Bất chấp chiến tranh thương mại, nông sản xuất khẩu vẫn cán mốc 40 tỉ đô la

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung là cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản sang cả hai thị trường này, tuy nhiên, căng thẳng thương mại này cũng có thể khiến hàng nhập khẩu tràn lan, cạnh tranh với mặt hàng trong nước.

Xuất khẩu nông sản sẽ vẫn khả quan bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung - Ảnh minh họa: TL

Tại buổi họp báo quí 3 ngày 28-9, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhận định: “Cuộc chiến mang tới cả tác động tích cực và tiêu cực".

Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Theo ông, thủy sản là mặt hàng lợi thế của Việt Nam như cá tra, tôm, rô phi; hay thủy sản có chế biến sâu, dạng hộp. Những mặt hàng này nhiều khả năng sẽ có thể hưởng lợi và tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng lượng xuất khẩu sản phẩm như mực hồ điệp, tôm hùm sang Mỹ, thay thế sản phẩm chế biến của Trung Quốc.

Ngoài ra, gỗ cũng là một sản phẩm rất tiềm năng, hưởng lợi từ cuộc chiến này. Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ là 3,06 tỉ đô la Mỹ/năm, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là 28,8 tỉ đô la/năm.

“Trong bối cảnh xung đột thương mại như vậy, chúng ta vẫn có cơ hội để tìm ra lối đi, tăng cường sản phẩm xuất khẩu gỗ như ghế ngồi, nội thất sang Mỹ”, ông Toản nói.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng có thể khiến hàng hóa của các nước tràn vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa. Ngoài ra, rất có thể sẽ xuất hiện việc mượn xuất xứ hàng hóa Việt Nam từ Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.

“Việc này gây ra sức ép về gian lận thương mại, quản lý gian lận thương mại và tiêu chuẩn sản phẩm. Đây là điều mà chúng tôi nhận thức được và đã tham mưu cho Bộ”, ông Toản nói.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,55 tỉ đô la, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,2 tỉ đô la(tăng 4,4%); giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,4 tỉ đô la(tăng 7,2%); giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,41 tỉ đô la(tăng 5,2%); giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,7 tỉ đô la(tăng 15,8%).

Bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (tăng 5,7%), 17,5% (tăng 7,3%), 8,8% (tăng 6,6%) và 6,9% (tăng 31,4%).

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, với những thuận lợi từ cả hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm sẽ đạt 40 tỉ đô la Mỹ như mục tiêu đề ra, thậm chí còn có thể vượt. Do đó, theo ông Tuấn, những tín hiệu khả quan từ hai thị trường lớn Trung Quốc và Mỹ sẽ là động lực để Việt Nam đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 40 tỉ đô la năm nay.

Thẻ vàng hay thẻ đỏ?

Nhiều đoàn công tác của Ủy ban châu u (EC) đã và sẽ sang Việt Nam để đánh giá tình hình đánh bắt hải sản. Quyết định đổi màu từ thẻ vàng sang thẻ đỏ hay “xóa màu” thẻ sẽ được đưa ra vào đầu năm tới.

EC sẽ cử 1 đoàn sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng. Khả năng cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1 năm 2019, đoàn cuối cùng sẽ sang kiểm tra lần nữa trước khi tuyên bố. “Lần kiểm tra cuối cùng rất quan trọng vì họ sẽ đưa ra quyết định tăng màu hoặc xóa màu cho hải sản Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn nói.

Theo Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm nay do tác động của thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam có xu hướng giảm sâu. 8 tháng đầu năm, tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường EU đạt 252 triệu đô la Mỹ, giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước.

Mời đọc thêm:

Vũ Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279402/bat-chap-chien-tranh-thuong-mai-nong-san-xuat-khau-van-can-moc-40-ti-do-la.html