'Bắt bệnh, kê đơn' cho cây lúa

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào đợt cao điểm xuống giống lúa vụ Đông Xuân. Không chỉ 'trông trời, trông đất, trông mây' vì thời tiết thất thường, bà con nông dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước còn canh cánh nỗi lo dịch hại, nhất là ở giai đoạn đầu sinh trưởng của cây lúa.

"Bắt bệnh" trên cây lúa

Trên thực tế, một số dịch hại ở giai đoạn đầu sinh trưởng của cây lúa lại gây hại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất cả vụ, trong khi vì nhiều lý do, bà con có phần chủ quan hoặc lơ là việc phòng dịch cho lúa ngay từ sớm. Có thể "chỉ mặt" các dịch hại hay xuất hiện ở thời điểm này, đó là bọ trĩ, muỗi hành, rầy nâu.

Tham quan mẫu vật tại Hội thảo chuyên đề về xử lý hạt giống tại Viện Lúa ĐBSCL

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng bọ trĩ với số lượng chỉ 1-2 con/cây có thể tạo ra triệu chứng xoăn lá, khi mật độ cao có thể gây hại 100% trong vòng 20 ngày sau khi sạ. Bọ trĩ có thể lây lan, bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Do đó, việc phòng trừ bọ trĩ ở giai đoạn cây con - đẻ nhánh là rất quan trọng.

Cùng với bọ trĩ, muỗi hành (sâu năn) cũng xuất hiện rất sớm và thậm chí thất thoát do muỗi hành gây ra có thể lên đến 50% năng suất. Thời tiết ẩm của mùa Xuân chính là điều kiện lý tưởng để muỗi hành sinh sản. Muỗi hành thường tấn công cây lúa giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh.

Với rầy nâu, ở giai đoạn đầu, ngoài việc chích hút nhựa từ thân cây lúa gây ra những vết thương cơ học, rầy nâu còn có thể gây hại nghiêm trọng đến năng suất lúa do là tác nhân trung gian truyền bệnh vi-rút nguy hiểm vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL). Ở thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông nếu bị rầy gây hại với mật độ cao, cây sẽ khô héo, hạt và bông lép đen một phần hoặc cả bông. Khi lúa bị gây hại cũng đồng thời tạo điều kiện cho nấm, bệnh xâm nhập làm cây thối nhũn, đổ rạp có thể lan rộng ra cả ruộng, cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời.

Chỉ cần "điểm danh" một số loại dịch hại chủ yếu trên cây lúa giai đoạn đầu sinh trưởng như vậy đã đủ hiểu những nỗi lo của bà con nông dân. Để giảm nguy cơ dịch hại cho cây lúa ngay từ trứng nước, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo bà con nên sử dụng biện pháp xử lý hạt giống, kết hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh đồng ruộng, đặc biệt không bón thừa đạm, áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến để tăng khả năng chống chịu của cây lúa…

Giải pháp xử lý hạt giống - bảo vệ cây lúa giai đoạn đầu

Theo kết quả điều tra gần đây của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang, việc nông dân sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh (trước 35 ngày sau khi sạ) rất phổ biến, đặc biệt là các loại thuốc phổ rộng (Abamectin, Emamectin, Cypermethrin, Chlorpyrifos…). Trong khi đó, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng trong giai đoạn này có thể làm ảnh hưởng tới nguồn thiên địch trên đồng ruộng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy việc sử dụng thuốc xử lý hạt giống có hiệu quả khác biệt trong việc quản lý sâu hại ở giai đoạn đầu sinh trưởng của cây lúa (giai đoạn mạ đến đẻ nhánh tối đa).

Đề cao vai trò của việc xử lý hạt giống nhằm bảo vệ cây lúa ngay từ giai đoạn đầu khỏi dịch hại tấn công, tạo tiền đề thiết lập năng suất hoàn hảo, vừa qua, Viện Lúa ĐBSCL đã tổ chức hội thảo chuyên đề về xử lý hạt giống lúa. Hội thảo là cơ sở khoa học để các nhà chuyên môn đánh giá về giải pháp xử lý hạt giống giúp cây lúa khỏe, chống chịu được một số côn trùng gây hại giai đoạn đầu mà không ảnh hưởng đến sinh thái đồng ruộng.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Quỳnh, Viện Lúa ĐBSCL đã trình bày báo cáo ảnh hưởng của thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312.5 FS đến một số loài thiên địch, thí nghiệm được thực hiện trên giống lúa OM4900, với các loài thiên địch phổ biến là bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis); nhện sói (Pardosa pseudoannulata); bọ rùa (Micraspis sp). Thức ăn cho thiên địch là rầy nâu (Nilaparvata lugens).

Kết quả nghiên cứu khẳng định xử lý hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5 FS không làm ảnh hưởng đến khả năng sống sót và ăn mồi của các loài thiên địch nhện sói, bọ xít mù xanh và bọ rùa. Thêm vào đó, xử lý hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5 FS có thể tạo ra sinh khối của cây lúa cao hơn không xử lý.

Hạt giống được xử lý với Cruiser Plus 312.5 FS (bên trái) dễ nảy mầm, cây mạ khỏe, nảy bụi nhanh

Cũng tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Bộ môn Côn trùng, Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) đã trình bày Báo cáo kết quả đánh giá Cruiser Plus 312.5 FS lên thiên địch trên ruộng lúa vụ đông xuân 2017-2018 tại 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, Long An. Khảo nghiệm được tiến hành với các loại bắt mồi ăn thịt: bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis), nhện sói (Pardosa pseudoannulata), kiến 3 khoang (Paederus fuscipes), sâu năn hại lúa (Orseolia oryzae) và các loài ong ký sinh sâu năn (Platygaster oryzae; Neanastatus cinctiventris). Theo đó, mật độ nhện sói, bọ xít mù xanh và kiến ba khoang ở công thức xử lý thuốc Cruiser Plus 312.5 FS ở 100 ml/100 kg giống, 200 ml /100 kg giống và không xử lý thuốc là không có sự sai khác ở cả 2 điểm thực hiện thí nghiệm.

Trong khi đó, với mật độ muỗi hành (sâu năn) trong điều kiện thí nghiệm, quan sát thấy tỷ lệ hại và mật độ sâu năn có chiều hướng giảm ở các công thức có xử lý thuốc Cruiser Plus 312.5 FS với nồng độ 100 ml/100 kg giống và 200 ml/100 kg giống.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giá trị của chỉ số đa dạng giữa các công thức xử lý Cruiser Plus 312.5 FS và không xử lý cho thấy thành phần và số lượng loài thiên địch ở các công thức tương đương nhau, sự đa dạng về thành phần các loài giữa các công thức giống nhau.

Trên thực tế, ngay từ năm 2006-2008, Viện BVTV đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312.5 FS của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam trong việc phòng trừ rầy nâu. Tháng 3/2009, “Quy trình phòng chống bệnh vi rút VL-LXL do rầy nâu là môi giới truyền bệnh tại các tỉnh phía Nam” đã được Cục BVTV công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT).

Phát huy các kết quả nghiên cứu và trên kinh nghiệm kiểm soát bệnh VL-LXL tại phía Nam, năm 2010, Viện BVTV tiến hành khảo nghiệm đánh giá hiệu lực của thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312.5 FS đối với rầy lưng trắng. Kết quả khảo nghiệm cho thấy hiệu lực trừ rầy lưng trắng của tất cả các liều lượng xử lý bằng Cruiser Plus 312.5 FS đều đạt trên 80% sau khi thả rầy 1 ngày và đạt 100% ở tất cả các liều lượng xử lý chỉ 3 ngày sau khi thả rầy.

Cũng chính nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT và việc triển khai áp dụng các kết quả khảo nghiệm vào thực tế phòng chống dịch hại mà dịch bệnh VL-LXL trên lúa ở các tỉnh phía Nam và dịch lùn sọc đen trên lúa ở phía Bắc trong mấy năm vừa qua đã được đẩy lùi.

Kết quả đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Lúa ĐBSCL và Viện BVTV cho thấy bên cạnh tính ưu việt, vượt trội về phòng trừ dịch hại ở giai đoạn đầu của cây lúa, Cruiser Plus 312.5 FS còn có khả năng kích thích sự sinh trưởng và phát triển của mạ sau khi gieo và kích thích sự bén rễ hồi xanh ở giai đoạn sau cấy, giúp cây mạ khỏe hơn từ đó tăng khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết bất lợi cũng như ảnh hưởng của sâu bệnh hại khác.

Chắn hẳn rằng xử lý hạt giống trừ sâu bệnh bằng Cruiser Plus 312.5 FS sẽ là giải pháp tốt giúp hàng triệu bà con nông dân trồng lúa an tâm quản lý dịch hại ngay từ đầu vụ, tạo khởi đầu cho vụ mùa bội thu.

Lê Thu Hà

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bat-benh-ke-don-cho-cay-lua-post235073.html