Bắt chước kẻ cầm đầu gà mặc đồ đen đi ăn xin: Xử thế nào những kẻ 'bệnh hoạn' gieo rắc hoang mang, sợ hãi?

Trong khi dư luận vẫn đang bất an, công an vẫn đang truy tìm đối tượng 'ăn xin mặt đen cầm đầu gà', ấy vậy mà giới trẻ lại hồn nhiên 'nhái' theo bản chính rồi đăng lên mạng xã hội chỉ để 'câu like' càng khiến dư luận thêm phẫn nộ.

Gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh một số đàn ông có hình dạng kỳ dị giống nhau khi bôi đen mặt, mặc đồ đen, đội mũ bảo hiểm, trên tay cầm đầu gà, xúc xích... đi ăn xin. Khi xin không được, đối tượng này nhổ nước bọt, vẩy nước bẩn, dùng chảo đập vào người khác, thậm chí có người bị sờ cả bộ phận nhạy cảm dù đã cho tiền.

Đối tượng mặc đồ đen, tay cầm đầu gà và xúc xích đi ăn xin đang được lực lượng chức năng truy tìm.

Đối tượng mặc đồ đen, tay cầm đầu gà và xúc xích đi ăn xin đang được lực lượng chức năng truy tìm.

Một trong số những người đàn ông mặc đồ đen này đã đến cổng trường học ở phường Phúc La, quận Hà Đông. Nhiều người dân cho biết hành động của người này rất kỳ dị, lầm lì, ít nói. Dù chưa biết có thực sự nhóm người đi ăn xin hay có ý đồ gì khác, tuy nhiên nhìn tạo hình có phần "kì dị", bôi mặt đen, tay cầm đầu gà vào nhà dân ăn xin với thái độ hung hãn khiến nhiều người bất an.

Đáng chú ý, trong khi mọi người vẫn đang lo lắng, sợ hãi thì liên tiếp trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh giới trẻ hóa trang bằng việc mặc đồ đen, bôi mặt nhọ nhem giống các đối tượng ăn xin trên và chụp ảnh ở khắp địa phương sau đó đăng tải lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Những bạn trẻ này hồn nhiên "nhái" theo bản chính, càng gây thêm nhiễu loạn, đó là còn chưa kể đến việc vô tình càng gây hoang mang khi thông tin về nhóm người này chưa được xác thực.

Hình ảnh được đăng tải bởi tài khoản facebook "Bin Bảnh" này chỉ nhằm mục đích câu like nhưng lại khiến dư luận càng thêm hoang mang, lo lắng.

Điển hình trong sáng ngày 5/12, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh “kẻ mặt đen kỳ dị, tay cầm đầu gà” đứng trước cổng trường mầm non Hồng Lạc (xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) khiến dư luận địa phương hoang mang. Ngay khi nhận được thông tin hình ảnh trên xuất hiện trên mạng xã hội, Công an huyện Thanh Hà đã vào cuộc xác minh làm rõ thì xác định người tung hình ảnh lên mạng xã hội là đối tượng Đặng Như Chiến (19 tuổi ở thôn Đoài, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà).

Quá trình làm việc với cơ quan công an, Chiến khai nhận đã xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi ở cùng xã Hồng Lạc) đóng giả “người mặc đồ đen” đứng trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc. Chiến chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội bằng tài khoản cá nhân có tên Bin Bảnh để câu like. Ngay khi Chiến đăng tải, hình ảnh trên đã thu hút hàng trăm người like, chia sẻ và lan truyền với những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận.

Liên quan đến vấn đề trên, dưới góc độ xã hội, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, những hành vi cố tình tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội chỉ nhằm mục đích "câu like" là hành vi đáng lên án.

“Việc đăng tải những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận chỉ nhằm để câu like thì đó là một loại “bệnh” có tính lây lan. Những hành vi này đều xuất phát từ việc phát triển công nghệ thông tin, khi hiệu ứng càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tức là càng có nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ bài viết thì đối tượng càng tăng sự phấn khích.

Đây là hành vi lệch chuẩn, có hệ lụy rất lớn đối với giới trẻ. Bởi hiện nay, một bộ phận giới trẻ có xu hướng bắt chước rất nhanh. Nếu cứ tiếp tục thì những thông tin sai lệch sẽ bùng phát nhanh chóng, như vậy hậu quả để lại là khôn lường”, chuyên gia Lê Thị Túy nhấn mạnh.

Những bạn trẻ này hồn nhiên "nhái" theo bản chính, càng gây thêm nhiễu loạn, đó là còn chưa kể đến việc vô tình càng gây hoang mang khi thông tin về nhóm người này chưa được xác thực.

Cũng theo vị chuyên gia này, giới trẻ cần nhìn nhận một hiện tượng một cách thật chính xác để tránh tiếp tay cho những đối tượng xấu. Hơn nữa, cần lên án mạnh mẽ và tẩy chay hành vi lệch chuẩn này.

Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Xét đối với hành vi trên, theo Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".

Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-chuoc-ke-cam-dau-ga-mac-do-den-di-an-xin-xu-the-nao-nhung-ke-benh-hoan-gieo-rac-hoang-mang-so-hai-a458850.html