Bất cập trong quản lý doanh nghiệp chế xuất

Hiện nay do có nhiều thay đổi về hệ thống pháp luật đầu tư, pháp luật về thuế cũng như các quy định, thủ tục quản lý loại hình doanh nghiệp chế xuất (DNCX) khiến cho cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào loại hình này.

Cần sớm khắc phục những bất cập trong quản lý để đảm bảo thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNCX. Ảnh: ST.

Cụ thể có nêu ra một số điểm khó khăn, bất cập sau đây:

Thứ nhất: Khoản 1 Điều 30 Nghị 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ “quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” như sau: “KCX, DNCX được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. DNCX được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư”.

Với quy định này thì “cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan Hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư”. Điểm bất cập ở đây là đối với các nhà đầu tư mới, lần đầu xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức DNCX, khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì họ không thể nào để có tường rào, cổng ngõ,… để có thể đáp ứng được các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và như thế khi cơ quan cấp quản lý đầu tư yêu cầu cơ quan Hải quan xác nhận thì cơ quan Hải quan không thể xác nhận được. Thậm chí khi đó nhà đầu tư mới còn chưa có bản vẽ, chưa có mặt bằng để triển khai dự án.

Thứ hai: Cùng với Khoản 1 Điều 30 thì Khoản 2 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP “quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” như sau: “Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các DNCX. Khu chế xuất, DNCX hoặc phân khu công nghiệp dành cho DNCX được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cảng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”.

Như vậy, với quy định tại Khoản 1, 2 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” thì DNCX cũng sẽ được áp dụng các quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan, trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu (trong phạm vi đề xuất nghiên cứu này, nhóm tác giả chỉ giới hạn nghiên cứu ở phạm vi là DNCX). Tức là địa bàn, ranh giới, lãnh thổ, quy định, chế định áp dụng của DNCX được hiểu gần như là một vùng lãnh thổ rất đặc biệt, hàng hóa ra vào nội địa, nước ngoài được quản lý như là hàng hóa xuất nhập khẩu ra nước ngoài. Do đó, đòi hỏi cần được quản lý rất chặt chẽ về mặt thủ tục, thuế quan và phi thuế quan bởi cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Mặc dù Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực 18 tháng nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn nào dưới Nghị định để hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục và điều kiện để xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo như quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP trên với DNCX.

Thứ ba: Tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP “quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” quy định “Chi nhánh của DNCX được áp dụng cơ chế đối với DNCX quy định tại Điều này nếu đáp ứng được các điều kiện tại Khoản 2 Điều này, được thành lập trong KCX, KCN, khu kinh tế và hạch toán phụ thuộc vào DNCX”. Với quy định này thì có thể hiểu, để Chi nhánh của một DNCX được áp dụng cơ chế của DNCX thì phải thỏa mãn cả 3 điều kiện sau:

- Một là phải đáp ứng được các điều kiện tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP nói trên, tức là thỏa mãn điều kiện“…, DNCX hoặc phân KCN dành cho DNCX được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cảng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”

- Hai là được thành lập trong KCX, KCN, khu kinh tế.

- Ba là Chi nhánh này phải được hạch toán phụ thuộc vào DNCX.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định là cơ quan, đầu mối nào có thẩm quyền xác nhận chi nhánh thỏa mãn các điều kiện này để Chi nhánh hạch toán phụ thuộc của DNCX được áp dụng cơ chế đối với DNCX (Khoản 1 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra giám sát hải quan đối với DNCX). Và nữa 3 điều kiện này được quản lý và quyết định bởi 3 ngành khác nhau. Điều kiện thứ nhất được quyết định bởi cơ quan Quản lý đầu tư, điều kiện thứ hai được quyết định bởi cơ quan Hải quan và điều kiện thứ ba thì lại thuộc về cơ quan Thuế.

Thứ tư: Việc lập Chi nhánh hạch toán phụ thuộc của DNCX theo các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư hiện hành không bị ràng buộc bởi địa bàn nên doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh ở cùng địa bàn hoạt động của DNCX hoặc có thể lập chi nhánh ở những địa bàn khác, tỉnh khác để hoạt động. Trong trường hợp Chi nhánh hạch toán phụ thuộc của DNCX được lập ngoài địa bàn và đủ điều kiện được áp dụng cơ chế của DNCX thì Cơ quan Hải quan nào có thẩm quyền quản lý hoạt động với phần hoạt động của Chi nhánh này? Là Cơ quan Hải quan quản lý địa bàn của DNCX hay là Cơ quan Hải quan quản lý địa bàn có Chi nhánh hạch toán phụ thuộc?

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì DNCX phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX. Theo đó thì một DNCX ở tỉnh Bình Dương đang chịu sự quản lý của Chi cục Hải quan KCN VSIP Bình Dương nay lập Chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại Quảng Ngãi thì có thể làm thủ tục hải quan và chịu sự quản lý của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi với phần hoạt động của Chi nhánh này hay không? Hoặc ngược lại trường hợp phần hoạt động tại Chi nhánh có chịu sự quản lý của Chi cục Hải quan đang quản lý DNCX hay không? Doanh nghiệp có được phép lựa chọn Chi cục Hải quan quản lý để làm thủ tục với phần hoạt động của Chi nhánh hay không? Hay có thể vừa làm thủ tục tại Hải quan quản lý DNCX và vừa làm thủ tục tại Hải quan quản lý Chi nhánh? Nếu không được quy định rõ, hướng dẫn rõ sẽ chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các Hải quan địa phương hoặc đùn đẩy trách nhiệm quản lý cho nhau trong việc quản lý Chi nhánh của DNCX.

Thứ năm: Tại Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “1. Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”. Và tại Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương 05/2017/QH14 quy định “4. Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”.

Đối với DNCX thì được áp dụng các quy định về Khu phi thuế quan của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quy định khu vực Hải quan riêng của Luật Quản lý Ngoại thương theo điểm trên. Trước đây tại Khoản 3 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định “3. Cơ quan Hải quan quản lý khu chế xuất, DNCX chỉ giám sát trực tiếp tại cổng ra, vào của khu chế xuất, DNCX khi cần thiết theo quyết định của Cục trưởng Cục Hải quan”, nhưng thực tế theo tìm hiểu thì trên cả nước không có Hải quan địa phương nào thực hiện giám sát trực tiếp như quy định này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Thậm chí, theo Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính thì quy định này không còn. Dẫn đến cơ quan Hải quan quản lý DNCX còn lúng túng hơn trong việc thực hiện. DNCX khi được áp dụng quy định của khu phi thuế quan và khu vực hải quan riêng thì có thể nói là đi kèm rất nhiều ưu đãi, cần phải kiểm soát chặt chẽ để tạo sự công bằng, cần kiểm soát như kiểm soát về biên giới nhưng chúng ta gần như thả nổi, chỉ kiểm tra thông qua việc lập, lưu giữ chứng từ, hồ sơ hải quan, hồ sơ kế toán và trách nhiệm của DNCX. Do đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro vi phạm chính sách quản lý ngoại thương và chính sách thuế quan áp dụng với DNCX.

Những khó khăn, bất cập trong quản lý DNCX như trên cần sớm được khắc phục để đảm bảo thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNCX, tránh sự lúng túng, thiếu đồng bộ của cơ quan Hải quan và quan trọng hơn có như vậy mới đáp ứng nhiệm vụ cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Chính phủ hiện nay.

Lý Đông (Cục Hải quan Quảng Ngãi)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bat-cap-trong-quan-ly-doanh-nghiep-che-xuat-121326.html