Bắt chó thả rông, không rọ mõm: Có nguy cơ bị lợi dụng?

Với quyết định hành chính mới, cả chó lẫn chủ đều phải bắt đầu một cách sống mới, có thể là văn minh hơn. Tuy nhiên, việc săn bắt chó công khai, không đánh giá phân loại mức độ nguy hiểm liệu sẽ gây ra nhiều hệ lụy?

Về ý nghĩa hành chính, tôi hoàn toàn tán thành việc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những chế tài đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Tuy nhiên, điều tôi boăn khoăn là quyết định này có căn cứ vào cơ sở khoa học, tình cảm và nguy cơ bị lợi dụng hay không?

Tôi đã nuôi chó gần 20 năm. Với tôi, những chú chó là người bạn thân thiết trong gia đình, canh giữ nhà cửa, tâm sự buồn vui với chủ. Nên tuy đang ở nhà thuê tại Hà Nội nhưng tôi cũng nuôi một chú chó ta lai đốm, sống riêng một khu vực trên sân thượng chứ không ra đường.

Theo tôi hiểu, động vật hiếm khi làm hại ai nếu không cảm nhận được nguy cơ. Còn đâu do cách dạy dỗ và chính tính cách của chủ nhân cũng tác động mạnh đến bản năng của chúng. Ví dụ một chú chó bị xích bao giờ cũng hung hăng, dữ tính hơn những chú chó được tự do.

Chú chó 3 tuổi thuộc giống chó Fox bị Đội Săn bắt chó thả rông bắt vào sáng 12.9. Ảnh Ngọc Phạm

Chúng ta cũng biết rằng chó có 1 nhánh ADN trùng với người, có hệ thống thần kinh tương tác mạnh với người dẫn đến hành vi vui vẻ, hạnh phúc… khi gặp chủ, mức độ hạnh phúc thì chúng ta đo qua độ rung, ngoe nguẩy của chiếc đuôi. Từ trước đến nay, chó đã luôn nỗ lực thích ứng với con người...

Nay vì quyết định hành chính này, cả chó lẫn chủ đều phải bắt đầu một cách sống mới, có thể là văn minh hơn. Tuy nhiên, tôi boăn khoăn là việc săn bắt chó công khai, không đánh giá phân loại mức độ nguy hiểm như vậy liệu sẽ gây ra nhiều hệ lụy?

Thứ nhất, chó rất dễ gặp sang chấn tinh thần khi chịu sự tác động mạnh về tâm lý của con người. Từ bé, do cách bắt và nuôi của chủ mà một chú chó sẽ hiền lành  hoặc dữ tợn, nhút nhát hoặc lanh lẹ, dạn dĩ.

Việc dùng các thiết bị truy đuổi, chụp, nâng chó rất bạo lực như vậy liệu có phải là cách làm tốt nhất. Và chó thả rông có phải là bức xúc lớn nhất của xã hội.

Tôi từng biết những chú chó do bị lạm dụng hoặc trải qua một cú sốc về tinh thần mà thay đổi về tính cách. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ làm đau lòng chủ mà còn tạo ra một cuộc sống khó khăn về tâm trạng của loài động vật trung thần và gần gũi ấy.

Ở Hàn Quốc, người ta thậm chí còn phải tổ chức khóa huấn luyện cho một vài chú chó bị lạm dụng, bạo hàng, chấn động não bộ…. do hành vi của con người.

Nguy cơ thứ hai là với nạn săn bắt chó diễn ra khắp nơi, không tránh khỏi việc xuất hiện những kẻ mạo danh chính quyền đi gom chó. Điều này đã trở thành thực tế và có thể sẽ "vô tình hợp pháp hóa" hành vi trộm cắp, vì đâu ai cũng đủ thời gian để kiểm tra thẻ, giấy tờ công vụ.

Sự chia lìa giữa chó và chủ là điều vô cùng đau đớn với cả hai bên, nếu không muốn nói là để lại tâm trạng thương tổn. Do đó, chính quyền cần có cách truyền thông, cách làm hiệu quả, phối hợp liên ngành phòng chống dấu hiệu tội phạm lợi dụng trục lợi. Ví dụ như chúng ta có thể phát đồng phục, bố trí phương tiện lớn được trang bị hệ thống loa… để người dân nhận biết.

Tuy nhiên, về lâu dài thì việc cần làm của chúng ta là tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ động vật nói riêng, bảo vệ quyền và lợi ích của người nuôi thú cưng. Kể cả việc thiết lập đăng kí hành chính, trung tâm chăm sóc sức khỏe, lắp camera cảnh báo ở khu vực công động… thì sẽ tiết kiệm nhân lực, vật lực đồng thời tránh phản cảm trong cách làm.

Và trong khi chờ những chính sách tốt được ban hành, người nuôi chó không còn cách nào khác là đeo rọ mõm, giữ chó trong nhà – một điều vốn ngược với bản tính tự nhiên, vi phạm quyền của chúng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/bat-cho-tha-rong-khong-ro-mom-co-nguy-co-bi-loi-dung-805022.html