Bất cập phân luồng học sinh bậc THCS tại TP.HCM: Con nhà nghèo 'ăn không ngon ngủ không yên'

Năm học 2019-2020, hơn 30 ngàn học sinh lớp 9 tại TP.HCM sẽ rớt công lập, đồng nghĩa với việc chừng đấy em sẽ phải học tại các trường dân lập, tư thục với mức học phí đắt đỏ, khiến phụ huynh lo lắng.

Chỉ tiêu tuyển sinh giảm

Theo sở GD&ĐT TP.HCM, tổng chỉ tiêu lớp 10 năm học 2019 - 2020 của 112 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố là 67.299 học sinh. Năm học tới, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng 9 trường THPT mới nhưng tổng chỉ tiêu thay đổi không đáng kể. Thậm chí, hàng loạt trường THPT giảm hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh.

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2018-2019 toàn thành phố có hơn 100.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng 70.000 em vào lớp 10 công lập.

Cũng theo ông Hiếu, số học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn so với năm trước, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không tăng. Nguyên nhân thành phố đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS, nên sẽ giảm dần tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10.

Cũng theo sở GD&ĐT TP.HCM, tỉ lệ học sinh vào lớp 10 tiếp tục giảm thêm 3% theo kế hoạch phân luồng, để tiến tới chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập trong những năm tới.

Như vậy, với số học sinh rớt lớp 10 công lập, các em sẽ chọn học một trong các loại hình như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục thường xuyên; trường trung cấp, trung cấp nghề; trường THPT tư thục.

Học sinh THSC thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. (Ảnh: Lành Nguyễn)

Học sinh THSC thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. (Ảnh: Lành Nguyễn)

Phụ huynh nghèo có con rớt công lập ...lãnh đủ

Hiện nay, học phí trường THPT công lập khu vực nội thành là 120 nghìn đồng/tháng, ngoại thành là 100.000 đồng/ tháng. Ngược lại, học phí các trường tư thục cao hơn nhiều lần, dao động từ 2-5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, nỗi lo con không vào được trường công đè nặng lên tâm trí của những phụ huynh lao động nghèo, nhất là những khu vực có lượng dân nhập cư cao như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 7, …

Chị Nguyễn Thị Mỹ, quê Tiền Giang làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM chia sẻ, tiền lương cơ bản của công nhân hiện nay chỉ hơn 4 triệu đồng/người/tháng, nếu tính cả các khoản phụ cấp thì có thể 5-6,5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị lên TP.HCM làm việc được 4 năm với tiền thuê trọ 3 triệu/tháng. Con chị đang học lớp 9 ở một trường công. Chị Mỹ cho biết, nếu con chị rớt lớp 10 công lập, thì sẽ cho con ôn thi lại năm sau chứ học phí học trường tư thục quá cao gia đình chị không kham nổi.

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại đường số 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cũng ăn không ngon ngủ không yên bởi con trai chị, cháu Lê Đăng Tuấn sắp thi vào lớp 10 vào hệ công lập.

Gia đình chị Hoa quê ở Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp đã 9 năm nay. Hằng ngày, chị bán bánh mì và hàng rong chủ yếu cho học sinh tiểu học, còn chồng chị chạy xe ôm đầu hẻm. Hiện tại Tuấn đang ôn thi vào lớp 10, sau Tuấn là em gái đang học lớp 8.

Chia sẻ về việc nuôi con ăn học, chị Hoa nói: “Chín năm nay, hai đứa học trường công nên vợ chồng tôi cũng tằn tiện để nuôi con nhưng nói thật, được bữa hôm lo bữa mai. Đã nhiều năm, gia đình tôi không biết tết quê là gì vì có dư được đồng nào đâu mà về”.

“Cháu Tuấn học cũng ở mức trung bình, nghe nói năm nay thi vô lớp 10 công lập căng lắm. Cháu dự định đăng ký nguyện vọng vô trường Vĩnh Lộc và Bình Tân thuộc quận Bình Tân, nếu thi đậu thì tôi còn gắng được, còn dân lập thì…”, chị Hoa bỏ lửng câu nói và buồn bã thở dài.

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Đăng H. làm nghề in nhãn mác linh kiện điện tử có 2 đứa con sinh đôi đang học lớp 9 ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM trải lòng: “Hai cháu chỉ học trung bình, nếu chẳng may trượt tuyển sinh 10 vào công lập thì gia đình cũng chưa biết sẽ xoay xở thế nào đây. Vợ chồng tôi tháng làm khoảng 10-12 triệu vừa đủ trang trải thì lấy đâu ra tiền cho các cháu học dân lập”.

“Học sinh cứ tốt nghiệp 12 nếu không có khả năng vào đại học, cao đẳng thì mới cho đi học nghề. Học sinh xong lớp 9 chỉ mới 15 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới thì làm sao vào học trường nghề”, ông H. nêu quan điểm.

Phan Thế Hoài

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-cap-phan-luong-hoc-sinh-bac-thcs-tai-tphcm-con-nha-ngheo-an-khong-ngon-ngu-khong-yen-a430327.html