Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng sự đóng góp của bà con kiều bào

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Ðức cho biết, thành phố luôn mong muốn kiều bào sẽ luôn gắn kết, chung sức đưa nền kinh tế ngày càng phát triển.

30/4/1975 là ngày hội thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam. Với bà con kiều bào, có thể thấy trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những đóng góp hết sức quan trọng, nhất là khi bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ bà con kiều bào. Ảnh: SGGP

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ bà con kiều bào. Ảnh: SGGP

Đoàn kết, hướng về cội nguồn

Với truyền thống quý báu của mọi người con đất Việt, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn đến mấy, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, dưới sự vận động và dẫn dắt của Bác Hồ, phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, Thái Lan, Lào… đã được hình thành, hiệu triệu những người con đất Việt hướng về Tổ quốc. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kiều bào ta đã ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần, tích cực tham gia các phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, vận động nhân dân và chính giới các nước ủng hộ Việt Nam cho đến ngày non sông thu về một mối.

Trong thời kỳ đổi mới, kiều bào đã góp thêm tiếng nói, vận động nhiều nước gỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đóng góp nguồn lực kinh tế và tri thức để dựng xây và phát triển quê hương.

Ông Lê Bá Linh- kiều bào Thái Lan

Ông Lê Bá Linh, sáng lập viên Công ty Link Nature Power, kiều bào Thái Lan cho biết: Năm 1960, cha của ông là một trong những Việt kiều tại Thái Lan đã theo lời kêu gọi của Bác Hồ, không chút đắn đo trở về tham gia xây dựng đất nước. Hiện tại, ông Linh cùng gia đình lập nghiệp tại quê nhà hơn hai chục năm qua. Công ty của ông được Bộ Công Thương chọn là một trong các đơn vị hỗ trợ bán hàng trên Amazon vào năm 2018. Tám tháng sau, doanh nghiệp chính thức đưa nước mắm truyền thống Mami lên trang thương mại điện tử này. Đến tháng 4/2020, sản phẩm Mami đã vươn lên vị trí top 1 trên Amazon. Có được kết quả này là cả một quá trình nỗ lực gian nan.

"Tôi mong muốn sản phẩm của Việt Nam sẽ lan tỏa, được thế giới đón nhận. Ví dụ như gạo, cà phê, nước mắm, thủy sản… được xuất khẩu đi khắp thế giới. Mong đất nước vượt qua khó khăn hiện tại, dịch bệnh mau qua, để kiều bào khắp nơi được trở về quê nhà làm ăn, kinh doanh"- ông Linh chia sẻ.

Bằng sự nhạy bén của những Việt kiều như ông Linh, ngày càng có thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam được phân phối trên thị trường thế giới. Tại thị trường EU, mặt hàng gạo Việt đang bán rất chạy, chính nhờ bà con kiều bào làm cầu nối. Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở nước ngoài nhưng bà con vẫn luôn nghĩ về quê hương. Năm 2020 lượng kiều hối chuyển về đạt tới 15,7 tỷ USD, riêng TPHCM là 6,2 tỷ USD. Để hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt, kiều bào các nước đã gửi về đóng góp 80 tỷ đồng. Ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn Delta E & C Nhật Bản, kiều bào Nhật cho hay, trong đại dịch Covid-19, ông đã đồng hành cùng với nhiều mạnh thường quân hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế, khẩu trang cho TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

"Chỉ đơn thuần là xuất phát từ những con người sống xa đất nước, thường đi về, gặp những hoàn cảnh khó khăn và thấy rằng, cùng dòng máu của dân tộc thì sự đùm bọc lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Do vậy tất cả mọi người đều nỗ lực. Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, quỹ từ thiện của tôi đã huy động được gần 5 tỷ từ bà con kiều bào hỗ trợ cho các chương trình y tế"- ông Steve Bùi cho hay.

Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Thời gian qua, bằng nhiều hoạt động kết nối, trọng dụng các nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã nhận được sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của bà con trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố và đất nước. Đặc biệt là tinh thần cống hiến, nhiệt huyết của các nhà trí thức, khoa học trẻ. Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hàng năm có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước để giảng dạy, làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết: "Điều phấn khởi là trong thời gian qua, ở các nước thì người Việt, nhất là giới khoa học và công nghệ Việt Nam đã liên kết, tạo ra các diễn đàn, câu lạc bộ trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Ví dụ như ở Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Singapore…, quy tụ hàng ngàn người tham gia, đóng góp rất nhiều về tư vấn chính sách, đào tạo cán bộ cho Việt Nam".

Thống kê hiện có khoảng 600 ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ Đại học và trên Đại học trong số 5,3 triệu người Việt đang sinh sống ở các nước. Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, đây là nguồn lực hết sức quan trọng trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ nước ta phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Ông Võ Thanh Sơn- Kiều bào Bỉ.

Ông Võ Thanh Sơn, kiều bào Bỉ cho hay, hầu hết Việt kiều đánh giá rất tích cực về Việt Nam, như đường lối chính sách cởi mở hơn, kinh tế tăng trưởng ổn định, nhất là khi nước ta khống chế được dịch bệnh Covid-19.

"Đại hội Đảng lần thứ XIII có mấy điểm mà tôi thấy rất tốt. Thứ nhất là ủng hộ dàn lãnh đạo, bác Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) điều hành đất nước rất tốt, việc đưa những người trẻ lên có những gương mặt mới chất lượng. Trong năm 2021 hy vọng sẽ có những thay đổi mới trên mặt trận chống tham nhũng, cải cách kinh tế triệt để hơn, cũng như cuộc cách mạng số. Hy vọng là lãnh đạo quyết tâm thì Việt Nam sẽ là 1 trong các nước tiến rất nhanh trong ASEAN" - ông Võ Thanh Sơn tin tưởng.

Ghi nhận những đóng góp của kiều bào, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Ðức cho biết, thành phố luôn mong muốn kiều bào sẽ luôn gắn kết, chung sức đưa nền kinh tế ngày càng phát triển. Năm 2021, để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, TPHCM và cả nước rất cần huy động nhiều nguồn lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, trong đó luôn trân trọng sự chung tay của bà con kiều bào.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.

"Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đánh giá cao sự đóng góp của bà con kiều bào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và nhất là giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Lãnh đạo Thành phố hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học Việt kiều nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư"- Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định.

Ở nhiều nơi, kiều bào thực sự trở thành cầu nối để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa đất nước sở tại với Việt Nam. Không chỉ đóng góp về kinh tế, trí thức, khoa học công nghệ, bà con cũng chính là sứ giả văn hóa, mang hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./.

Ngọc Xuân/VOV- TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thanh-pho-ho-chi-minh-tran-trong-su-dong-gop-cua-ba-con-kieu-bao-853814.vov