Bất động sản công nghiệp Việt Nam sắp đón 'sóng' đầu tư lớn?

Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với đó là sự xuất hiện làn sóng đầu tư mới từ nhiều tập đoàn đa quốc gia. Chuyên gia nhận định đây là cơ hội lớn và bất động sản công nghiệp Việt Nam sắp đón 'sóng' đầu tư lớn…

Báo cáo về bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang có 326 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.500 ha với đất công nghiệp 65.600 ha. Trong đó, 251 khu công nghiệp đã hoạt động với gần 61.000 ha, 74% lấp đầy; 75 khu công nghiệp với 29.300 ha, đang xây dựng và đề bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó còn có 17 đặc khu kinh tế duyên hải cung cấp 845.000 ha và có tới 3,6 triệu lao động làm việc trong các khu kinh tế và đặc khu kinh tế duyên hải.

Theo Savills, các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt “đổ” vào Việt Nam. Nửa đầu năm 2019, nguồn vốn chủ yếu là các nước trong khu vực Châu Á.

Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với làn sóng đầu tư mới từ nhiều tập đoàn đa quốc gia... là cơ hội lớn với bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với làn sóng đầu tư mới từ nhiều tập đoàn đa quốc gia... là cơ hội lớn với bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, Hong Kong gồm: Beerco Limited đầu tư 4 tỷ USD vào khu công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội), Goertek đầu tư 260 triệu USD vào khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), Meiko Eletronics Vietnam Co., Ltd đầu tư 200 triệu USD vào Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội).

Cũng trong thời gian qua, thị trường đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển của Hanwa (Hàn Quốc) về sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội; Yokowo (Nhật Bản) về sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang Hà Nam; Huafu (Trung Quốc) về dệt may đã di dời sang Long An.

Nhiều công ty đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, gồm: Goertek (HongKong) về sản suất tai nghe và linh kiện điện thoại sẽ di dời sang Bắc Ninh; TLC (Trung Quốc) về điện tử, tivi sẽ di dời sang Bình Dương. Một số công ty đang xem xét di dời, gồm: Foxconn (Đài Loan); Lenovo (Trung Quốc); Sharp, Kyocera, Nintendo, Asics (Nhật Bản).

Theo các chuyên gia của Savills, nguyên nhân của sự dịch chuyển trên một phần là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mới như: EVTFA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), CPTPP (Hiệp định cải cách kinh tế toàn diện xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện) cũng được kỳ vọng hoàn tất cuối năm 2019, đã mang lại sự ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).

Đặc biệt, chi phí xây dựng nhà xưởng tại TP.HCM (Việt Nam) rất hấp dẫn, thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và cả Indonesia. Cụ thể, chi phí xây dựng nhà kho ở Việt Nam là 380 USD/m2 so với mức 400-580 USD/m2; giá thuê nhà kho lớn trumg tâm tại Việt Nam là 410 USD/m2 so với mức 440 - 780 USD/m2; giá nhà xưởng công nghệ cao tại Việt Nam là 610 USD/m2 so với mức 650 – 1.190 USD/m2 của 4 quốc gia còn lại.

Song, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công ty Tài chính quốc tế (IFC) đề xuất xu hướng chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI năm 2020-2030 đề xuất các bước quan trọng để tăng chất lượng đầu tư nước ngoài.

Do đó, Việt Nam cần phát triển kỹ năng quốc gia để gia tăng tỷ lệ lao động có tay nghề; khuyến khích các hoạt động khuyến khích đầu tư và tập trung ưu tiên các phân khúc ưu tiên; xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương…

Đồng thời, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ như: giáo dục, hậu cần, tài chính; thiết lập đơn vị quản lý FDI với chỉ tiêu và năng suất quản lý cao hơn; xem xét các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành để đảm bảo chất lượng FDI, và giảm thiểu các ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông John Campell, Tư vấn cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp của Savills Việt Nam: “Tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Các nhà sản xuất đang gia tăng sự chú ý vào các tỉnh miền Trung, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng nhận được rất nhiều yêu cầu do mức giá thuê đất ưu đãi và cạnh tranh. Các chủ đầu tư trong thị trường công nghiệp cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, tạo nguồn cung mới”.

Minh Thư

Từ khóa: bất động sản công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài làn sóng đầu tư dịch chuyển đầu tư

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-viet-nam-sap-don-song-dau-tu-lon-post312145.info