Bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng: Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo

Với việc bắt học sinh của mình uống nước vắt giẻ lau bảng, cô Hương còn có thể bị xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ngoài hình thức xử lý kỷ luật của ngành.

Trong khoảng thời gian gần đây, các vấn đề về giáo dục lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục xảy ra các hiện tượng mất trật tự an ninh học đường, giáo viên có hành động không đúng chuẩn mực hay việc thái độ quá đà của một số phụ huynh gây nên cái nhìn không thiện cảm về môi trường giáo dục. Chưa dừng lại ở những sự việc vừa xảy ra, lại một lần nữa dư luận dậy sóng trước thông tin một học sinh lớp 3 bị cô giáo phạt uống nước vắt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp.

Cụ thể, phạt học sinh nói chuyện trong lớp, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - chủ nhiệm lớp 3A5, trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) đã bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng vì em này nói chuyện riêng. Học sinh trong vụ việc trên là cháu Phạm Phương Anh. Theo thông tin cho biết, Phương Anh đã uống hết một nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Mặc dù cốc nước đặc, cô bảo vẫn còn loãng nên vắt thêm nước từ giẻ lau bảng vào rồi bắt uống.

Bản kiểm điểm của cô Hương về hành vi của mình.

Bản kiểm điểm của cô Hương về hành vi của mình.

Sau khi xảy ra sự việc, gia đình Phương Anh đã phản ánh với ban giám hiệu nhà trường và yêu cầu cô Minh Hương xin lỗi. Hiện tại, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc.

Sáng 4/4, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường đã họp và chính thức đưa ra hình thức kỷ kuật cảnh cáo trước toàn trường, bỏ công tác chủ nhiệm. Ngay sau đó, ông Trần Kim Tự - phó cục trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT - đã có công văn khẩn gửi Sở GD&ĐT TP Hải Phòng về vụ việc.Bộ GD&ĐT yêu cầu sở GD&ĐT TP.Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này, đồng thời báo cáo tình hình, sự việc, kết quả xử lý về bộ GD&ĐT qua cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục chậm nhất 11h ngày 6/4. Hiện tại, cô Hương đã bị buộc thôi việc.

Sau khi sự việc bị phát hiện, nhiều người tỏ ra khá bức xúc với hành vi này, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Chị Thanh Mai (Đan Phượng, HN) tỏ ra bất bình: “Giáo viên trẻ sao mà ác thế, nước sạch có con ruồi con nhặng chết lạc vào còn phải đổ đi huống chi bắt một đứa bé uống cả cốc nước bẩn như thế, thiếu gì cách dạy dỗ, phạt học sinh. Bị kỷ luật như thế còn quá nhẹ…”.

Phương Anh thuật lại việc bị uống nước bẩn.

Trong khi đó, cô Dương Thị Đính (giáo viên tiểu học về hưu tại Nam Định) cho biết: “Giáo viên trẻ nên thiếu kinh nghiệm trong việc dạy dỗ học sinh. Cho học sinh uống nước phấn không may bị ảnh hưởng tới sức khỏe thì sao mình gánh được hết trách nhiệm. Bụi phấn độc hại lắm, đến chúng tôi tiếp xúc thường xuyên còn bị ảnh hưởng…”

Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hành vi của cô Hương là vi phạm luật giáo dục, vi phạm trách nhiệm của một giáo viên. Cụ thể, nhiệm vụ của giáo viên tiểu học được quy định tại khoản 2 Điều 34 văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2014 hợp nhất Thông tư về Điều lệ Trường Tiểu học do bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như sau: “2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp…”

“Trong trường hợp này, cô Hương bắt cháu Phương Anh uống nước vắt giẻ lau bảng trước cả lớp đồng nghĩa với việc không tôn trọng học sinh của mình. Bản thân tôi cho rằng, đây là hành vi làm nhục người khác, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu TNHS về tội Làm nhục người khác. Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của cô giáo có thể bị xử phạt hành chính, cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác:.

Lý giải thêm về sự việc này, luật sư cho biết: Trẻ em có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích, đây là đối tượng nhạy cảm, là tương lai của một dân tộc, vì thế, giáo dục, dạy dỗ trẻ em là việc làm luôn được ưu tiên lên hàng đầu. Mặc dù các cháu còn nhỏ nhưng cũng có tiếng nói và nhân cách của mình, một khi bị xúc phạm có thể trở thành vết thương kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Đã lên lớp 3, chắc chắn Phương Anh cũng đã phần nào hiểu được sự cười nhạo của bạn bè khi bị đưa ra trước lớp uống nước bẩn. Sự việc đã lan tỏa ra cả trường, đâu đâu Phương Anh cũng sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý, có thể từ đó sẽ gây nên chấn động tâm lý, e ngại với mọi người. Vì thế, việc xử lý nghiêm hành vi của cô giáo Minh Hương là việc làm hết sức cần thiết.

Đ.Dương

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/bat-hoc-sinh-uong-nuoc-vat-gie-lau-bang-vi-pham-nghiem-trong-dao-duc-nha-giao-11459.html