Bất động sản công nghiệp trên đà bứt tốc thành 'ngôi sao mới' trong thu hút vốn FDI của Thái Nguyên

Vị trí chiến lược, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tăng trưởng kinh tế ấn tượng.. là những cú huých để Thái Nguyên trở thành 'ngôi sao mới' trên thị trường bất động sản công nghiệp.

Nhìn lại năm 2023, bất chấp thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, rơi vào trạng thái ảm đạm, song phân khúc BĐS công nghiệp đã nổi lên là một “điểm sáng” hiếm hoi trên thị trường, biểu hiện là, nhu cầu thuê BĐS công nghiệp và giá thuê luôn trong xu hướng tăng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở mức cao…

Thái Nguyên vẫn vượt lên, trở thành điểm sáng của khu vực trung du miền núi phía Bắc về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý III/2023, nhu cầu thuê và công suất cho thuê BĐS công nghiệp có xu hướng tăng so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở khoảng 85-90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tỷ lệ giao dịch về đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước.

Tính chung 3 quý năm 2023, tỷ lệ giao dịch về đất công nghiệp cao hơn 20% so với cả năm 2022. Về mặt bằng giá, giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III vẫn giữ được mức ổn định so với quý trước, tại một số khu vực giá thuê tăng nhẹ.

Chỉ riêng tại Thái Nguyên trong vài năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Thái Nguyên luôn đứng thứ 4 cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,28 tỷ USD, trong đó khu vực vốn FDI ước đạt 12,93 tỷ USD.

Việc thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư cùng đẩy mạnh cải tạo hạ tầng đã tạo sức hấp dẫn với các hoạt động đầu tư bất động sản công nghiệp, góp phần tăng ngân sách cho hoàn thiện hạ tầng giao thông địa phương.

Tới nay, nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được triển khai điển hình như tuyến đường Thanh Niên Xung Phong kéo dài nối với đường Cách Mạng Tháng 8 đi qua dự án Khu đô thị Kosy City Beat Thai Nguyen, kết nối với đường ven sông của khu đô thị ven sông Cầu sẽ hình thành trong tương lai.

Cùng với đó, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị cũng được thực hiện như: Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đường gom nối Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và KCN Điềm Thụy, đường 36m từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II, đường Hồ Chí Minh, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng,…

Thái Nguyên hiện có 135 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động. Nguồn: IT

Mạng lưới giao thông rộng khắp, kết nối giao thương trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận đã đi trước “mở đường” tạo cú huých giúp cho thị trường bất động sản công nghiệp Thái Nguyên “cất cánh”.

Bứt phá trên đường đua FDI, Thái Nguyên trở thành “tâm điểm vàng” thu hút bất động sản công nghiệp. Chỉ tính riêng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên 2018, đến nay đã có 41 nhà đầu tư đăng ký triển khai 54 dự án tại Thái Nguyên với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 109.000 tỷ đồng. Trong đó hơn 50% số dự án đã hoàn thành thủ tục, các dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư...

Riêng trong các KCN của Thái Nguyên hiện có 142 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 10,6 tỷ USD còn hiệu lực, nhiều dự án nhanh chóng được triển khai và đi vào hoạt động.

Nhiều KCN ở vị trí đắc địa của tỉnh nhanh chóng được lấp đầy bởi các dự án vốn FDI. Theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được bổ sung 4 KCN và 11 cụm công nghiệp (tổng diện tích trên 6.200ha).

Các doanh nghiệp FDI tại tỉnh đang tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động, trong đó có trên 40% là công dân Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn kéo theo một lượng lớn chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cũng như hàng nghìn lao động từ các địa phương đến sinh sống và làm việc, tạo ra sức cầu lớn về nhà ở, về dịch vụ vui chơi giải trí.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, chính sách cải cách, ưu đãi vượt trội và đặc biệt là chính quyền tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thái Nguyên hội đủ những yếu tố tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả. Theo Quy hoạch Tỉnh, đến năm 2030 Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp.

Trong đó có 4.245 ha là đất phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, 2.057 ha đất phát triển 41 cụm công nghiệp. Đây là tiềm năng để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử và công nghiệp thân thiện môi trường.

Hiện nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã và đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Đây là những tín hiệu tốt thúc đẩy bất động sản Thái Nguyên phát triển khi mà quỹ đất dồi dào, dư địa tăng giá tốt, hưởng lợi từ nhu cầu lớn và tốc độ đô thị hóa tăng cao cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-tren-da-but-toc-thanh-ngoi-sao-moi-trong-thu-hut-von-fdi-cua-thai-nguyen-post278463.html