Bắt bệnh của thuốc

Ngày 23-6, hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức với hơn 1.000 lãnh đạo UBND, Sở Y tế, các bộ, ban, ngành liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia.

(HNM) - Bộ Y tế cho biết, trong năm qua, ngành dược Việt Nam đã thu được kết quả tốt trên hầu hết các mặt hoạt động. Thuốc sản xuất trong nước đạt 715,435 triệu USD, chiếm 50,2% giá trị tiền thuốc sử dụng, góp phần tăng tiền thuốc bình quân đầu người lên 16,45 USD/năm và đang hướng tới sản xuất các nhóm thuốc có tỷ lệ sử dụng lớn, thuốc chuyên khoa... Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy vẫn còn rất nhiều việc phải bàn quanh những viên thuốc. Gian nan lộ trình đến GPP Giá thuốc vẫn không ngừng tăng, trong khi nhiều nhà thuốc bảo quản không theo quy định, khiến chất lượng thuốc bị ảnh hưởng; việc bán thuốc chưa đúng quy chế, hướng dẫn dùng thuốc chưa thật chu đáo... khiến người bệnh chịu thiệt thòi. Trước thực tế này, ngày 5-1-2008, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị 01/2008/CT-BYT về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc - GPP". Theo đó, lộ trình đến hết năm 2010, tất cả nhà thuốc trên toàn quốc đều phải đạt tiêu chuẩn GPP. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tính đến nay mới có 444/9.066 nhà thuốc đạt GPP (gần 5%), trong đó nhà thuốc bệnh viện là 140/437 (32%); 15 doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc GPP. Riêng Hà Nội, một trong những địa phương có nhiều nhà thuốc bán lẻ nhất cả nước với 1.500 nhà thuốc nhưng chỉ có 249 nhà thuốc được công nhận GPP, chiếm gần 20%. Như vậy, tỷ lệ nhà thuốc đạt GPP so với yêu cầu còn rất thấp. Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên thế giới, việc xây dựng hệ thống nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP đã được triển khai từ lâu. Nhà thuốc muốn đạt GPP thì từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác quản lý, trình độ đội ngũ nhân viên của nhà thuốc đó phải đạt chuẩn. Các nhà thuốc khi đạt GPP sẽ tạo điều kiện cho công tác cung ứng thuốc có chất lượng tốt đến được tay người dân, người dân sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và việc quản lý của Nhà nước đối với hệ thống cung ứng thuốc này cũng sẽ thuận lợi, nền nếp hơn. Lợi ích mà nhà thuốc GPP mang lại đã rõ ràng, tuy nhiên để xây dựng được 100% nhà thuốc đạt GPP cũng không đơn giản. Ngay những nhà thuốc đã đạt GPP, sau một thời gian hoạt động, Thanh tra Sở Y tế phúc tra lại vẫn có nhà thuốc không đạt các tiêu chí như thẩm định ban đầu. Qua thực tế triển khai, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã nêu ra những khó khăn, tồn tại: Các bệnh viện công lập, do tình trạng quá tải chung nên đa số nhà thuốc có diện tích chật hẹp, không thể đạt được yêu cầu. Nhân lực cho nhà thuốc còn rất thiếu, vì thế đề nghị Bộ Y tế sớm bãi bỏ tiêu chuẩn người giới thiệu thuốc phải là dược sĩ đại học hay bác sỹ để định hướng dược sĩ đại học làm việc tại nhà thuốc. Thói quen cố hữu tự điều trị bệnh, không qua khám bác sỹ nên không có đơn thuốc khi đi mua thuốc của người dân cũng là một khó khăn. Bộ Y tế cần ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà thuốc đạt GPP. Bởi các nhà thuốc không GPP với cơ chế thuế khoán và thường xuyên bán thuốc không hóa đơn chứng từ thường thu lợi nhuận rất lớn, đó là chưa kể một số trường hợp cấu kết với bác sỹ trong bệnh viện để kê đơn thuốc, nâng giá bán trục lợi... Quảng cáo báo hại dân Thống kê của Cục Quản lý dược Việt Nam, năm 2008 số lượng hồ sơ đăng ký thông tin, quảng cáo thuốc tăng 123% so với năm trước, trong đó thông tin quảng cáo thuốc nước ngoài tăng 136%. Cùng với lượng hồ sơ đăng ký thông tin, quảng cáo thuốc tăng, tỷ lệ đơn vị vi phạm quy chế này cũng tăng theo. Nếu như năm 2005, chỉ có 4 công ty kinh doanh dược phẩm trong nước và 12 công ty nước ngoài vi phạm quy chế, thì đến năm 2008, con số tương đương là 22 và 14. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, các vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thuốc là quảng cáo khi chưa có hồ sơ đăng ký quảng cáo; quảng cáo không đúng với hồ sơ, sử dụng lợi ích vật chất thúc đẩy sử dụng thuốc. Hình thức vi phạm: quảng cáo trên phương tiện đài truyền hình địa phương không đăng ký; quảng cáo thuốc dưới hình thức đố vui, giải trí, thư cảm ơn, bài viết PR trên tạp chí, đài truyền hình; quảng cáo bằng các tờ rơi cho bác sỹ tại các bệnh viện. Đáng lưu ý, có khá nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng được quảng cáo liên tục trên đài truyền hình với tác dụng giống như một loại thuốc, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng đôi khi phải mua ở mức giá "cắt cổ", trong khi hiệu quả bổ dưỡng cho sức khỏe không là bao. Hay như mặt hàng mỹ phẩm, vốn được giới nữ sử dụng với số lượng lớn, hoạt động thông tin, quảng cáo cũng "vô tội vạ", khiến không ít người sau khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng bị dị ứng, thậm chí biến dạng mặt, ảnh hưởng xấu cho gan, não, hệ thần kinh... Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện chỉ có 20 cơ sở (chiếm 8,2%) trên tổng số 244 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có trụ sở đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện đăng ký quảng cáo đúng quy định. Nhiều công ty đưa ra sản phẩm nhưng không có tài liệu chứng minh tính năng, công dụng... Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy, chế tài xử phạt đối với những vi phạm quảng cáo, thông tin thuốc. Khi để xảy ra sai phạm, cơ quan chức năng không chỉ xử lý nghiêm về mặt kinh tế, trách nhiệm của người đứng đầu mà phải xử lý cả mặt tinh thần (có thể đưa liên tục tên, chức danh, địa chỉ người sai phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng). Vân Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/46/211339/