muốn thưởng thức ngay.

Có những bartender không dùng các phụ kiện (hoa, lá, trái cây…) để trang trí mà dùng chính thức uống để “vẽ” nên những sắc màu đẹp. Chẳng hạn, trong một ly cocktail có nhiều màu sắc sống động có từng tầng khác nhau. Phương pháp pha chế này trong chuyên ngành gọi là layering (rót rượu tầng), nghĩa là đổ rượu thành từng lớp chồng lên nhưng các loại rượu không lẫn vào nhau. Điều này đòi hỏi bartender khi rót phải đúng công thức, tức rượu nào rót trước, rượu nào sau. Rượu rót vào sau bao giờ cũng phải có trọng lượng nhẹ hơn loại rượu rót trước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/bartender-thanh-danh-doi-hoi-sang-tao-khong-ngung-3926170-b.html