Bất động sản mới nhất: Đất nền ven Hà Nội bị 'ngó lơ', khó phân biệt cắt lỗ hay cắt lãi; mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Đất nền ảm đạm, thanh khoản kém, sẽ chậm phục hồi, Bắc Giang mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Tư pháp 'tuýt còi' quy định về đấu giá đất nông nghiệp của Hà Nội… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bất động sản mới nhất. (Nguồn: Báo XD)

Khó xảy ra việc đất nền ven đô "tăng nóng" trở lại

Theo báo cáo thị trường BĐS của nhiều đơn vị nghiên cứu, trong quý I và quý II năm nay, các điểm nóng đất nền ven đô Hà Nội một thời như huyện Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… ghi nhận giá bán giảm so với quý IV/2022.

Thực tế, đất nền ven đô vẫn rất khó để tăng thanh khoản dù giá nhiều nơi đã giảm. Các sản phẩm này đã được đẩy giá lên quá cao trong thời gian qua. Người mua ngày càng trở nên cẩn trọng hơn khi tham gia thị trường vì giá bán vẫn còn neo cao và nhiều nơi không đảm bảo về mặt pháp lý.

Nhận định về thực trạng phát triển của đất nền trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, những diễn biến của thị trường hiện tại đang tạo áp lực lớn cho các nhà đầu cơ đất nền sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngay cả khi thị trường BĐS tốt lên thì phân khúc đất nền thường sẽ là phân khúc phục hồi chậm hơn so với các phân khúc khác.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho biết, nhiều tháng nay, các chủ đất rao bán hàng nhiều nhưng rất khó phân biệt đâu là cắt lỗ thật, đâu là cắt lãi.

Ông Điệp cũng cho rằng, nhiều người muốn mua đất nền ven đô để đầu tư dài hạn nhưng vẫn sợ mua phải giá cao thì tỷ lệ sinh lời sẽ bị thấp đi. Do đó, nếu không tìm được khu đất giá thấp hơn ở vị trí phù hợp, một số nhà đầu tư đã chuyển sang phân khúc đầu tư BĐS cho thuê.

"Chưa bao giờ giới đầu tư thờ ơ với đất nền như lúc này, chứng tỏ thị trường BĐS đang dần sàng lọc được tình trạng đầu cơ, hướng tới đầu tư thực chất", ông Điệp nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, lượng thanh khoản còn yếu nên việc đất nền ven đô tăng nóng trở lại sẽ khó xảy ra trong thời điểm này.

"Trong bối cảnh thị trường BĐS chững lại, không ít chủ đất, môi giới rao bán "cắt lỗ", hạ giá thu hút người mua… Tuy nhiên, giá bán chỉ được giảm so với lúc đỉnh điểm và so với giá trị thực vẫn còn khá cao", ông Đính cho biết và khuyến cáo người mua cần sàng lọc kỹ các thông tin ưu đãi cũng như thông tin về mảnh đất trước khi có ý định "xuống tiền".

Nhìn nhận về thực tế này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho biết, những khó khăn của thị trường BĐS hiện tại là do người mua đang có tâm lý muốn giữ tiền chờ BĐS giảm thêm, ngoài ra một bộ phận không nhỏ vẫn còn có cái nhìn tiêu cực về thị trường BĐS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng bị áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao.

HoREA đề xuất bãi bỏ một số quy định “bất cập” của Thông tư 06

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN (Thông tư 10) ngưng thực hiện một số nội dung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) tiếp tục kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác.

Theo đó, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng, do chỉ còn hơn 1 tháng nữa (01/10/2023) thì các tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%.

Tiếp đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06 mà các doanh nghiệp, Hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị, vì Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này, chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.

Do đó, mặc dù Thông tư 10 tạm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định cấm cho vay, song Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ các quy định này.

Bộ Tư pháp ‘tuýt còi’ quy định về đấu giá đất nông nghiệp của Hà Nội

Theo Vietnamnet, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa yêu cầu Hà Nội xử lý nội dung trái pháp luật liên quan đấu giá đất nông nghiệp, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Cục Kiểm tra văn bản) Hồ Quang Huy vừa ký văn bản kết luận kiểm tra Quyết định số 24/2022 của UBND TP Hà Nội quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn.

Theo Cục kiểm tra văn bản, Quyết định số 24/2022 có nội dung trái pháp luật.

Cụ thể, khoản 1 Điều 1 quyết định này có nội dung: “Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai: UBND cấp huyện tổ chức đấu giá sử dụng vào mục đích nông nghiệp với thời hạn 5 năm”.

Tuy nhiên, đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng, theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai thì sẽ do UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất với mỗi lần thuê không quá 5 năm.

Do đó, quyết định của UBND TP Hà Nội giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đất đai.

Mặt khác, khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích.

“Do vậy, quy định của UBND TP Hà Nội về việc giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng cho UBND huyện sẽ ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích” – văn bản của Cục Kiểm tra văn bản nêu rõ.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, khoản 6 Điều 1 Quyết định số 24 quy định thông báo công khai việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện trên báo Kinh tế Đô thị, báo Hà Nội Mới, báo Đấu thầu là “không có cơ sở pháp lý”.

Cục viện dẫn Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho thấy điều luật này không quy định giới hạn các trang báo cụ thể khi thực hiện thông báo công khai.

Về quy định nộp tiền đặt trước, quyết định của Hà Nội cũng bị Bộ Tư pháp đánh giá là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 khi không xác định chỉ trong trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người đấu giá mới có thể nộp trực tiếp.

Từ đó, Cục Kiểm tra văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương xử lý những nội dung trái pháp luật nêu trên.

Đồng thời rà soát quá trình thực hiện Quyết định số 24/2022 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).

Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Trong năm 2021-2022, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng các dự án NOXH cho công nhân. (Ảnh minh họa - Nguồn: VNN)

Bắc Giang mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển nhà ở dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án).

Theo Đề án, số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021-2025 khoảng 424.000 người. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh giải quyết 80% nhu cầu về NOXH cho công nhân, tương đương với khoảng 339.000 người.

Trong năm 2021-2022, tỉnh này đẩy mạnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng các dự án NOXH cho công nhân. Toàn tỉnh có 15 dự án NOXH cho công nhân, dự kiến triển khai đến năm 2025.

Đến hết năm 2025, nếu các dự án này hoàn thành toàn bộ sản phẩm, sẽ cung cấp khoảng 29.762 căn hộ NOXH cho công nhân.

Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội đã và dự kiến triển khai theo đề án trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hình thành 40.697 căn hộ nhà ở xã hội.

Với các dự án NOXH dành cho công nhân đã triển khai cho phép mở rộng đối tượng thụ hưởng NOXH theo quy định pháp luật, trên cơ sở ưu tiên công nhân đang lao động trong khu, cụm công nghiệp.

Với các dự án mới triển khai và có sản phẩm trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Bắc Giang chú trọng đảm bảo cơ cấu đáp ứng về nhu cầu NOXH với tổng số căn nhà cần xây dựng là 46.003.

Dự báo, tổng số công nhân tại các khu công nghiệp Bắc Giang đến hết năm 2025 khoảng 262.284 người, đến năm 2030 khoảng 487.584 người.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu NOXH của người thu nhập thấp dự báo 13.106 căn; giai đoạn 2026-2030, nhu cầu này dự báo khoảng 31.351 căn.

Do vậy, nhằm kêu gọi đầu tư và đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang mở rộng đối tượng thụ hưởng, không chỉ công nhân mà người thu nhập thấp cũng được tham gia mua nhà ở xã hội tại các dự án.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-dat-nen-ven-ha-noi-bi-ngo-lo-kho-phan-biet-cat-lo-hay-cat-lai-mo-rong-doi-tuong-mua-nha-o-xa-hoi-240056.html