Bắt giữ 5 đối tượng lập nhiều công ty để mua bán hóa đơn khống

Ngày 10/6, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố thông tin bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến đường dây bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng, thu lợi bất chính gần 3 tỷ đồng.

Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bị Công an huyện Triệu Sơn bắt giữ. Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn

Quá trình điều tra ban đầu, phát hiện nhiều sai phạm

Các đối tượng bị bắt giữ đều ở thành phố Thanh Hóa, gồm: Nguyễn Dụng Huyền (sinh năm 1990), Lê Thị Hoa (sinh năm 1967), Đặng Nguyệt Minh (sinh năm 1982), Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1989) và Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1982).

Theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, các đối tượng trên đã thành lập hàng chục công ty "ma" để mua bán hóa đơn. Trong số đó, có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng thương mại & Vận tải Hải Phong (Công ty Hải Phong), do Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1989) đứng ra thành lập tại huyện Triệu Sơn. Công ty này không có hoạt động kinh doanh thực tế mà chỉ bán hóa đơn cho các công ty, doanh nghiệp "ma" khác với giá từ 2 - 8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn.

Khi khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an đã thu giữ nhiều chứng cứ liên quan, bao gồm: 16 USB Token chữ ký số của 16 công ty; 3 con dấu của 3 công ty; 4 dấu tên giám đốc, 1 máy tính xách tay, 1 điện thoại di động, nhiều hợp đồng kinh tế "khống" và một số tài liệu khác.

Các đối tượng điều hành Công ty Hải Phong đã bị bắt giữ vì mua bán hóa đơn khống. Từ tháng 3/2022, các đối tượng đã mua nhiều hóa đơn đầu vào không có hàng hóa từ các công ty khác ở tỉnh. Sau đó, đối tượng đã xuất khống 580 hóa đơn cho các doanh nghiệp và đơn vị khác trong và ngoài tỉnh. Tổng số tiền giao dịch là khoảng 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, ba đối tượng Đặng Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Liên cũng tham gia vào việc lập khống 4 công ty và làm kế toán thuế cho 12 công ty có hoạt động kinh doanh thực tế. Mục đích của các đối tượng là mua bán hóa đơn qua lại giữa các công ty để giảm số thuế phải nộp. Các đối tượng đã thu lợi bất chính với số tiền lớn. Đây là kết quả của quá trình điều tra ban đầu, vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Thủ đoạn của các đối tượng gian lận hóa đơn

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử, đề cập về hành vi gian lận hóa đơn, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết: Các đối tượng thường sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thương binh,...), thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại các doanh nghiệp và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hợp đồng điện tử bằng hình thức qua mạng. Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua Internet Banking. Sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép hợp đồng điện tử.

Để hợp thức cho các hóa đơn đã bán có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: Đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng…) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.

Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 và điểm k khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Dũng Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bat-giu-5-doi-tuong-lap-nhieu-cong-ty-de-mua-ban-hoa-don-khong-179230610102244779.htm