Bất hợp lý ngành xi măng

Cung vượt cầu là một trong những nguyên nhân khiến cả ngành xi măng gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thống kê của ngành này, nếu tính các dự án đang đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành lên đến 108 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa chỉ 60,27 triệu tấn (năm 2017), đạt khoảng 60%. Chưa kể, các nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn/năm. Theo dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ dư thừa từ 36-47 triệu tấn.

Như vậy, hiệu quả kinh doanh xi măng phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu.

Nên đọc

Doanh nghiệp xi măng vì đâu mãi bết bát?

Để tạo điều kiện cho xuất khẩu xi măng, Nghị định 146/2017/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/1/2018) áp dụng từ sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 12/2015/NĐ-CP đã cho phép áp dụng thuế xuất khẩu 0% với xi măng (theo quy định cũ, khi xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế xuất khẩu 0%).

Nhờ đó, nửa đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu xi măng đã có sự khởi sắc khi sản lượng đạt khoảng 15,42 triệu tấn, tăng 50% so cùng kỳ và đạt tới 85,6% chỉ tiêu xuất khẩu của cả năm.

Tuy nhiên, đáng nói là xi măng xuất khẩu được bán với giá rất rẻ mạt: Giá xi măng xuất khẩu trong tháng 6 chỉ 48-50 USD/tấn tùy loại. Trong khi đó, xi măng trong nước bán ở mức giá 77.000-85.000 đồng/bao (50kg), tương đương 63-74 USD/tấn.

Không chỉ rẻ hơn nhiều giá bán trong nước, giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam cũng vào hàng thấp nhất khu vực. Chẳng hạn, xi măng tại Thái Lan khoảng 65 USD/tấn, Indonesia 102 USD/tấn, Philippines cũng xấp xỉ 100 USD/tấn…

Chính bởi lẽ đó, lãnh đạo một doanh nghiệp xi măng đã tiết lộ, hiện có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam mua xi măng để xuất khẩu sang châu Phi.

Như vậy, chính sách ưu đãi cho ngành Xi măng, thay vì giúp khuyến khích tăng chất lượng, giá trị xuất khẩu, lại dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên.

Đó là chưa kể tới một số ưu đãi khác như giá điện bán cho xi măng hiện chỉ khoảng 914 đồng/KWh, thấp hơn giá điện bình quân là 1.183 đồng/KWh...

Đáng buồn ở chỗ, những ưu đãi đó đã không được nhiều doanh nghiệp xi măng biến thành lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thay vào đó, phần lớn các doanh nghiệp xi măng làm ăn bết bát, nợ nần cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tài chính.

Dây chuyền sản xuất xi măng hiện nay đa phần là công nghệ lạc hậu. Điều đó không chỉ khiến năng suất, chất lượng của ngành này luôn ở mức thấp, mà còn gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe của người lao động nói riêng, môi trường sống nói chung.

Do đó, thay vì duy trì nhiều ưu đãi, chính sách quản lý cần phải hướng tới xây dựng một bộ tiêu chuẩn tiên tiến để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cả với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Việc tăng sản lượng xuất khẩu là một tín hiệu tích cực, nhưng nếu không đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thì cũng lại rơi vào vòng luẩn quẩn như các doanh nghiệp nông sản thực phẩm xuất khẩu. Điều đó dẫn tới tình trạng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, trong khi giá trị thu về chưa chắc đã bù đắp nổi những hệ lụy phát sinh.

Thảo Nguyên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bat-hop-ly-nganh-xi-mang-d271210.html