Bất động sản công nghiệp trước cơ hội phát triển mạnh mẽ

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 'Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức ngày 23/4, các chuyên gia phân tích những yếu tố cho thấy, đây là phân khúc BĐS đang có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 “Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới”. Ảnh: H.A.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 “Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới”. Ảnh: H.A.

Nhận được nhiều kỳ vọng

Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ.

Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về bất động sản công nghiệp, chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư tận dụng cơ hội này…

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ tưởng Bộ Xây dựng đánh giá, riêng phân khúc bất động sản công nghiệp, đây là phân khúc đang và sẽ nhận được sự kỳ vọng và quan tâm rất lớn của thị trường.

"Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 73%. Những số liệu trực quan trên phần nào đã thể hiện độ "hot" của phân khúc bất động sản công nghiệp”, ông Nguyễn Trần Nam thông tin và đồng thời khẳng định, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Chia sẻ thông tin về chính sách mới ảnh hưởng đến phân khúc bất động sản công nghiệp, Ths. Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), các KCN cũng đang gặp một số hạn chế như: công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong KCN chưa được cải thiện rõ rệt; việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn khó khăn; chính sách hiện hành còn một số điểm vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN...

Ông Trần Quốc Trung cho biết, trước hạn chế này, Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách mới về phát triển KCN với những chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập DN, ưu đãi thuế NK, ưu đãi đất đai cùng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đầu tư cơ sở hạ tầng...

Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu phát triển một số mô hình KCN mới, hoàn thiện quy định của pháp luật về mô hình KCN, đô thị, dịch vụ, để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Sức hút mạnh mẽ

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh cơ hội cho phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam. Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghiệp 4.0, kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thương mại điện tử đang tạo nên nhu cầu phát triển nhu cầu hạ tầng và công nghệ hiện đại, kết nối xuyên suốt và đồng bộ.

Trong khi đó, Việt Nam lại đang thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 35,46 tỷ USD; tổng vốn FDI vào KCN, KKT và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Đánh giá về nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, trong tương lai, sẽ có sự dịch chuyển các nhà đầu tư FDI theo ngành nghề và vùng miền tạo nên mô hình mới.

Đại diện JLL, ông Stephen cũng khuyến nghị, hướng đi trong tương lai của Việt Nam là khai thác tối đa tiềm năng trên các phương diện như tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng sự dịch chuyển từ Trung Quốc, khai thác tối đa tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Á, tập trung vào những vùng kinh tế trọng điểm để tạo thuận lợi cho DN và đặc biệt là phải tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng hóa.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-truoc-co-hoi-phat-trien-manh-me-103578.html