Bất cập cống thoát nước ở Tâm Thắng

Quá trình nâng cấp đoạn đường Phan Chu Trinh - cầu sắt thôn 13, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã phát sinh bất cập trong việc xây dựng, đặt cống thoát nước, làm thất thoát tài sản người dân trong khu vực mỗi khi mưa lớn.

Tài sản bị nước cuốn trôi

Thời gian qua, các trận mưa to, lượng nước đổ về cửa xả số 2 quá lớn đã làm sạt lở bờ kè, hàng rào của một số hộ gia đình. Nhiều vườn cây, ao nuôi thủy sản của người dân bị ngập nước hoặc bị cuốn trôi, gây thiệt hại đáng kể.

Đoạn đường từ ngã ba Phan Chu Trinh vào tới cầu sắt có tổng chiều dài 2,4km.

Đoạn đường từ ngã ba Phan Chu Trinh vào tới cầu sắt có tổng chiều dài 2,4km.

Cả gia đình Vũ Trường Kỳ, thôn 13, xã Tâm Thắng chỉ trông đợi vào 2 ao cá, với diện tích gần 4 sào. Đến ngày xuất bán thì bất ngờ cả ao cá bị nước cuốn trôi trong trận mưa cuối tháng 5 vừa qua. Hiện nay, phần bờ ao của gia đình anh Kỳ cũng có nguy cơ bị sạt lở hoàn toàn nếu không có biện pháp thoát nước hợp lý.

Anh Kỳ cho biết: “Cơn mưa chiều ngày 28/5, nước từ trên con đường đang thi công đổ ào ào về ao nhà tôi. Nước lên bất ngờ, gia đình không kịp gia cố bờ ao nên cả ao cá giống và cá thịt đều bị cuốn trôi hết. Đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ một sự hỗ trợ nào từ đơn vị thi công, chủ đầu tư”.

Ao cá nhà anh Vũ Trường Kỳ bị thiệt hại nặng do nước đổ về lớn sau trận mưa cuối tháng 5 vừa qua.

Tương tự, trận mưa lớn cuối tháng 5 vừa rồi cũng làm thất thoát rất nhiều cá trong ao của gia đình ông Bùi Xuân Thủy. Đây là ao cá được ông Thủy đầu tư, chăm sóc trong gần 2 năm qua nên thiệt hại sẽ rất khó để thống kê chính xác.

Khi biết có đường thoát nước dẫn qua đất của các hộ dân, chúng tôi đã có đơn tường trình gửi UBND xã Tâm Thắng và UBND huyện Cư Jút. Đến nay, rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng, chịu thiệt hại vì cửa xả nước này nên chúng tôi mong mỏi các cấp chính quyền rút ra bài học kinh nghiệm, có biện pháp xử lý khoa học, sớm ổn định đời sống cho các hộ dân”

Ông Bùi Xuân Thủy, thôn 13, xã Tâm Thắng (Cư Jút)

Chưa giải quyết triệt để

Theo phản ánh của người dân, năm 2022 khi làm cửa xả số 2, chủ đầu tư không họp bàn, lấy ý kiến của những hộ bị ảnh hưởng. Sau khi các hộ dân kiến nghị, chủ đầu tư đưa ra phương án đầu tư hệ thống ống cống ngầm (có chiều dài khoảng 200m) nhưng nhiều hộ không đồng ý.

Theo người dân, khi làm cống thoát nước, chỉ giải quyết tình trạng ngập úng của các hộ dân sinh sống gần đường. Trong khi đó, khu vực không được đầu tư cống ngầm, nhiều diện tích đất sản xuất vẫn phải chịu ảnh hưởng từ cửa xả này.

Trong quá trình thi công, việc bố trí cửa xả nước có bất cập đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân thôn 13.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút cho biết, để đầu tư bài bản hệ thống cửa xả số 2, tránh ngập, giải pháp lâu dài là phải đầu tư 2 km đường cống đấu nối ra sông suối.

Do ngân sách địa phương cũng như gói thầu làm đường hạn hẹp nên trước mắt chỉ có thể đầu tư khoảng 200m từ cửa xả tới cánh ruộng, sau đó sẽ vét các rãnh đất để phân tán các luồng nước chảy về suối.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút

Người dân mong mỏi có biện pháp xử lý phù hợp đối với cửa xả nước số 2 trên tuyến đường.

Liên quan đến những thiệt hại của người dân, ông Nguyễn Hữu Hải cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn bà con chia sẻ với chính quyền địa phương trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất sẽ nghiên cứu, triển khai đường kênh thoát nước để không ảnh hưởng tới hoa màu, tài sản, sinh hoạt của người dân”.

Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/bat-cap-cong-thoat-nuoc-o-tam-thang-152026.html