Bất cập ở nhiều dự án chống ngập

Trong khi TP HCM hễ mưa là bì bõm, thì hàng loạt dự án chống ngập vẫn cứ tắc với những lý do... quá cũ

Trong buổi giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chiều 28-5, các đại biểu HĐND TP đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tuy nhiên, nhiều câu trả lời chỉ chung chung, trong khi không ít vấn đề gần như vẫn bế tắc.

Thiếu khảo sát, tiếp cận hiện trường

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, cho biết hiện có 4 nhóm dự án với tổng cộng 15 dự án chống ngập được UBND TP giao sở này thẩm định, thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, hiện hầu hết các dự án đều bị khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án đặt vấn đề tiên quyết là phải gấp rút có mặt bằng thì mới kịp tiến độ.

Đơn cử như tại 2 dự án lớn nhất hiện nay là giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và dự án bờ tả sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Rạch Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) - việc giải phóng mặt bằng đều chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, theo ông Trực, nhiều dự án khác như xây dựng hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum; xây dựng 5 cống ngăn triều trên rạch Gò Dưa, Ông Dầu, rạch Đá, rạch Thủ Đức và rạch cầu Đúc Nhỏ (quận Thủ Đức)..., khó khăn lớn nhất cũng là vấn đề về mặt bằng. "Không chỉ vậy, nhiều dự án còn bị vướng ở việc bố trí vốn, các thủ tục để triển khai, thu hồi đất..., dẫn đến kéo dài cả 8 đến 10 năm chưa xong. Trong khi đó, thời gian "ngâm" càng lâu thì chi phí đầu tư càng tăng bởi trượt giá..." - ông Trực nói.

TP HCM đang nỗ lực xóa dần các điểm ngập

TP HCM đang nỗ lực xóa dần các điểm ngập

Trước những vấn đề trên, hàng loạt câu hỏi đã được các đại biểu HĐND TP đặt ra, đó là khi mặt bằng vẫn bị xem là khó khăn lớn nhất, vậy phía Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương liên quan trong quá trình thực hiện như thế nào? Những thủ tục, văn bản pháp luật nào còn gây vướng? Bên cạnh đó, tính đồng bộ và kết nối của các dự án chống ngập hiện được đánh giá ra sao và trách nhiệm của sở - ngành đối với những vấn đề trên là gì?

Tuy nhiên, những câu hỏi này, phía Sở NN-PTNT chỉ trả lời chung chung, chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Trực thừa nhận một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn là bởi ngay từ đầu, không ít dự án khi được duyệt thiếu sự khảo sát, tiếp cận hiện trạng. Việc này dẫn đến việc đánh giá thực tế không sát, trong khi đất đai lại có rất nhiều vấn đề phát sinh, bao gồm cả tính pháp lý, có những trường hợp tranh chấp kéo dài... "Thực tế, có những dự án nhà đầu tư tiềm lực mạnh, chủ động tính toán, phối hợp với địa phương, người dân thực hiện ngay từ đầu khi tiếp nhận dự án thì việc giải phóng mặt bằng được nhanh hơn" - ông Trực nói.

Phải phối hợp đồng bộ

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, đặt vấn đề rõ ràng việc phối hợp giữa sở - ngành với địa phương chưa sát, trong khi hiện các dự án chống ngập có hàng loạt vướng mắc, vậy trách nhiệm của những đơn vị liên quan ra sao?

Còn theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, việc TP phân cấp cho các quận, huyện quản lý một số kênh, rạch giúp các địa phương có thể chủ động hơn để thực hiện các dự án chỉnh trang, cải tạo..., chống ngập. Tuy nhiên, vấn đề này nếu không đồng bộ thì cũng đi đôi với việc làm ảnh hưởng đến hệ thống giao thông thủy, việc tổ chức luồng tuyến... Bên cạnh đó, ông Bình cũng nêu thực trạng ở nhiều đoạn bờ sông, kênh, rạch, một số đoạn được cải tạo tốt, có nhiều hiệu quả kinh tế nhưng việc duy tu, khai thác dịch vụ gần như bị bỏ ngỏ. Mặt khác, nhiều khu vực tại TP hiện tình trạng sạt lở đang báo động nhưng chỉ tạm thời "chống chế" bằng các biện pháp gia cố, chưa thực sự bảo đảm an toàn cho người dân. "Kinh phí đối với các dự án cấp bách không thiếu nhưng tại sao vẫn còn như vậy?" - ông Cao Thanh Bình đặt câu hỏi.

Trước những câu hỏi trên, các ý kiến trả lời cho biết chức năng và vai trò liên quan đến nhiều sở - ngành, do đó để giải quyết thì cần sự phối hợp đồng bộ. Trong đó, cụ thể như đối với tình trạng sạt lở, theo ông Nguyễn Văn Trực, hiện TP có tổng cộng 37 vị trí có nguy cơ và trong đó đã có 27 dự án xây kè. Riêng đối với kế hoạch sử dụng đất năm 2019, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết những dự án cũ đã duyệt kế hoạch sử dụng đất thì vẫn tiếp tục triển khai, còn dự án mới, kế hoạch sử dụng đất năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP.

Đặc biệt, tại buổi giám sát, các ý kiến đại biểu HĐND TP cũng nêu hiện trạng dự án nạo vét rạch Bà Lớn đi xuyên tâm rất nhiều quận, huyện và ảnh hưởng đến nhiều dự án khác, trong khi tiến độ hiện nay rất chậm nên làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chống ngập. Về dự án này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, cho biết đây thuộc dự án nhóm A, được giao vốn nhà nước để thực hiện nhưng đang phải làm lại một số thủ tục mới tiếp tục triển khai. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan để thẩm định, báo cáo... Ngoài dự án này còn một công trình khác là xây dựng bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập (quận 8) cũng chuẩn bị được triển khai.

Cần chống ngập một cách căn cơ

Đoàn giám sát HĐND TP HCM đánh giá chính quyền TP cần có giải pháp trong việc đẩy mạnh thu hồi mặt bằng, thi công đồng bộ, đặc biệt cần nhanh chóng tháo gỡ các quy trình, thủ tục gây vướng.

Bên cạnh đó, chính quyền TP cần rà soát tổng thể để chống ngập căn cơ hơn, đồng thời các dự án cũng cần sự kết nối với hạ tầng giao thông, đô thị. Riêng cơ chế phối hợp với quận - huyện trong duy tu, đo đếm, đối chiếu các công trình..., cần lưu ý về sự ảnh hưởng. Đơn cử như tại quận 8 có hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng từ việc thi công dự án chống ngập làm nứt nhà. Hiện nhà đầu tư đang thực hiện các công tác bồi thường, thương lượng song phải tuân thủ theo các quy định.

Bài và ảnh: XUÂN GIANG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bat-cap-o-nhieu-du-an-chong-ngap-20190528223941988.htm