Bất chấp quy định xe tải trọng lớn vẫn đi vào giờ cấm, đường cấm Hà Nội

Xử lý xe tải trọng lớn hoạt động sai giờ, đi vào đường cấm là một nhiệm vụ được các đơn vị chức năng triển khai từ lâu. Mặc dù đã tích cực vào cuộc xử lý nhưng cho đến nay, nhiều đơn vị, cá nhân là chủ xe tải vẫn bất chấp lệnh cấm cho phương tiện của mình đi vào các tuyến đường, tuyến phố bị cấm gây mất an toàn giao thông. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng liên quan cần có biện pháp chủ động hơn để giải quyết tận gốc vấn đề.

Đội CSGT số 7 xử lý xe bồn chở bê tông Việt Tiệp trên đường Nguyễn Trãi

Đội CSGT số 7 xử lý xe bồn chở bê tông Việt Tiệp trên đường Nguyễn Trãi

Vi phạm tái diễn

Thời gian vừa qua, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội phản ánh về tình trạng xe tải trọng lớn như những “gã khổng lồ” ngang nhiên hoạt động trong các khung giờ bị cấm trên nhiều tuyến đường nội đô. Trước đó, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 06/2013/QĐ-UBND về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn.

Theo đó, các loại ô tô vận tải có trọng lượng từ 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng chỉ được phép lưu hành từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng, nhiều xe tải vẫn lộng hành, lợi dụng những thời điểm vắng mặt các lực lượng chức năng để hoạt động. Tình trạng nêu trên gây nhiều bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông. Nguy hiểm hơn, chính từ việc xe tải trọng lớn hoạt động trái phép trong giờ cấm đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

Khảo sát thực tế của phóng viên trên những điểm được cho là “nóng” như tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Phạm Hùng… cho thấy, nhiều xe tải, nhất là xe bồn, xe chở vật liệu xây dựng… đã hoạt động sai giờ và đi vào những tuyến đường bị cấm. Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 19/3, tại khu vực đường Đỗ Đức Dục (thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm), nhiều xe trộn bê tông nghênh ngang rẽ từ đường Phạm Hùng tắt qua “tuyến phố văn minh” này để ra trục Đại lộ Thăng Long. Kế bên, trong khung thời gian trên nhiều loại xe tải chở vật liệu xây dựng, xe bồn có trọng tải lớn cũng hoạt động trên các phố như Mễ Trì, Châu Văn Liêm, Lê Quang Đạo...

Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, tại thời điểm 13h ngày 19/03/2018, hàng loạt xe bồn chở bê tông tươi gắn tên Việt Tiệp, Vạn Phúc, Việt Xô nối đuôi nhau ra vào một số công trình xây dựng trên tuyến phố Nguyễn Tuân và Nguyễn Trãi.

Một địa bàn nhức nhối khác về tình trạng xe trọng tải lớn hoạt động sai giờ, đi vào đường cấm là khu vực đường Hoàng Tăng Bí (quận Bắc Từ Liêm). Theo ghi nhận của phóng viên ngày 20/3, tại đây dù lòng đường nhỏ, hẹp nhưng một lượng lớn xe bồn, xe tải hạng nặng nườm nượp nối đuôi nhau chạy qua. Nghiêm trọng hơn, tại cầu Liên Mạc - công trình trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo an toàn cho toàn thành phố Hà Nội khi có sự cố lũ lụt, tại 2 đầu cầu dù được cắm biển hạn chế trọng tải 10 tấn nhưng chưa đầy nửa giờ đồng hồ khảo sát, phóng viên ghi nhận hàng chục trường hợp xe bồn lao vun vút, thoải mái hoạt động ngay dưới biển cấm.

Theo người dân địa phương, sở dĩ tồn tại tình trạng xe trọng tải lớn “bỏ quên” biển cấm là bởi từ trục đường Hoàng Tăng Bí có thể rẽ đi đường Tân Xuân, chạy qua 3 phường Đức Thắng, Xuân Đỉnh, Thụy Phương… Ngoài việc gây ra “bão bụi”, tiếng ồn, chính những xe tải trọng lớn này là nguyên nhân gây ra ùn tắc thường xuyên tại khu vực trên khiến dư luận bức xúc.

Cần mạnh tay xử lý

Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang “làm ngơ” để mặc xe tải, xe trộn bê tông đi vào giờ cấm, đường cấm… Tuy nhiên, có tìm hiểu về vấn đề này mới biết những ý kiến trên không chính xác.

Trao đổi trong thời điểm khảo sát lúc 13 giờ, ngày 19/3, sau khi kiểm tra, xử lý không dưới 4 trường hợp xe quá tải vi phạm, quyền Đội trưởng Đội CSGT số 7, Công an (CA) TP Hà Nội Nguyễn Đức Thắng cho biết, ngay trên trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) hướng đi quốc lộ 6, đơn vị đã chốt trực, xử lý nhiều vi phạm liên quan. Theo thống kê nhanh, từ đầu tháng 3 đến nay, Đội CSGT số 7 đã xử lý trên 70 trường hợp xe tải vi phạm, tạm giữ 1 phương tiện. Riêng các trường hợp đi vào đường cấm không giấy phép là 24 trường hợp, chạy không đúng thời gian quy định là 35 trường hợp… Còn số liệu từ Đội CSGT số 6 cho thấy từ ngày 20/2/2018 đến nay, đơn vị này đã xử lý 194 trường hợp, trong đó có 17 trường hợp đi vào đường cấm, 118 trường hợp chạy không đúng thời gian quy định.

Theo lãnh đạo Đội CSGT số 7, tình trạng xe tải trọng lớn đi vào giờ cấm, đường cấm ngoài các yếu tố khách quan như quá trình xây dựng, đô thị hóa mạnh mẽ, số lượng công trình xây dựng nhiều… có thực tế là, vì mục tiêu lợi nhuận, một số ít lái xe, chủ phương tiện đã lợi dụng thời điểm lực lượng CSGT giao ca hoặc đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông để lén lút hoạt động trên các tuyến đường cấm, chạy trong giờ cấm. “Vi phạm tái diễn hiện nay một phần xuất phát từ khung xử phạt thực sự chưa đủ sức răn đe. Chế tài xử phạt đã gián tiếp dẫn đến tình trạng phạt nhiều nhưng tái phạm cũng rất nhiều. Để xử lý dứt điểm và ngăn ngừa tái diễn vi phạm, cần các cơ quan ban ngành hữu quan vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn” – đại điện Đội CSGT số 7 nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Đội phó Đội CSGT số 6 (CA.TP Hà Nội) Đại úy Trần Quang Chinh cho biết thêm: “Mặc dù đơn vị đã xử lý rất nhiều trường hợp, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vì sức ép tiến độ của chủ công trình, các doanh nghiệp vận tải vẫn bất chấp quy định để hoạt động”.

Để chấn chỉnh những vi phạm tương tự tái diễn trên địa bàn, ngoài công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vừa qua, Đội CSGT số 6 và số Đội CSGT số 7 đã có đề xuất lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét rút giấy phép lưu thông đặc biệt đối với các trường hợp xe tải, xe trộn bê tông tái phạm nhiều lần.

Thiết nghĩ, thời gian tới, để các vi phạm được xử lý triệt để, bên cạnh việc cần các cơ quan ban ngành hữu quan vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn, lực lượng CSGT cũng cần tổ chức làm việc với chủ các doanh nghiệp vận tải, chủ công trình xây dựng để tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, từ đó nâng cao ý thức chung của mọi người dân trong việc sử dụng các phương tiện xe tải tham gia giao thông.

Sinh Nguyễn – Đặng Thêm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/bat-chap-quy-dinh-xe-tai-trong-lon-van-di-vao-gio-cam-duong-cam-ha-noi-387273.html