Bắt đầu bằng sao chép, không có nghĩa là bạn không thể sáng tạo

Ông Lý Khai Phục (Kai-Fu Lee) nhà đầu tư mạo hiểm và cựu chuyên gia Silicon Valley nói rằng chúng ta cần bắt đầu chuẩn bị cho những thách thức mà trí thông minh nhân tạo mang lại.

Ông Lý Khai Phục.

Chủ tịch và giám đốc điều hành của Sinovation Ventures nói rằng ngành công nghệ của Mỹ không thể đánh giá thấp các công ty trí tuệ nhân tạo mà ông đang đầu tư ở Trung Quốc.

Ông Lý, một người gốc Đài Loan, đã dành hầu hết thời gian của mình làm việc ở Trung Quốc, nhưng đã có 25 năm sống ở Mỹ trước khi trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm và ông cũng đã từng làm việc cho Apple, Microsoft và Google.

Ông Lý đã trả lời phỏng vấn với Bloomberg Businessweek ngay trước khi phát hành chính thức cuốn sách của mình “AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order” (tạm dịch: Các siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và trật tự thế giới mới).

– Tại sao Google và các nhà lãnh đạo AI khác của và Mỹ nên lo lắng về sự cạnh tranh từ Trung Quốc?

– Rất nhiều người ở Thung lũng Silicon cho rằng nếu bạn là người sao chép (copycat), bạn sẽ phải chịu tiếng đó cả đời và bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà sáng tạo lớn. Trung Quốc đã chứng minh điều đó sai.

Hãy nghĩ về một nhóm người rất thông minh, chăm chỉ có khả năng lãnh đạo và kinh doanh tốt tuy chưa từng bao giờ được hoạt động trong một môi trường như Thung lũng Silicon. Trở thành một copycat trước không có nghĩa là đã chấm hết.

Sự phát triển hiện nay giống như một kim tự tháp. Các copycat giống như nền của kim tự tháp, và hầu hết sẽ không trở thành một cạnh của kim tự tháp với các sản phẩm tốt. Nhưng nếu bạn sao chép ở giai đoạn đầu tiên, sau đó học hỏi kinh nghiệm, tiến hành các cải cách để hoàn thiện sản phẩm của mình thì đó lại là một giải pháp rất đáng gờm mà Thung lũng Silicon không bao giờ nghĩ đến.

– Theo ông, có một công ty nào nổi bật không?

– Meituan Dianping của Wang Xing là một ví dụ. Công ty này đã sao chép Facebook, Twitter và Groupon. Nhưng với Meituan, công ty đã tìm ra cách sử dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh để trở thành một doanh nghiệp sáng tạo, sinh lợi.

Startup này đã xây dựng được phần mềm ứng dụng rất tốt cho các doanh nghiệp, kiểm soát trải nghiệm người dùng, vì vậy bạn có thể giao đồ ăn trong một khoảng thời gian hợp lý, từ 20 đến 30 phút, và thức ăn vẫn nóng khi đến tay người dùng. Bạn có thể truy cập 500, hay thậm chí 5000 nhà hàng, và bạn chỉ phải trả dưới 1 USD cho mỗi đơn hàng.

– Điều gì ngăn cản một đối tác của Mỹ như Uber hoặc Seamless làm điều tương tự?

– Rất khó để học những thủ thuật mới. Mô hình hoạt động của Mỹ phát huy được trên khía cạnh hậu cần và tăng được doanh thu từ các nền tảng phần mềm của họ.

Một người như Wang Xing sẵn sàng đảm nhiệm công việc thực sự khó khăn là thuê hàng chục nghìn người giao hàng, sau đó quản lý họ và đảm bảo họ hiệu quả và đúng giờ. Đây là một công việc khá lộn xộn.

– Có lẽ chuyện đó đặc biệt lộn xộn ở Trung Quốc. Rõ ràng chính phủ cũng đã nỗ lực tạo thuận lợi cho các công ty công nghệ, nhưng theo ông những điều quan trọng nhất là gì?

– Chính phủ ở Trung Quốc đã thể hiện vai trò rất lớn trong việc hoạch định chính sách công nghệ, cho phép các công ty công nghệ thử nghiệm các công nghệ mới, và nếu các công nghệ này hoạt động hiệu quả thì sẽ nhân rộng, giống như cho phép Alibaba và Tencent phát triển các ứng dụng thanh toán.

Các dịch vụ Alipay và WeChat của họ đã gây bão, làm giảm thị phần của các công ty thẻ tín dụng. Ngoài ra, tinh thần của các doanh nhân Trung Quốc rất nhanh chóng và quyết liệt.

Chính phủ cũng đã đầu tư rất tốt cho cơ sở hạ tầng. Ở Trung Quốc, các mạng 3G, 4G phủ sóng tốt hơn ở Mỹ. Đương nhiên ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ thì đã rất tốt rồi, nhưng nếu bạn đến các vùng nông thôn thì tình hình tệ hơn ở Trung Quốc rất nhiều.

– Ông có thể chia sẻ thêm từ góc nhìn của ông về cuộc chiến dành sự thống trị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc không?

– Theo tôi, Mỹ có những lợi thế nhất định, chẳng hạn như có các trường đại học tốt nhất và rất nhiều trí thức nước ngoài muốn định cư tại đây.

Trung Quốc có những lợi thế khác, bao gồm nhiều dữ liệu hơn, nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ hơn, và giờ đây là những doanh nhân tuyệt vời. Vấn đề ở đây không phải là liệu Hoa Kỳ hay Trung Quốc phát triển hơn. Vấn đề thực sự là AI sẽ mang lại thịnh vượng nhưng cũng rất nhiều thách thức như thay con người đảm nhận nhiều loại công việc, sự riêng tư, bảo mật.

Theo tôi, đội ngũ chuyên gia ở hai nước nên hợp tác cùng nhau phát triển các giải pháp tiềm năng. Nếu không, bất cứ vấn đề gì về AI có thể tạo ra thảm họa chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cần bắt đầu chuẩn bị ngay bây giờ.

Ngân Giang (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-tieu-dung-c-178/bat-dau-bang-sao-chep-khong-co-nghia-la-ban-khong-the-sang-tao-100160.html