Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cần một 'danh phận' rõ ràng

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều địa phương, đồng thời trực tiếp thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, loại hình này vẫn còn gặp vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo nhận định của các chuyên gia, lúc này rất cần một khung chính sách để phát triển được bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Bởi, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển với tiềm năng rất lớn.

Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập

Về mặt thị trường, nguồn cung BĐS trong thời gian qua tiếp tục giảm, nhất là bất động sản gắn du lịch, nghỉ dưỡng. Do lượng hàng tồn tại từ các năm trước nên trong 6 tháng đầu năm rất ít dự án du lịch, nghỉ dưỡng được triển khai, hoàn thành. Tính riêng Quý I chỉ có 01 dự án hoàn thành, 52 dự án dự án đang triển khai. 05 dự án được chấp thuận đầu tư mới.

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang gặp một số thách thức lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang gặp một số thách thức lớn.

Do nguồn cung hạn chế cũng kéo theo giá thành các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng tăng cao với mức tăng trung bình hơn 9%. Trong đó, shophouse tăng khoảng 11%; condotel tăng khoảng 9% .

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản từ tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp dù được nới room vẫn chưa thể có sự đột phá.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới sụt giảm so với các năm trước. Trong quý I, tổng giá trị trái phiếu phát hành của DN BĐS đạt khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng và khoảng 7.000 tỷ trong tháng 5. Riêng tháng 4 con số này bằng 0. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm còn thua quá xa con số 200.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu năm 2021.

Một nguyên nhân khác cũng tác động không tốt đến thị trường BĐS là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm 2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 25,68% kế hoạch năm.

Đó là về mặt thị trường, còn về mặt chính sách, tiếng là có từ 10-16 bộ luật điều chỉnh liên quan đến bất động sản, nhưng các thủ tục pháp lý đến bất động sản nói chung và du lịch nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VNGroup chia sẻ, trong 14 năm theo đuổi lĩnh vực này, ông thấy rằng, các bộ luật điều chỉnh bất động sản nghỉ dưỡng nhiều lần nhưng vẫn chưa rõ ràng. Theo đó, với những bất cập của bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, các doanh nghiệp luôn muốn bất động sản nghỉ dưỡng một danh phận, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế cho bất động sản nghỉ dưỡng.

"Tháo gỡ cơ chế là để chúng ta khai thác lợi thế của bất động sản nghỉ dưỡng, bởi đây là lĩnh vực có tính thị trường và tiềm năng rất lớn mang lại nhiều lợi ích như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương", ông Thành nói.

Tháo gỡ thế nào?

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, hệ thống luật đang có nhiều vấn đề, đó là chồng chéo, xung đột, các sửa đổi luật mang tính tháo gỡ, bổ sung, dẫn đến xung đột, tranh chấp trong hệ thống luật, giải quyết được điểm này lại dẫn đến xung đột với điểm khác.

BĐS Du lịch nghỉ dưỡng đang cần một danh phận rõ ràng.

"Chúng ta cần làm rõ khái niệm bất động sản, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, ví dụ khách sạn nói chung khác với Condotel thế nào. Cần giới hạn rõ ràng và tìm cách giải quyết, chứ không việc nhìn nhận vấn đề sẽ rất phức tạp", ông Thiên nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, luật đất đai là vấn đề nền tảng, muốn giải quyết được việc gì thì cần phải dựa trên nền tảng đấy. Về nguyên tắc, cần lấy luật đất đai sửa theo đúng quy luật thị trường và làm nền tảng sửa các luật khác, nếu không sẽ gây ra tình trạng xung đột.

Một vấn đề nữa cũng được các doanh nghiệp BĐS đề cập, đó là các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu đã cho thấy nhiều bất cập và cần chỉnh sửa. Như Nghị định 153/NĐ-CP về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã cho chỉnh lại để tạo ra sự quản lý thông thoáng hơn, có sự giám sát tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ lợi ích, hạn chế rủi ro để tạo niềm tin cho cho nhà đầu tư.

Đối với việc sửa các quy định chưa hoàn thành, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các quy định để tạo các hành lang, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có hiệu quả, tốt hơn trong tương lai gần.

Đối với các dòng vốn, phải có nhiều cấu trúc, tuy nhiên hiện ngân hàng đã nới “room”, mặc dù không nhiều chỉ vài trăm nghìn tỷ, không thấm gì với thị trường bất động sản nhưng cũng giúp thị trường vượt lên khó khăn hiện nay. Tuy nhiên phải hết sức cân nhắc, dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Cuối cùng, cần phải cân nhắc các dòng vốn, nhất là các dự án có ích cho xã hội, phải phù hợp nhu cầu sử dụng. Với các dự án sắp hoàn thành, cần tạo điều kiện để tiếp tục hoạt động, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.

Đăng Khôi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-can-mot-danh-phan-ro-rang-1087876.html