Bắt ăn trộm sao cho đúng luật: Ai cũng nên biết

Từng có những trường hợp bắt trộm xong rồi đốt xe, đánh đập kẻ trộm khiến bản thân phải đi tù.

Ngày 10-4, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Một mình đối mặt 4 tên trộm trong mưa lớn” phản ánh việc anh Đinh Xuân Bình (38 tuổi, tạm trú Hóc Môn, TP.HCM) đã được UBND xã Trung Chánh khen thưởng vì có thành tích bắt quả tang bốn tên trộm. Hành động này đã nhận được sự thán phục và ủng hộ của đông đảo dư luận.

Trong quá trình bắt tội phạm quả tang, anh Bình bị thương ở chân. Nhiều bạn đọc cảm phục anh Bình, đồng thời thắc mắc rằng khi bắt tội phạm quả tang thì phải làm sao bảo đảm an toàn tính mạng? Bắt trộm sao cho đúng luật?…

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trên tuyến và địa bàn (Đội 5), Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, về vấn đề bắt quả tang đối tượng trộm cắp tài sản ở nơi công cộng.

Kiểm tra tang vật cần có người làm chứng

. Phóng viên: Thưa Trung tá, trong trường hợp nào thì người dân được quyền bắt người phạm tội quả tang?

+ Trung tá Lê Kim Đồng: Khi phát hiện đối tượng phạm tội quả tang thì bất cứ ai cũng có quyền bắt, thu giữ tài sản đối tượng trộm cắp và báo ngay cho cơ quan công an (công an xã, phường, thị trấn hoặc công an quận, huyện, thị xã) nơi gần nhất hoặc có thể gọi cho lực lượng 113, đường dây nóng của cơ quan công an để xử lý đối tượng trước pháp luật.

Anh Đinh Xuân Bình nhận giấy khen của Công an xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Anh Đinh Xuân Bình nhận giấy khen của Công an xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Không nên tự dẫn giải đối tượng

. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người dân cần chú ý những gì để đảm bảo an toàn và xử lý nghiêm đối tượng trước pháp luật?

+ Nhiều đối tượng phạm tội quả tang (trộm cắp tài sản) đều là đối tượng hoạt động chuyên nghiệp hoặc nghiện hút, khi đi trộm cắp tài sản thường mang hung khí trong người để chống trả lại khi bị phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, quần chúng nhân dân khi tổ chức vây bắt cần thận trọng, không nên bắt trộm một mình mà cần thông báo mọi người xung quanh hỗ trợ bắt giữ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Khi bắt giữ kẻ trộm thì lập tức khống chế, khóa tay ra phía sau, không để họ có khả năng chống cự, đồng thời kiểm tra người để phát hiện những hung khí mà họ mang theo và thu giữ tài sản đã trộm cắp được để có bằng chứng phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an.

Trường hợp các đối tượng hoạt động theo băng̉ nhóm, khi không có sự hỗ trợ của người dân xung quanh hoặc lực lượng chức năng thì người dân nên bí mật bám sát (tập trung vào đối tượng cầm theo, cất giấu tài sản là tang vật trộm cắp), quay phim, chụp ảnh để xác định nơi ở hoặc nơi tiêu thụ tài sản, đồng thời thông báo cho cơ quan công an hỗ trợ bắt giữ.

Khi người dân bắt giữ người trộm quả tang thì không nên tự ý dẫn giải họ về cơ quan công an vì trong quá trình này có thể có nhiều yếu tố phát sinh như đồng bọn tới giải cứu, đối tượng chạy trốn hoặc chống trả,…

. Trong một số trường hợp, do bức xúc, nhiều người đã hành hung, đập phá tài sản của kẻ trộm cắp dẫn tới vi phạm pháp luật. Trung tá có khuyến cáo gì về vấn đề này?

+ Việc người dân bức xúc khi bắt được trộm là điều hoàn toàn có thể hiểu. Tuy nhiên, mọi người cần hành xử theo đúng quy định pháp luật.

Có nhiều người khi bắt được trộm hoặc nghi hoạt động trộm cắp (đối tượng chưa lấy được tài sản) đã có nhiều việc làm thái quá như đốt, hủy hoại xe máy của đối tượng (như vậy là có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản khi giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên); đánh trọng thương người phạm tội trộm cắp (có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích); hoặc cố tình đánh chết đối tượng (có dấu hiệu phạm tội giết người).

Như vậy, khi phát hiện hoặc bắt giữ được đối tượng phạm tội quả tang, người dân cần thông báo ngay cho lực lượng công an tới hỗ trợ xử lý, tránh các hành vi vi phạm pháp luật như đã nêu.

. Xin cám ơn ông.

Đi tù vì bắt trộm rồi tự xử

Ngày 21-1-2016, anh Nguyễn Văn Trình (ngụ xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre) cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình “neo” người này tại nhà mình.

Quá trình bắt trộm, anh Trình có trói và đánh tên trộm vài cái, dùng dây vắt qua cây kéo tên trộm lên xuống vài cái để tra hỏi tên gì, con ai, ở đâu. Đến khi tên trộm khai rõ con ai thì anh Trình ngưng, không đánh nữa. Đến 4 giờ 40 sáng trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết.

Sau đó, anh Trình bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật, bị tuyên phạt sáu tháng cải tạo không giam giữ.

• Ngày 28-8-2012, tại làng Nhĩ Trung (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị), một nhóm người tổ chức vây bắt hai đối tượng trộm chó. Sau khi phát hiện và ùa ra truy đuổi, người dân trong làng đã bắt được hai đối tượng này. Quá trình vây bắt, người dân bức xúc vì thường xuyên mất trộm chó nên đã lao vào đánh đập khiến cả hai tử vong.

10 bị cáo là nguời dân làng Nhĩ Trung bị kết tội cố ý gây thương tích vì đánh chết hai người nghi trộm chó. Trong đó, sáu bị cáo bị tuyên án phạt hai năm tù giam, bốn người còn lại được hưởng án treo.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/bat-trom-sao-cho-dung-luat-694901.html