Bất cập dự án BOT: “Bộ Giao thông chưa thực sự tiếp thu ý kiến chuyên gia, người dân”

"Bộ Giao thông vận tải chưa thực sự tiếp thu ý kiến từ chuyên gia, người dân, không nhận sai mà chỉ giải thích khi có ý kiến đưa lên. Tôi thấy bộ cần phải nghe dân, sát dân, phục vụ nhân dân".

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.

“Bộ Giao thông cần phải nghe dân, sát dân, phục vụ nhân dân hơn”

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Phó chủ nhiệm hội đồng kinh tế mặt trận tổ quốc TP. Hà Nội đã nói như vậy tại tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT , cách nào?” do báo Tiền Phong vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Bộ Giao thông vận tải là ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các chuyên gia kinh tế, đại diện một số doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư BOT.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng: “Bộ Giao thông vận tải chưa thực sự tiếp thu ý kiến từ chuyên gia, người dân, không nhận sai mà chỉ giải thích khi có ý kiến đưa lên. Tôi thấy bộ cần phải nghe dân, sát dân, phục vụ nhân dân hơn”.

Ông Liên nhận xét và đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư giao thông vận tải.

Cụ thể, theo ông Liên cần sửa đổi quy định về vốn chủ sở hữu vì hiện nay số vốn nhà đầu tư tham gia dự án quá thấp (theo quy định hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng 10-15% vốn trên tổng đầu tư thì có thể tham dự án - PV); hay quy định về cơ chế kiểm soát (nhóm hoạt công tác liên ngành) chưa rõ ràng, cần công bố cơ chế hoạt động cho dân biết.

Ông Liên cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải loại bỏ khỏi hợp đồng đầu tư điều khoản bảo mật. Đây là nguyên nhân khiến nội bộ mâu thuẫn, thiếu minh bạch. Ngay trong nội bộ còn chưa rõ ràng thì người dân càng không thể hiểu rõ.

Cùng quan điểm với ông Liên về vấn đề vốn sở hữu khi tham gia dự án quá thấp, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Các doanh nghiệp đầu tư BOT chủ yếu là nhà thầu, với việc vốn bỏ ra ít, rủi ro ít mà nền kinh tế chung lại phải “gánh hậu quả”.

“Thiết nghĩ, đằng nào cũng là vốn vay chúng ta nên đầu tư trái phiếu thay vì phải đầu tư BOT? Tôi nghĩ, chúng ta nên xem xét lại để quyết định từ nay làm BOT thì làm theo cách nào hay hơn?”, ông Cung nêu vấn đề.

Ông Cung cho biết, bản thân ông không phản đối BOT, tuy nhiên hình thức này chỉ nên đóng vai trò bổ sung thêm vốn Nhà nước chứ không đóng vai trò chủ yếu trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo ông Cung, cần có vốn chủ sở cao hơn để giảm rủi ro. Cần thay đổi tư duy làm theo quy trình, thay vào đó là nhìn nhận thực tế nếu không hợp lý thì nên thay đổi.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, Bộ Giao thông vận tải nên đóng vai trò là nhà điều tiết thị trường chứ không đứng về phía nhà đầu tư. Nên là trọng tài để bảo vệ người tiêu dùng. Thực hiện theo hướng “đè” người đầu tư để họ làm tốt nhất, cung ứng dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất cho người tiêu dùng. Cần có sức ép đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng loạt các bất cập khác về vấn đề cải tạo, nâng cấp đường cũ rồi thu phí BOT như đường mới; tổng mức đầu tư quá cao; trạm thu phí dày đặc... cũng được nêu ra tại buổi tọa đàm.

“Chúng ta phải tin tưởng bộ máy Nhà nước”

Trước những ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận: “Đúng là thời gian qua, BOT thu hút được nguồn lực xã hội lớn nhưng mức phí cao đã để lại nhiều tâm tư trong nhân dân”.

Ông Trường cho biết Bộ vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện BOT, mổ xẻ rất nhiều cái được và chưa được của BOT. Ông Trường nhấn mạnh, đặt câu hỏi nếu chúng ta không có các dự án BOT đó, có được những con đường BOT như hôm nay không?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, sau khi đầu tư vào BOT, Bộ Giao thông vận tải đã tính bài toán tổng hợp, chi phí vận tải giảm rất nhiều. Trong thời gian qua chúng ta chấp nhận thực tế, ngoài đầu tư cao tốc BOT, các tuyến quốc lộ nâng cấp không có tiền vẫn phải làm BOT.

Ông Trường dẫn chứng trường hợp QL1 đầu tư cần 120 ngàn tỷ, Quốc hội căn cứ vào tình hình nợ công chỉ phân bổ được 1 nửa kinh phí, do đó 1 nửa còn lại phải đầu tư BOT. Thông tư 159 Bộ Tài chính tính toán rất hợp lý, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân. Giảm mức thu nhóm xe vận tải hành khách xuống từ 10 – 20% trong thời gian tới.

“Chắc chắn từ giờ đến cuối năm, mức giá, minh bạch, thủ tục hoàn vốn của các dự án BOT sẽ có sự thay đổi”, ông Trường nhấn mạnh: “Vừa rồi kiểm toán nhà nước thanh tra Chính phủ đã đưa ra những khuyến cáo. Tuy nhiên, tôi khẳng định: Không có bất cứ lợi ích nhóm, bất cứ lợi ích cá nhân nào trong đầu tư dự án BOT. Chúng ta phải tin tưởng bộ máy Nhà nước”.

Thứ trưởng Trường khẳng định thêm, nếu phát hiện “có lợi ích nhóm”, “sai phạm” thì sẽ xử lý nghiêm. Với các dự án dư luận nhân dân đang có ý kiến, trong đó có dự án nâng cấp đường Pháp Vân- Cầu Giẽ, sau khi được thanh kiểm tra xong, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy thông tin về số thu, lưu lượng xe lên cổng thông tin điện tử Chính phủ để người dân nắm bắt được.

Đề cập đến sự minh bạch, công khai dự án BOT mà các đại biểu có ý kiến, ông Trường cho rằng, các dự án BOT được đầu tư bằng hình thức thu phí của người dân. Và người dân hoàn toàn có quyền kiểm tra. Nhưng đối với quy định của pháp luật thì Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thay mặt Nhà nước để quản lý dự án đó.

Đáp lại ý kiến này, TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Thứ trưởng nói vậy, tại sao anh không sử dụng thông tin người dân phản ánh để điều chỉnh những bất cập tại các dự án BOT hiện nay. Vừa qua, dư luận rồi quần chúng nhân dân cung cấp thông tin thực tế về lưu lượng xe trên đường, sao Bộ Giao thông vận tải từ chối tiếp nhận?”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hoạt động thu phí cũng tương tự như hoạt động người dân đóng thuế để đầu tư BOT.

“Đã là người dân thì không thể vào kiểm tra hoạt động của BOT được…”, ông Trường nói và dẫn chứng thêm, vừa rồi Công ty Thái Sơn (cổ đông của Tổng công ty Cienco1), tổ chức đếm xe là một hành động đúng, nhưng theo quy định là không đúng, hành động này phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép.

MẠNH NGUYỄN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/bat-cap-du-an-bot-bo-giao-thong-chua-thuc-su-tiep-thu-y-kien-chuyen-gia-nguoi-dan-1754651.html