Bát cơm dành cho chị

Truyện ngắn: Phan Thái

Ngày chị Phương và chị Thúy rủ nhau trốn nhà đi thanh niên xung phong, tôi mới gần mười tuổi. Tôi không biết chị xin bố mẹ và bị ngăn cản như thế nào. Chỉ nhớ chiều đó đi hái măng về đến cổng, tôi chợt hoảng khi thấy bố đang đứng ngoài sân nổi giận đùng đùng, lớn tiếng: - Ba tuổi ranh đã cứng đầu… Bà đừng có mà chiều nó.

Mẹ tôi khóc dấm dứt: - Nó thích đi cho bằng chị bằng em. Thế ông bảo tôi phải làm thế nào?

- Làm thế nào đấy là việc của bà… - Bố tôi quay lưng, nhác thấy cái thau nhôm bên cạnh, chừng ngứa mắt ông đá “bum” một cái bay ra hàng rào rồi bỏ đi.

Mẹ tôi lau mặt, kêu mệt bỏ ăn lên giường nằm. Đêm hôm ấy chị tôi không về. Sáng hôm sau đi học, qua lũ bạn tôi mới biết chị tôi và chị Thúy người cùng xóm bỏ nhà đi thanh niên xung phong. Khi đi hai chị tạt qua chợ Bến Tượng nhờ người quen báo lại với ủy ban xã và gia đình. Ngày đó, cũng như nhiều gia đình khác trong làng, nhà tôi nghèo lắm. Bố tôi thường xuyên đau yếu, nhiều việc nặng nhọc trong nhà đều một tay chị và mẹ cáng đáng. Bữa cơm nhà tôi họa hoằn lắm mới không phải ăn độn. Cả nhà quanh năm khoác trên người mấy bộ đồ sờn cũ. Có lẽ cả làng đều nghèo, chả ai khá giả hơn ai bao nhiêu, nên hồi ấy không ai thấy nhà mình nghèo. Mãi sau này tôi mới biết chị tôi khi đó đã được kết nạp vào tổ chức Đoàn và tham gia hoạt động phong trào thanh thiếu nhi của xã. Nhiều lần chị và các bạn lên tận huyện tiễn đưa thanh niên lên đường tòng quân. Chắc cũng háo hức tòng quân nhưng không được tuyển nên chị tôi đã cùng chị Thúy xin cho đi thanh niên xung phong.

Chị đi rồi, tất cả mọi việc giờ một mình mẹ cáng đáng. Tôi thấy mẹ lúc nào cũng tất bật, gương mặt đôi khi thất thần nhìn ra xa và như cố giấu tiếng thở dài. Tôi đoán mẹ nhớ chị. Tôi không rõ tại sao bố không cho chị đi thanh niên xung phong. Khoảng một tháng sau chị tạt về thăm nhà. Chị mặc bộ quần áo giống như quần áo của các chú bộ đội, chiếc mũ cối đính ngôi sao vàng lấp lánh, dưới ngôi sao có dòng chữ “TNXP”. Tôi sửng sốt, mắt tròn mắt dẹt, reo lớn: - Chị Phương. Mẹ ơi chị Phương.

Mẹ tôi đang làm vườn, vứt cuốc chạy ra. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Bố tôi vẫn còn giận chị nhưng giọng nói đã dịu hơn: - Con với cái. Sướng không muốn lại… Trẻ ranh như mày liệu có thể hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao không?

Chị khép nép: - Con xin lỗi... Con lớn rồi… Con về thăm bố mẹ, chiều con đi.

Mẹ tôi nhẹ nhàng:

- Thôi ông ạ, gì thì nó cũng đã là người của chính phủ. Mình có giữ cũng chẳng được, mà ông xem, trông nó mặc bộ quân phục cũng rắn rỏi ra trò.

Mẹ tôi kéo tôi xuống bếp làm cơm. Nhà không còn nhiều gạo, mẹ vét nấu nồi cơm đầy không cho sắn độn như mọi khi. Ngồi vào mâm, bố tôi nghe chừng không còn thái độ tức giận nữa, nhưng suốt bữa cơm chỉ nói một câu: - Mày lớn rồi. Đừng để các em không dám nhìn mặt ai. Phải cố gắng cho bằng chị, bằng em.

* * *

Chiến tranh ngày một khốc liệt. Máy bay Mỹ liên tục quần thảo, thả bom đánh phá suốt ngày đêm. Mỗi lần máy bay Mỹ đến, tiếng bom đạn nổ nghe khiếp hơn cả tiếng pháo đêm Ba mươi Tết. Khói lửa đen đặc bịt kín cả bầu trời. Mặt đất rùng rùng chuyển động. Hồi đầu tôi cũng run, nhưng sau thấy chả có gì đáng sợ hãi. Giống như bạn bè trong lớp có bố hoặc anh đi bộ đội, tôi hãnh diện vì có chị đi thanh niên xung phong, bởi thanh niên xung phong là những người phục vụ bộ đội đánh giặc. Trong hiểu biết non nớt của tôi, “giặc” là những kẻ gian ác chuyên đi giết người, ta phải tiêu diệt chúng. Chỉ những người dũng cảm mới được mặc áo màu xanh và cầm súng. Tôi nghĩ chắc bố mẹ sợ chị là con gái không biết đánh giặc, nên mới ngăn cản không cho đi.

Nhiều buổi tối làm xong bài tập, tôi lên giường nằm khểnh, chả thiết ra nghịch ngợm với bọn trẻ con hàng xóm vì nhớ chị. Hồi còn ở nhà, mỗi lần trước khi đi ngủ, tôi và chị cũng nằm hát hò và nói đủ thứ chuyện. Hồi bé xíu, tôi thích nghe chị kể chuyện cổ tích, lớn thêm một chút, biết chuyện cổ tích là chuyện bịa, nhân vật không có thật, tôi tự dưng chán. Chị bảo, đừng chán em ạ. Tuy cổ tích đều là những chuyện người ta bịa nhưng cô giáo chị giảng đó là những chuyện nhân nghĩa ở đời. Rồi lớn lên em sẽ hiểu. Rồi chị cất tiếng ru khe khẽ. Tôi lớn lộc ngộc thế rồi mà chị vẫn thích ru tôi như thế. Chị bảo, ngày xưa, trước khi ngủ được nghe lời ru của mẹ, bao giờ chị cũng có những giấc mơ đẹp. Chị cũng muốn tôi có những giấc mơ đẹp khi chìm vào giấc ngủ.

Phải khá lâu, có lẽ đến đôi tháng sau chị mới lại ghé qua nhà. Ở nhà chỉ có mình tôi và đứa em gái gần tám tuổi. Chị kéo hai đứa tôi vào lòng, vòng đôi tay xiết chặt. Tôi cảm nhận được sự rắn rỏi từ vòng tay của chị.

Thấy đã trưa muộn, tôi hỏi: - Chị đã ăn cơm chưa?

Chị vuốt tóc tôi và em, nói lảng: - Xong việc, chị chạy qua nhà, chưa về đơn vị. Một chút rồi chị lại đi…

Hôm đó mẹ tôi nấu xôi mang đi làm lễ. Anh em tôi được mẹ đơm mỗi đứa một bát ăn trưa. Tôi mải chơi nên bát cơm của mình vẫn còn trong chạn. Biết chị nhớ nhà tranh thủ về, chưa ăn, chắc đã đói. Sợ chị đi ngay, tôi nói dối nhà vừa ăn xong và vội vàng lấy bát cơm mời chị. Cả ngày hôm đó không có gì vào bụng, nhưng không hiểu sao tôi không hề thấy đói.

* * *

Cuối năm đó, sau trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ xuống ga Lưu Xá đêm Noel 24 tháng 12, chị tôi cùng nhiều đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 mãi mãi không về.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi mọi người đổ ra đường mừng chiến thắng, mẹ tôi đóng cửa ngồi cả buổi trước ban thờ chị. Hình như tâm trí mẹ lạc vào miền xa lắm. Bữa chiều, không đợi mẹ bảo, tôi gạt phần sắn độn đơm bát cơm đặt lên ban thờ. Tôi nghĩ có thể chị không về ăn, nhưng chút hương từ hạt gạo quê nhà, chắc chị cảm nhận được.

(Sáng tác dựa theo lời kể của anh Lương Văn Hải, xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên về chị gái là liệt sĩ Lương Thị Phương, Đại đội TNXP 915).

P.T

Phan Thái

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bat-com-danh-cho-chi-71378