Bất cập trong liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách nhiều tỷ đồng hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các mối liên kết trong sản xuất đã tự 'vỡ' trước khi được hình thành.

Ðầu tư lớn, hiệu quả nhỏ

Năm 2014, ông Trần Hữu Lựu, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đã thành lập tổ hợp tác và triển khai trồng rau, củ, quả trên khu vực đất cát bạc màu tại địa phương. Thông qua chính sách ưu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Hữu Lựu và các thành viên tổ hợp tác đã nhận được 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để cải tạo hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phân bón, giống để sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao như: Măng tây, củ cải, cà rốt… trên diện tích 3 ha. Trong mỗi vụ sản xuất, mặc dù các loại cây trồng dần thích ứng với điều kiện thời tiết và cho năng suất khá, song, do khách hàng chưa thật sự tin tưởng vào tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của rau, củ, quả trên cát cho nên đầu tư tốn kém hơn nhưng giá bán lại thấp hơn nhiều so với các sản phẩm khác. Không tìm được đầu ra cho sản phẩm, sau 3 năm sản xuất, doanh thu của tổ hợp tác chỉ dừng lại ở 70 triệu đồng.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau, củ, quả Phú Thành, xã Xuân Thành (Nghi Xuân) gồm 10 thành viên và bắt đầu sản xuất vào tháng 11-2014, trên diện tích 7,7 ha, với tổng đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng; trong đó được ngân sách hỗ trợ hơn một tỷ đồng (hỗ trợ hệ thống tưới, san lấp mặt bằng, tiền phân, giống). Năm 2015, HTX Phú Thành duy trì diện tích sản xuất 5 ha (bắp cải, cải thảo, cải bẹ, cà chua, cà rốt...). Giám đốc HTX Phú Thành Trần Hoàng Ðiệp cho biết, không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh, giá không cạnh tranh được với các tỉnh khác, cho nên sản xuất không bù đắp đủ chi phí dẫn đến thua lỗ. Theo nhẩm tính của ông Ðiệp, tổng doanh thu trong hai năm 2014-2015 của HTX được khoảng 90 triệu đồng. Năm 2016, do không bán được sản phẩm, phải sản xuất cầm chừng, diện tích ít, đến tháng 6-2016 thì HTX dừng sản xuất hoàn toàn. Hệ thống tưới đã đầu tư hết 970 triệu đồng bị bỏ hoang và có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. HTX đang nợ ngân hàng 360 triệu đồng.

Lựa chọn thiếu bền vững

Cũng như sản xuất rau, củ, quả, với kỳ vọng tạo bước đột phá trong sản xuất, năm 2015 tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp gần 40 tỷ đồng để liên kết sản xuất, triển khai mô hình nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư bằng lồng trong ao cát lót bạt. Tuy nhiên, do lựa chọn nhầm đối tác liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cùng với những tác động do sự cố ô nhiễm môi trường biển, cho nên chỉ sau một vài vụ nuôi, mô hình thí điểm mạo hiểm này đã trở về điểm xuất phát. Phần lớn người trong cuộc đều cho rằng, đối tượng nuôi phù hợp điều kiện sản xuất, môi trường nuôi vùng đất cát hoang hóa ven biển Hà Tĩnh; tuy nhiên, tỉnh chưa làm tốt khâu thẩm định, nghiên cứu đối tác, thị trường dẫn đến việc phải gánh chịu tổn thất khi thực hiện liên kết sản xuất.

Việc chọn đối tác liên kết sản xuất là Công ty TNHH Phát triển Fineton (Hồng Công, Trung Quốc) tham gia thực hiện Ðề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư và tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015- 2020 không mang lại hiệu quả. Theo lý giải của Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương (đơn vị tham gia sản xuất) Lê Sỹ Hải, ngay từ khi triển khai, phía Công ty Fineton đã ký hợp đồng cung ứng giống, nhưng đã đưa ra mức phí nhập khẩu, vận chuyển quá cao dẫn đến đẩy giá giống tăng cao so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, chi phí các hạng mục vật tư, thiết bị đều cao hơn thị trường, phía đối tác Fineton hạn chế chuyển giao công nghệ. Mặc dù ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng mức giá thu mua, phương thức giao nhận hàng, thanh toán chưa thực hiện theo hợp đồng, kéo dài thời gian thu mua dẫn đến tăng chi phí nuôi. Thành ra, các doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ khá lớn, nhưng tất cả các doanh nghiệp tham gia đều báo lỗ từ 7 đến 9 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp tham gia nuôi cá bơn, cá mú không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chưa nói đến ứng dụng công nghệ cao. Sau khi nhận nguồn hỗ trợ lớn từ ngân sách, các doanh nghiệp này sản xuất nửa vời, không chủ động tìm kiếm thị trường…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh, khác với phương thức sản xuất truyền thống, chi phí cho việc việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả trên đất hoang hóa rất cao. Ðiều này đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận của người dân sẽ khó khăn hơn. Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho thấy, toàn tỉnh thực hiện san lấp mặt bằng 230,5 ha đất phục vụ sản xuất rau, củ, quả; trong đó diện tích đã lắp đặt hệ thống tưới là 149,5 ha; tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh hơn 20,4 tỷ đồng. Mặc dù khối lượng đầu tư khá lớn, nhưng hiện nay nhiều diện tích đã bỏ hoang, không sản xuất, hệ thống tưới tự động bị xuống cấp.

Thời gian qua, địa phương đã kêu gọi được khá nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện mô hình sản xuất mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chuyên sâu trong khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, môi trường… Vì vậy, hiệu quả tham gia sản xuất sẽ khó được như mong muốn. Bên cạnh đó, do năng lực sản xuất, quản trị của doanh nghiệp có vấn đề, khi liên kết sản xuất, doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm cho nông dân, trong khi thị trường tiêu thụ rất khó khăn, giá cả thấp, nhất là khi vào thời vụ thu hoạch với diện tích lớn, sản phẩm nhiều cho nên thua lỗ là chuyện khó tránh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Ngọc Sơn cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, có những chủ trương, chính sách chưa phát huy hiệu quả trong đời sống như mong muốn. Trong xây dựng chuỗi liên kết, Hà Tĩnh chỉ mới thành công ở việc áp dụng công nghệ, chưa thành công ở khâu thị trường. Nhận thức được vấn đề đó, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách, chủ trương để phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của địa phương.

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35828902-bat-cap-trong-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-o-ha-tinh.html