Bất đồng thương mại Mỹ - Trung: Giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng, tiểu thương kêu khó

Những ngày gần đây, giá cả chân giò - một trong những món ăn hết sức phổ biến của người Trung Quốc - đã tăng nhanh chóng, khiến nhiều tiểu thương trên khắp nước này tỏ ý quan ngại về ảnh hưởng từ bất đồng thương mại Mỹ-Trung.

Một quầy bán thịt lợn ở Chu Gia Giác, Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn: Reuters.

Khi món hàng quan trọng bị áp thuế

Bà Xu Min, 29 tuổi, là chủ một quầy bán thịt lợn ở Chu Gia Giác, Thượng Hải, nơi vốn nổi tiếng với món ăn vặt chân giò. Bà chuyên cung cấp thịt lợn cho các quầy hàng ăn địa phương, nơi chế biến những chiếc chân giò lợn thành một món ăn cực kỳ phổ biến có giá chỉ 15 NDT (2 USD) mỗi suất.

Các vấn đề địa chính trị vốn chưa bao giờ với tới khu chợ nhỏ này - bà Xu nói, Nhưng gần đây bà cùng nhiều tiểu thương khác bắt đầu bàn tán về cuộc đối đầu trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Nhập khẩu ít thịt lợn hơn từ Mỹ sẽ khiến giá thịt lợn tăng” - bà Xu cho hay và nói: “Và vì thế sẽ có ít người mua hơn”.

Những tín hiệu bất ổn đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với lượng hàng 34 tỷ USD của Trung Quốc và việc Bắc Kinh đáp trả bằng lệnh áp thuế tương đương đối với hàng hóa Mỹ trong đó có thịt lợn và đậu nành đã bắt đầu cảm nhận được ở nhiều khu vực của cả hai nước.

Nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu chuyển tới Thượng Hải cùng nhiều thành phố cảng khác vốn đóng vai trò quan trọng đối với các tiểu thương như bà Xu, dù bà nói rằng bà thường nhập thịt lợn từ các trang trại trong nước. Bà cho hay, nguồn thịt lợn nhập từ nước ngoài hàng ngày vẫn được chuyển tới các kho chứa trên khắp Trung Quốc, giúp đảm bảo nguồn cung cho toàn đất nước và giúp cho giá thịt lợn trong nước ở mức thấp.

“Mọi thứ bắt đầu đắt đỏ hơn” - bà Xu nói, thêm rằng các nhà cung cấp của bà đã đề nghị bà chi thêm tiền nhập thịt lợn trong 2 tuần vừa qua.

Lệnh áp thuế 25% mới nhất, có hiệu lực từ hôm 1-7 vừa qua, dự kiến sẽ làm giảm lượng hàng mà Mỹ xuất sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu thịt lợn đứng thứ 4 của Mỹ và là thị trường tiêu thụ thịt lợn số 1 thế giới.

Trong năm 2017, Trung Quốc đã mua khoảng 309.000 tấn thịt lợn từ các trang trại ở vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, trong đó bao gồm cả nhiều bộ phận của con lợn mà người dân Mỹ hiếm khi tiêu thụ: Đầu, đuôi, chân và dạ dày.

Mỹ cũng là nhà cung ứng hàng đầu của Trung Quốc hồi năm ngoái, xét về nhiều chủng loại thịt, với doanh số khoảng 874 triệu USD. Quan hệ làm ăn này thực sự mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất Mỹ. Bên mua Trung Quốc thường trả giá cao cho các cặp chân giò lợn, thứ mà người dân Mỹ ít khi dùng tới trong khi lại được ưa chuộng ở Trung Quốc do quan niệm sẽ giúp làm đẹp da.

Giá thịt lợn tăng

Tuy nhiên, bất đồng quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã làm ảnh hưởng tới mối làm ăn giữa hai nước. Hồi tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã áp mức thuế 25% đối với thịt lợn của Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế nhôm và thép. Điều này khiến lượng thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc trên đà giảm: Từ 12.354 tấn trong tháng Ba xuống còn 11.095 tấn trong tháng Tư và xuống 9.071 tấn trong tháng Năm vừa qua.

Trong khi các nhà sản xuất Mỹ chắc chắn chịu ảnh hưởng, thì ở phía Trung Quóc, tổn thất lại khó ước lượng hơn nhiều, khi mà quan điểm của giới chức nước này là thay thế nguồn cung từ Mỹ bằng chính nguồn cung trong nước. Trong khi giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên bảo vệ khối liên minh thương mại để đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường trong nước.
Tính từ tháng Năm đến nay, giá thịt lợn trung bình ở Trung Quốc đã tăng 10% - theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp nước này. Giá của thủ lợn, đuôi lợn và chân giò lợn cũng tăng khoảng 7%.

“Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây tổn thất. Và không có ai được lợi cả” - Barny Wu, chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán Guotai Junan, Thượng Hải, nhận định.

Even Rogers Pay, chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc Công ty tư vấn China Policy, trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng sự tăng giá của các mặt hàng đậu nành, hay các mặt hàng bị đánh thuế có liên quan, khiến chi phí của các tiểu thương đội lên. “Phần lớn đậu nành nhập từ Mỹ được sử dụng cho chăn nuôi lợn ở Trung Quốc” - bà Pay nói.

Tiểu thương khó khăn

Trong bất đồng thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump chưa đưa ra một tín hiệu nào cho thấy ông sẽ nhượng bộ, thậm chí đe dọa sẽ áp đặt thuế đối với lượng hàng trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Ông nói rằng mục tiêu của mình là giảm mức thâm hụt thương mại lên tới 376 tỷ USD với Trung Quốc và gây sức ép để nước này xóa bỏ các chính sách thương mại mà ông cho là không công bằng.

Sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước bắt đầu ảnh hưởng tới cả các tiểu thương như bà Xu, người mong muốn khoảng thời gian khó khăn này nhanh chóng qua đi. Bà cho hay, quầy bán thịt lợn, thủ lợn và chân giò lợn của gia đình bà đã giúp nuôi ăn học cho đứa con gái 5 tuổi và cậu con trai 7 tuổi của bà. Buôn bán thịt lợn cũng giúp bà chi trả tiền thuê nhà khoảng 500 NDT (75 USD) mỗi tháng.

“Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận tăng giá thịt lợn” - bà Xu nói.

Ông Gao Jun Gui, 56 tuổi, chủ quầy bán thịt lợn khác ở Chu Gia Giác, cho hay ông đã bán chân giò lợn cho các quầy hàng ăn địa phương suốt 5 năm qua. Gần đây, nguồn cung của ông đã tăng giá thêm 2%, và ông ngờ rằng các lệnh trừng phạt có thể là nguyên nhân.

“Giờ lợi nhuận của tôi đã giảm nhẹ, nhưng trong trận chiến đó chúng tôi sẽ thắng” - ông Gao nói về bất đồng thương mại với Mỹ và cho rằng: “Điều này có thể giúp cho Trung Quốc bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”.

Trên khắp thị trấn nhỏ, có rất nhiều quầy hàng ăn sử dụng chân giò lợn mua trong vùng để chế biến ra món ăn vặt nổi tiếng nơi đây.

Wu Lin, một chủ quầy ăn 45 tuổi, cho hay bà không nghĩ rằng bất đồng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến người dân trong vùng ngừng ăn món chân giò lợn. Bà nói rằng du khách đến từ khắp châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, thậm chí là “mọi nơi” đều đã đến đây để thử món ăn đặc biệt này.

Nhưng ở Qibao, phía Nam Thượng Hải, Xiao Lu, một chủ cửa hiệu bán thịt lợn khác cho hay Công ty cùng bà làm ăn mới đây đã có sự thay đổi đáng kể: 6 ngày trước khi Tổng thống Trump áp thuế lần đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc, Công ty này đã ngừng cung cấp thịt cho bà.

Hiện tại, chủ cửa hiệu này không rõ liệu có thể duy trì việc kinh doanh hay không. “Chúng tôi thường nhập các sản phẩm thịt lợn tươi từ địa phương và hàng đông lạnh nhập từ nước ngoài. Giờ đây mọi thứ đã thay đổi vì các lệnh áp thuế” - bà Xiao cho hay.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/bat-dong-thuong-mai-my-trung-gia-thit-lon-o-trung-quoc-tang-tieu-thuong-keu-kho-tintuc411689