Bất cập áp dụng chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất - Bài 2 Người dân thắng kiện, ngành chức năng vẫn lúng túng

Không chỉ người dân thắng kiện, Viện kiểm sát cũng kiến nghị khắc phục vi phạm nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc hỗ trợ khi thu hồi đất.

Nhiều người dân thắng kiện

Những bất cập trong công tác hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết không chỉ diễn ra tại dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An mà còn hiện hữu ở hầu hết các dự án có sử dụng đất đã được UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi của Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột (viết tắt là Công ty cà phê Buôn Ma Thuột).

Theo Báo cáo số 269/BC-STNMT ngày 8/7/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường, có 791 hộ giao khoán, liên kết đất đai trên diện tích đất thu hồi hơn 500ha đất tại các phường Tân Thành, Thành Nhất, Tân Lợi, Tân An, Tân Lập, Tân Hòa và xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột (trong đó nhiều hộ sử dụng đất qua các thời kỳ thành lập nông trường Cà phê Buôn Ma Thuột).

Đa số các hộ gia đình, cá nhân đều trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, trường hợp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất nêu trên thì đa số các hộ dân nhận khoán, liên kết hiện đang sử dụng sẽ không còn đất để sản xuất, phải chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Những bất cập trong công tác hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết diễn ra ở hầu hết các dự án có sử dụng đất được thu hồi của Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột.

Những bất cập trong công tác hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết diễn ra ở hầu hết các dự án có sử dụng đất được thu hồi của Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, để khai thác, sử dụng quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chủ trương đầu tư được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, UBND Tp.Buôn Ma Thuột và Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk đang triển khai công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng 20 công trình, dự án thuộc diện tích đất nêu trên.

Trong đó, có 6 công trình đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án đã triển khai không thực hiện hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ sử dụng đất do liên kết, giao khoán với công ty.

Trước tình hình này, nhiều người dân đã có đơn khởi kiện UBND Tp.Buôn Ma Thuột ra tòa. Sau đó, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử đối với các vụ kiện nói trên và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện.

Đồng thời, buộc UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND Tp.Buôn Ma Thuột phải bổ sung phần hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người khởi kiện. Đến nay, có ít nhất 8 bản án các hộ dân thắng kiện.

Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án nói trên, cuối năm 2021, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, VKSND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy trong quá trình xây dựng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND Tp.Buôn Ma Thuột không đưa vào phương án bồi thường khoản hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cho các hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không thực hiện đúng các quy định của Luật đất đai và văn bản hướng dẫn liên quan.

Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận khoán sử dụng đất dẫn đến khiếu kiện gia tăng.

VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND Tp.Buôn Ma Thuột không đưa vào phương án bồi thường khoản hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân khi nhà nước thu hồi đất là không thực hiện đúng các quy định.

Chính vì vậy, VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, UBND Tp.Buôn Ma Thuột và các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của Luật đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai có liên quan về chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định của pháp luật khi nhà nước thu hồi đất.

Lúng túng tìm giải pháp tháo gỡ

Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo ngày 8/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 1/7/2021, Sở Tài nguyên và Mội trường đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức họp và có báo cáo đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các công trình, dự án thực hiện trên diện tích đất thu hồi của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột.

Tại cuộc họp, các Sở, ngành đều thừa nhận các bản án tòa đã tuyên, buộc phải thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân khi nhà nước thu hồi đất cho người dân là hợp lý.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh giao UBND Tp.Buôn Ma Thuột, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.

“Việc áp dụng hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận khoán trên diện tích đất đã thu hồi của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột thực hiện theo quy định khoản 5, 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ”, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Kiến nghị này sau đó đã được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý và chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tại văn bản số 6395 ngày 15/7/2021.

Được biết, thời gian qua, UBND Tp.Buôn Ma Thuột cũng nhiều lần có văn bản xin chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk để tháo gỡ các vướng mắc, hài hòa lợi ích giữ nhà nước và các hộ dân đảm bảo sự công bằng giữa các dự án, tạo sự đồng thuận của người dân.

Không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết khiến nhiều người dân gặp khó khăn.

Theo đó, tại Báo cáo số số 53 ngày 22/2/2022, UBND Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột thì các hộ dân chưa chấm dứt hợp đồng với công ty.

Do đó, các hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện được áp dụng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ).

Trên cơ sở đó, UBND Tp.Buôn Ma Thuột đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương áp dụng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với các trượng hợp có hợp đồng nhưng đến thời điểm phê duyệt phương, hợp đồng đã hết thời hạn thì được hỗ trợ giống như các trường hợp còn thời hạn hợp đồng.

Đối với các trường hợp không có hợp đồng (các trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước và sau thời điểm UBND tỉnh thu hồi đất theo quyết định số 07 ngày 4/1/2017), không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo điểm a, b khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai thì áp dụng hỗ trợ theo quy định tại điểm 2, khoản 9 Điều 1 Quyết định số 27 ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, đến nay vấn đề nói trên vẫn không được giải quyết. Đáng nói, hiện nay những người dân thắng kiện cũng chưa được áp dụng các chính sách hỗ trợ như bản án của Tòa án đã phán quyết.

Ông Nguyễn Văn Năm, 63 tuổi, trú tại phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột - một trong các hộ dân thắng kiện cho biết, gia đình ông có 6,7 sào đất giao khoán với Công ty cà phê Buôn Ma Thuột bị nhà nước thu hồi đất để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu dân cư phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột.

Sau khi bị thu hồi đất và không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, ông Năm và nhiều người dân đã khởi kiện ra tòa thì kết quả thắng kiện.

Cho đến ngày 15/4/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột đã lập phương án bổ sung hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với 13 hộ dân, cá nhân có đất nhận khoán trên diện dích đất đã thu hồi của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột thuộc công trình Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân phường Tân An.

Theo phương án này, 13 hộ dân sẽ được bổ sung hỗ trợ hơn 11,3 tỷ đồng.

Thế nhưng, ông Năm khẳng định đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ trên. “Vì không còn nguồn sống, lại không có công ăn việc làm nên sau khi bị thu hồi đất tôi phải đi lượm ve chai, phụ hồ, làm thuê để mưu sinh. Tuy nhiên, tuổi cao sức yếu nên tôi không thể duy trì mãi với những công việc nặng nhọc. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong nhận được tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống”, ông Năm nói.

Để làm rõ vấn đề nói trên, ngày 14/7 PV Người Đưa Tin đã đăng ký với Chánh Văn phòng UBND Tp.Buôn Ma Thuột và liên hệ qua điện thoại nhiều lần để được sắp xếp làm việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-cap-ap-dung-chinh-sach-ho-tro-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-bai-2-a563369.html