Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM - Kỳ cuối: Chặn quyền lợi cộng sinh

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra thực trạng đô thị quá tải ở TP HCM đang tồn tại quyền lợi cộng sinh nhức nhối ở vỉa hè. Các quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè còn chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính răn đe, cùng với dấu hiệu 'bảo kê' lợi ích nhóm từ cơ sở, đã dẫn đến những bất cập tồn tại kéo dài bao năm qua ở TP HCM….

Cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe để loại bỏ các quyền lợi cộng sinh ở vỉa hè TP HCM.

Bắt quả tang phải xử nghiêm để răn đe

Thực trạng về lấn chiếm, chiếm dụng trái phép vỉa hè, lòng lề đường đã được báo Đại Đoàn Kết phản ánh qua 2 kỳ bài viết vừa qua. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, giải pháp để hạn chế tình trạng “vừa dẹp xong đã tái lấn chiếm” của các chủ nhà hàng, quán xá, cá nhân tổ chức, TP HCM cần làm được hai việc, gồm động viên, khuyến khích cho những người đứng đầu về xử lý trật tự đô thị và kế đến là xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công an cơ sở phát hiện có hành vi bảo kê hoặc buông lỏng nhiệm vụ quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, vừa qua, trường hợp Phó Chủ tịch UBND Q.1, phụ trách mảng trật tự đô thị là ông Đoàn Ngọc Hải nhiều lần nộp đơn xin từ chức do bất lực trước nạn bảo kê vỉa hè là một câu chuyện đau lòng. Nhìn rộng ra, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của TP HCM có thời điểm tổ chức rầm rộ, tạo sự răn đe cao đối với các cá nhân, tổ chức lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè trái phép. Thế nhưng, khi những người phụ trách công tác quản lý trật tự đô thị tỏ ra bất lực thì việc giành lại không gian cho người đi bộ sẽ còn là cuộc chiến cam go, kéo dài, không biết bao giờ mới dứt được.

Ông Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc công ty BeeHome cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, kinh doanh đồ uống… nếu được tuyên truyền tốt, sẽ có thể tuân thủ ngay lập tức việc sử dụng vỉa hè hay lòng lề đường vào các mục đích làm bãi trông giữ xe hay bày bán hàng hóa. Theo ông Biểu, lý do chính là vẫn còn tồn tại quyền lợi cộng sinh ở vỉa hè khiến quán ăn, nhà hàng “học” theo nhau, nhưng lại tạo “miếng bánh” cho các quyền lợi cộng sinh đó vi phạm pháp luật.

Đã có trường hợp phát hiện ra kẻ bảo kê, buông lỏng quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường và sau đó đã phải chịu kỷ luật. UBND Q.1 vào cuối năm 2017 đã phải ra quyết định cho thôi việc đối với ông Phạm Nguyên Vũ - cán bộ thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị của quận này, do “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè. Một số nơi, cơ quan chức trách cũng khởi tố các đối tượng bảo kê kinh doanh trên vỉa hè để vòi tiền các chủ cửa hàng. Thậm chí, có không ít trường hợp phát hiện cán bộ có bãi xe trái phép. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, những trường hợp phát hiện nêu trên đáng ra cần được báo chí phản ánh đậm hơn, các cơ quan chức năng vào cuộc xử nghiêm khắc, xử lưu động để làm gương, tạo tính răn đe trong dư luận, nhân dân.

Thiệt hại từ việc bảo kê chiếm dụng lòng đường, vỉa hè của các nhóm lợi ích ở từng địa phương là rất lớn, dù ít có con số thống kê. Mới đây, Phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) đã đưa ra con số về tỷ lệ thất thoát trong quá trình thu phí lên tới 50%-60% do tình trạng đỗ xe chây ì dưới lòng đường. Đó là chưa kể, rất nhiều các khoản xử phạt hành chính hợp pháp khác đã bị các cán bộ quản lý trật tự đô thị thoái hóa, biến chất biển thủ, tư lợi riêng trong quá trình “bảo kê” cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Việc người dân tố phải chi trả các khoản phí “ngoài pháp luật” để cơi nới bán buôn lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh ở lòng đường, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh thì không phải là vấn đề mới, nhưng được chính những người trong cuộc thừa nhận công khai, cho thấy những bất cập, nhũng nhiễu lâu nay chưa được chính quyền ngăn chặn triệt để. Dẫu biết rằng, đã là dân ở đâu thì cũng cần sự nhìn nhận công bằng. Những người buôn bán trên vỉa hè cũng có đóng góp cho kinh tế, du lịch, cho phát triển ngân sách của mỗi địa phương. Thế nhưng, không phải vì đòi hỏi lợi ích kinh tế, du lịch bằng mọi giá mà tạo kẽ hở, cơ hội cho những nhóm lợi ích và cán bộ tha hóa. Do đó, chuyên gia này đề nghị chính quyền thành phố phải thấy được hai mặt của vấn đề từ đó có giải pháp quyết liệt hơn mà vẫn đảm bảo sự nhân văn và thấu tình đạt lý.

Nhân rộng mô hình chặn “cộng sinh” ở vỉa hè

Đại diện phường Bến Nghé, Q.1 chia sẻ với chúng tôi, các mô hình phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm và khu vực công viên Bách Tùng Diệp là những mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới, do giải quyết được nhiều vấn đề bất cập lâu nay về trật tự đô thị. Trong đó, tiêu chí để chọn người kinh doanh ở các nơi này, ưu tiên bắt buộc phải là các hộ gia đình nghèo buôn bán vỉa hè sinh sống trên địa bàn phường. Các hộ đăng ký được UBND phường Bến Nghé phối hợp phòng Kinh tế, Lao động và Quản lý đô thị Q.1 lựa chọn và hồ sơ được xét duyệt rất kỹ để tránh việc có hộ không phải người nghèo vẫn được vào các phố hàng rong buôn bán.

Ông Bùi Đức Lợi - Tổ phó tự quản Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (Q.1) cho rằng, việc có các khu vực buôn bán riêng của người bán hàng rong (trước đây buôn bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè) đang giải quyết được hai bất cập. Một là giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tạo lại không gian cho người đi bộ và mỹ quan đô thị. Hai là hạn chế thấp nhất tình trạng tiêu cực trong bảo kê vỉa hè, vốn là thực trạng nhức nhối lâu nay ở nhiều nơi. Ông Lợi cũng cho rằng, chủ trương lập phố hàng rong cũng đã giải quyết được công ăn việc làm và ổn định cuộc sống cho những trường hợp hộ nghèo trên địa bàn của mỗi phường. Vì vậy, mô hình còn cho thấy chủ trương rất nhân văn, nghĩa tình.

Dù TP HCM còn đang loay hoay trong việc tìm quỹ vỉa hè để lập phố hàng rong, thế nhưng nhiều người dân, người buôn bán ở vỉa hè vẫn tin rằng mô hình này sẽ đem đến những hiệu quả thiết thực cho chính cuộc sống mưu sinh của người nghèo. Ông Thắng - chủ ki-ốt hàng nước giải khát số 5 ở Phố hàng rong công viên Bách Tùng Diệp (Q.1), cũng góp ý trong quá trình nhân rộng các phố hàng rong, cho rằng hính quyền mỗi quận cần có chính sách về khung thời gian buôn bán hợp lý hơn để các tiểu thương ở đây có điều kiện buôn bán tốt hơn.

Ngoài tìm kiếm mô hình phù hợp cho người bán hàng rong, việc xử nghiêm nạn bảo kê, buông lỏng trong trách nhiệm quản lý vỉa hè cũng đang được TP HCM nghiên cứu giải pháp. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, thời gian qua tình trạng buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè không còn lối đi cho người đi bộ vẫn diễn ra phổ biến. Tình trạng này đặt ra vấn đề có bảo kê, dung túng đối với vi phạm hoặc buông lỏng địa bàn? Và, liệu rằng đó là do năng lực yếu kém, không đủ khả năng quản lý hay do có sự bảo kê, dung túng đối với vi phạm hoặc sự buông lỏng địa bàn. Do đó, ông Tường đã đề nghị lãnh đạo các địa phương phải thấy rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý nghiêm đối với tình trạng nêu trên.

Hiện nay, UBND TPHCM tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến xử lý đối với nạn bảo kê, buông lỏng quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để vấn nạn này thực sự được xử lý tới nơi tới chốn thì dư luận đòi hỏi thành phố cần “nói đi đôi với làm” trong công tác này thời gian tới.

[Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM: Vừa dẹp xong lại tái chiếm]

[Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM - Bài 2: Số phận hàng rong]

Thành Luân – Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/bat-cap-quan-ly-via-he-o-tp-hcm-ky-cuoi-chan-quyen-loi-cong-sinh-tintuc423022