Bắt đầu cơ chế thử nghiệm Fintech từ năm 2021, với 6 nhóm chính sách lớn

Dự kiến từ năm 2021 sẽ chính thức tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách về việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đánh giá của nhà điều hành, trong những năm gần đây, những đổi mới, sáng tạo về công nghệ tài chính đã đem lại lợi ích lớn đối với các tổ chức ngân hàng – tài chính bằng cách bổ khuyết hoặc giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành như giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch, điểm tiếp xúc khách hàng theo kênh vật lý, nhận biết và xác thực khách hàng cũng như quy trình, thủ tục giao dịch tương đối phức tạp.

Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống.

Đặc biệt, Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là một cấu phần quan trọng để đạt được mục tiêu “Chính phủ số và nền kinh tế số” trong cuộc CMCN 4.0 mà nhiều nước đang hướng tới trong đó có Việt Nam.

Dù vậy, NHNN cũng cho rằng, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ về rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân,…

Theo đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý tài chính là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng, trong khi phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, hiện NHNN và các cơ quan liên quan cũng đang gặp phải các thách thức mới trong công tác quản lý Fintech trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng, các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao dịch lập trình ứng dụng mở.

Hoạt động các công ty này hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh đã gây khó khăn cho việc xác định mô hình hoạt động và công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặc dù không liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, tuy nhiên, qua việc xử lý với các trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành tài chính – ngân hàng về việc ứng phó đối với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Nếu không có một hành lang pháp lý kịp thời, phù hợp thì việc quản lý Nhà nước có thể sẽ gặp nhiều lúng túng khi các công ty cung ứng giải pháp Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

Trong bối cảnh đó, NHNN cho rằng, Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích người sử dụng dịch vụ, đồng thời, là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới.

Theo đó, cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến sẽ bao gồm 6 nhóm chính sách lớn.

Thứ nhất, quy định đối tượng liên quan đến hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được tham gia thử nghiệm bao gồm ngân hàng; công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với ngân hàng; công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập.

Thứ hai, quy định cụ thể về lĩnh vực được/cần tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech và thẩm quyền ban hành chính sách là Chính phủ.

Thứ ba, quy định các nhóm tiêu chí cơ bản để thẩm định và xét duyệt các tổ chức xin tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech.

Theo đó, để được chấp thuận tham gia Cơ chế thử nghiệm, giải pháp Fintech của tổ chức phải là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh; là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần đem mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính.

Cùng với đó, đây cũng phải là giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm.

Giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm phải được công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech hoặc TCTD thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích.

Ngoài ra, phải là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm; không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thứ tư, quy định phạm vi thử nghiệm của các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm, bao gồm thời gian, không gian hay quy mô triển khai dịch vụ, giải pháp.

Thứ năm, quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào quy trình giám sát, đánh giá về kết quả thử nghiệm.

Cuối cùng, quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vầo quy trình cấp, thu hồi giấy chứng nhận, quản lý. Thẩm quyền ban hành chính sách là Chính phủ.

NHNN cho biết, dự kiến từ năm 2021, sẽ chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/bat-dau-co-che-thu-nghiem-fintech-tu-nam-2021-voi-6-nhom-chinh-sach-lon-3545566.html