Bất động sản Hòa Bình: Đại gia án binh, nhà đầu tư nhỏ tung hoành

Ở xứ Mường Kỳ Sơn, Hòa Bình đang mọc lên hàng loạt công trình được quảng cáo là dự án bất động sản nghỉ dưỡng với những cái tên đẹp đẽ, hút dòng tiền đầu tư, nhưng đáng ngạc nhiên là Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình lại khẳng định, ở đây chưa hề có dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào có thể rao bán.

Con đường bạt đồi dẫn vào các khu công trình

Cá lớn lặn sâu, cá nhỏ săn mồi

Các ngọn núi cao và đồi rừng ở huyện Kỳ Sơn cũ (nay đã sáp nhập về TP. Hòa Bình) vốn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, rất thuận lợi để hình thành các khu điều dưỡng, nghỉ ngơi.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư bất động sản cũng nhìn thấy sự hấp dẫn của vùng đất này và đến đây săn tìm cơ hội. Tuy nhiên, ở một góc khuất khác, có nhiều lô đất hàng trăm, hàng ngàn héc-ta đã được các chủ đầu tư lớn “xí phần” trên đất Hòa Bình từ lâu mà vẫn dùng dằng chưa triển khai.

Điều có thể thấy ngay là “sự hiện diện nhưng không làm gì” của nhiều tên tuổi lớn đã tạo dư địa cho các nhà đầu tư nhanh chân khác thu gom đất ở, đất vườn rừng của dân để rồi bằng cách này hay cách khác thiết kế ra những sản phẩm đưa ra thị trường với lời rỉ tai rất hấp dẫn “mua nhanh không mấy đại gia kia mà bung dự án ra thì giá lên vùn vụt”.

Một ông chủ loạt khu đất “sắp thành dự án” thừa nhận, "các lô đất bên tôi đang triển khai cũng còn những vướng mắc này nọ nhưng nhỏ thôi, còn các đại dự án kia mới là vấn đề bởi đã được cấp đất từ lâu nhưng chưa triển khai". Ông này cũng cho rằng, nhiều quy định pháp luật thay đổi "nên sẽ rất vất vả cho cả chính quyền lẫn các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý tới đây”.

Tuy nhiên, điều khiến cho ông tự tin nhất là đã cố gắng đảm bảo tuân thủ cao nhất các quy định pháp luật, và ngay cả việc gom đất của dân rồi xây dựng các công trình cũng không sai khi các công trình đó không được định danh là “dự án”.

Còn đối với những hoạt động xây dựng, quảng bá, rao bán tại nhiều “dự án” đang diễn ra rầm rộ, đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình khẳng định, những "dự án" như Kai Village Resort; Wellham Chanlake; The Moon Village tại xã Yên Quang; dự án Ohara Villas&Resort… trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) đều chưa được cấp phép.

Thực tế, Kai Village Resort, The Moon Village đang được nhiều môi giới rao bán dù theo chính quyền sở tại, hiện trên địa bàn không có dự án nào có tên tương tự.

Nằm trong số ít dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Sakana Spa&Resort Hòa Bình có tên đăng ký là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ, do Công ty cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô triển khai đầu tư trên diện tích 121.096,2 m2.

Nhiều khu biệt thự được xây dựng ở huyện Kỳ Sơn (cũ)

Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn làm thủ tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ra quyết định giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng, nên theo luật, dự án này chưa được triển khai bất cứ công đoạn nào. Mặc dù vậy, hệ thống giao thông vào khu dự án đã được thi công, chủ đầu tư cũng đã xây nhà điều hành và trồng cây trang trí, bên trong khu đất cũng đã tập kết máy móc...

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô lý giải, dự án này vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, các hạng mục triển khai là hoạt động chuẩn bị thông thường chứ Công ty “chưa làm gì cả”.

“Các con đường vào khu này đều là đường dân sinh do các thôn bản triển khai, còn hoạt động giới thiệu, rao bán trên mạng của các môi giới, thực tình Công ty không thể quản lý hết được”, ông Trung trần tình.

Sớm minh định đúng - sai

Theo khẳng định của đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, hiện nay trên địa bàn chỉ có 2 dự án đang được được lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng phê duyệt thủ tục là Wellham Hồ Dụ và Sakana Spa&Resort Hòa Bình.

Trong đó, dự án Wellham Hồ Dụ - được giới thiệu là của Công ty cổ phần Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Wellham Hồ Dụ - từng bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt vi phạm hành chính 275 triệu đồng tại Quyết định số 1596/QĐ-UBND ngày 15/7/2020 về việc “ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê mua bất động sản đối với khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp sinh thái tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình”.

Thực tế, rất nhiều khu đất được cho là dự án như Kai Resort, The Moon Village… trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) là của các hộ dân tự xây. Chỉ có hai dự án đang hoàn thiện thủ tục là Wellham Hồ Dụ và Sakana Spa&Resort.

Đối với nhiều khu công trình đơn lẻ được gắn mác dự án để mời gọi đầu tư, Sở Xây dựng Hòa Bình thừa nhận trên địa bàn đang rộ lên tình trạng gom đất làm theo kiểu tự phát. Với các công trình dạng này, theo Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, thuộc trách nhiệm của UBND xã và huyện đối với những khu vực ngoài quy hoạch xây dựng.

“Trách nhiệm đầu tiên vẫn là chính quyền địa phương, chỉ khi vượt thẩm quyền mới báo cáo để Sở Xây dựng có phương án hoặc báo cáo UBND tỉnh có phương án xử lý”, vị đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết.

Trong khi đó, đại diện UBND xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình cũng khẳng định, trên địa bàn không có dự án resort nào có quyết định đầu tư được phê duyệt, nên việc các dự án Kai Resort hay Ousen resort được giới thiệu tọa lạc tại xã Mông Hóa và rao bán trên mạng đều không đúng.

“Thực chất các khu đất này là đất rừng và một phần đất thổ cư của dân được mua gom, xây dựng rồi bán từng căn chứ không phải dự án”, vị này cho hay.

Được biết, UBND tỉnh Hòa Bình từng có Quyết định số 1456/QĐ-UBND, ngày 26/6/2020 về việc thành lập tổ công tác kiểm tra thực hiện các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh. Việc sớm rà soát lại toàn bộ công trình bất động sản nghỉ dưỡng, kiểm tra lại diện tích đất đồi rừng sản xuất và kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) và làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý khi để xảy ra sai phạm là rất cấp thiết.

Theo đó, dự án nào hợp pháp, triển khai bài bản, cần sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý, dự án nào có “bóng dáng” dự án ma, sai phạm nghiêm trọng mục đích sử dụng đất… cũng cần được minh định để đảm bảo quyền lợi nhiều nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Hòa Bình.

Ông Nguyễn Minh Thành, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Hòa Bình: Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) có tình trạng các công ty tổ chức rao bán căn hộ, biệt thự, đất đai trên danh nghĩa dự án, nhưng qua kiểm tra, đây là đất của các hộ dân chứ không phải đất của các công ty hình thành nên dự án đã quảng cáo trên mạng. Để tránh rủi ro cho người mua, chúng tôi đã có thông báo rộng rãi cảnh báo vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Phục, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình: Thực tế trên địa bàn xã Mông Hóa thời gian gần đây xuất hiện hình thức kinh doanh bất động sản theo kiểu các hộ dân tự mua bán với nhau và xây công trình để bán. Sau đó, các công trình này được đưa lên các trang mạng không chính thống với danh nghĩa dự án nên rất khó cho sự quản lý của chính quyền địa phương.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM: Việc mạo danh dự án rồi lập chốt bảo vệ bao quanh khu đất của nhiều cá nhân là hoàn toàn sai. Đồng thời, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần xem xét lại việc hàng loạt công trình biệt thự mọc lên tại các khu đất và việc sang nhượng, mua bán giữa các nhà đầu tư với nhau sai mục đích sử dụng. Đất vườn rừng và đất kinh doanh thương mại du lịch được quản lý theo cơ chế pháp lý hoàn toàn khác nhau, nếu nhập nhèm việc này, về lâu dài sẽ rất bất ổn.

Nhất Nam

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-hoa-binh-dai-gia-an-binh-nha-dau-tu-nho-tung-hoanh-250641.html