Bất động sản mới nhất: 'Đất vàng' mặt phố TP.HCM mãi ế ẩm, thị trường trước nỗi lo lạm phát, quy định mới về tách thửa ở Vân Đồn

Chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất tại 4 tỉnh, 'đất vàng' mặt phố TP.HCM dù giảm giá sâu vẫn không có người thuê, Vân Đồng đồng ý tách thửa... là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bất động sản mới nhất: Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại. (Nguồn: Vietnamnet)

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 4 tỉnh

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất tại 4 tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bình Thuận, Bắc Giang.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chấp thuận UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chuyển mục đích sử dụng 217,42ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương; Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, 2 và Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.

Với tỉnh Cao Bằng, Phó Thủ tướng chấp thuận quyết định chuyển mục đích sử dụng 11,4ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Phát triển đô thị số 3A.

Phó Thủ tướng chấp thuận tỉnh Bình Thuận quyết định chuyển mục đích sử dụng 36,67ha đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2.

Tại tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng chấp thuận quyết định chuyển mục đích sử dụng 21ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị số 3, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam.

Đại diện lãnh đạo Chính phủ yêu cầu UBND 4 tỉnh trên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai;

Các tỉnh thực hiện việc giao đất, cho thuế đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Loạt thách thức cho thị trường

Tại một diễn đàn về BĐS vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết, bên cạnh những thuận lợi, thị trường Việt Nam vừa qua phải đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Đính nói: "Những vướng mắc pháp lý của BĐS đang cản trở nhất định về nguồn cung trên thị trường. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều "hàng giả, hàng lậu", như BĐS phân lô bán nền không phù hợp, các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ bong bóng BĐS".

Cũng theo vị chuyên gia này, dù giao dịch BĐS vẫn khá sôi động trong đầu năm nay song về dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều lo ngại. Cụ thể, ông Đính cho rằng, lạm phát đẩy giá BĐS tăng nên "BĐS năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt".

Để gỡ khó cho thị trường, ông Đính kiến nghị đẩy mạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp BĐS dễ dàng phát triển hơn trong năm nay.

Về thách thức đối với thị trường BĐS, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn cung hiện nay vẫn còn khan hiếm và khó dồi dào ngay. Trong khi đó, thị trường phải đối mặt với sự tăng giá rất nhanh của nguyên vật liệu xây dựng, việc đẩy giá đất ở các cuộc đấu giá…

Cũng theo ông Lực, việc kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay chương trình đánh thuế BĐS… cũng đều tạo thách thức cho thị trường sắp tới.

Hậu Covid-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống

Theo Tienphong, đã qua nửa năm trở lại trạng thái bình thường mới nhưng mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TP.HCM vẫn bỏ trống vì không có khách, dù giá cho thuê đã giảm mạnh.

Khảo sát cho thấy, trên trục đường được mệnh danh là “đất vàng” phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) có rất nhiều mặt bằng trống treo bảng cho thuê. Một căn nhà phố bỏ không trên đường Nguyễn Huệ, có diện tích 4x16 m gồm 1 trệt 2 lầu đang được rao giá cho thuê 11.000 USD/tháng.

Được biết, trước khi có dịch, căn nhà này được cho thuê với số tiền 14.000-15.000 USD/tháng nhưng sau đó cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên phải đóng.

Cách đó vài bước chân, một mặt bằng có diện tích 4x30m cũng đang được rao với giá cho thuê 12.000 USD/tháng. Trước đó, một công ty chuyên về du học thuê nhưng vì dịch đã trả mặt bằng. Căn nhà đã bỏ trống hơn 1 năm nay, hầu như không có khách hỏi mặc dù Nguyễn Huệ là tuyến đường đắt đỏ cho kinh doanh.

Chạy dọc theo phố Lý Tự Trọng (quận 1, gần chợ Bến Thành) nhiều căn nhà mặt tiền có chiều rộng 4m, dài 20m, kết cấu xây dựng một trệt, 2-3 lầu cũng có thời gian bỏ trống kéo dài cả năm. Giá thuê hiện được chào từ 6.000-7.000 USD/tháng nhưng cũng không có ai hỏi thăm.

Tương tự, nhiều địa điểm kinh doanh tại các trục đường như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Bùi Viện, Cách Mạng Tháng Tám (quận 1); Nguyễn Trãi (quận 5)… cũng đang trong cảnh ế ẩm.

Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, hiện nay, mặt bằng cho thuê tại quận 1 vẫn còn bỏ trống nhiều là do tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều cửa hàng đang dần làm quen với việc kinh doanh online, không còn ưu tiên lấy địa điểm đẹp bằng mọi giá nữa.

Hơn nữa, khách thuê của khu vực trung tâm TPHCM đang có phương án dịch chuyển ra quận ngoài trung tâm để tránh chi phí ăn mòn lợi nhuận.

Mặt bằng trên phố thời trang Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM bị bỏ không. (Nguồn: Tiền Phong)

Đánh giá từ Savills Việt Nam cũng nêu, do ảnh hưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng hơn vào kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực như Starbucks, The Coffee House, Phúc Long… đã đóng hàng loạt cửa hàng.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho rằng, trong ngắn hạn thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong.

Tuy nhiên, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết, các sàn thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố nhưng các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh.

Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại

Theo lãnh đạo huyện Vân Đồn, để giải quyết nhu cầu về việc tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện theo quy định pháp luật và đúng theo các chỉ đạo UBND tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng đất đai, đảm bảo thống nhất, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở, UBND huyện Vân Đồn cho ý kiến chỉ đạo về việc triển khai tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, UBND huyện giao Trung tâm hành chính công huyện thực hiện tiếp nhận các hồ sơ đăng ký thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện kể từ ngày 17/3.

Trung tâm cũng tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đối với thửa đất nông thôn, đất ở đô thị (thửa đất sau khi tách đã có đất ở) tại các khu vực theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là đất ở hiện trạng.

Việc xử lý đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Trung tâm hành chính công huyện cũng được giao tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ tách thửa đất thuộc nhóm đất ở nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong cùng thửa đất có nhà ở.

Đồng thời, UBND huyện Vân Đồn cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các phòng ban liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện các quy trình, thẩm định, trình duyệt hồ sơ theo các quy định pháp luật; Rà soát, công bố các khu vực đủ điều kiện thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn huyện.

Phòng Kinh tế - hạ tầng khẩn trương tham mưu UBND huyện ban hành quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị, khu vực nông thôn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt để làm căn cứ UBND huyện giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

Trước đó, tại Văn bản số 9700 ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh có nội dung chỉ đạo UBND huyện Vân Đồn thực hiện một số giải pháp, nhằm tăng cường quản lý đất đai, quản lý thị trường BĐS trên địa bàn huyện.

Văn bản có nội dung: "UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc UBND huyện Vân Đồn tạm dừng việc tách thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Vân Đồn cho đến khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn… được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch thành phần triển khai thực hiện được phê duyệt".

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-dat-vang-mat-pho-tphcm-mai-e-am-thi-truong-truoc-noi-lo-lam-phat-quy-dinh-moi-ve-tach-thua-o-van-don-177400.html