Bật lên nỗi lòng người đàn bà đơn lẻ qua 'Tiếng guốc'

Đọc 'Tiếng guốc' của Thy Nguyên mà nghe xao xác cả cõi Xuân lẫn cõi người.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Thy Nguyên

Tiếng guốc

Nhà người chăn ấm đệm êm

Nhà em tiếng guốc rách thềm đá hoa

Sương văng vào khói tháng Ba

Má đào nám chặt vẽ ra chỗ nằm...

Anh nghèo cả một lời thăm

Ốm đau hóa những vũng đằm thanh xuân

Ái ân thừa kiếp phù vân

Người dưng mặc áo, ngoài sân pháo hồng.

Sang hèn, sắc sắc, không không

Lông chông ngọn cỏ ngoài lòng đổ mưa

Đời xin một chút lưa thưa

Mà thành kinh kệ gói vừa trăm năm…

Mở đầu bài thơ là sự chênh lệch đến xót người “Nhà người chăn ấm đệm êm/ Nhà em tiếng guốc rách thềm đá hoa” chứng tỏ “nhà người” và “nhà em” có chi đó khác nhau xa lắm, xa lăm lắm để rồi cuối bài buông ra tâm trạng hệt một lời chiêm nghiệm mang dáng dấp của tiếng thở dài chua chát “Đời xin một chút lưa thưa/Mà thành kinh kệ gói vừa trăm năm…”.

Rõ ràng bài thơ là sự nhấn nhá của cái lặng, cái cô đơn, cô đơn đến nghẹt thở “Nhà em tiếng guốc rách thềm đá hoa”.

Cái “tiếng guốc” kia phải nằm trong một không gian im ắng lắm mới có thể thành chi tiết “rách thềm đá hoa”, ám ảnh đến ghê người như vậy.

Tại sao không là thủng thềm đá hoa mà phải là “rách thềm đá hoa”? Là bởi ý thơ còn phảng phất vương mang hy vọng chăng? Bởi thế không thể là thủng được, vì nếu là thủng thì nó đau đớn hơn rách rất nhiều, hơn nữa, “rách” cũng đau đấy nhưng còn có thể may vá lại được. Cho nên, tiếng guốc vang lên sốt ruột, sự sốt ruột trông chờ. Do vậy, “tiếng guốc” kia phải khua cho động, thật động, động đến như “rách thềm đá hoa” lên mới được.

Thế nhưng, cái động khua được cái tĩnh thức dậy chăng hay lại càng làm cho cái tĩnh lùi sâu thêm vô thăm thẳm? Lời thơ nén lại, le lói chút hy vọng, đồng thời cũng chìa ra một thực thể nghe đau đáu làm sao “Sương văng vào khói tháng Ba/ Má đào nám chặt vẽ ra chỗ nằm...”. Cô đơn quá, cô đơn kinh khủng! Một sự tách từ cố ý hệt như phân thân đến đỉnh điểm “sương văng vào khói tháng Ba” trong cái cảm thức tự thân đơn lẻ cùng cực “má đào nám chặt vẽ ra chỗ nằm…”.

Nguyên nhân dẫn đến sự trông chờ đơn độc kia phải chăng là ở chỗ này: “Anh nghèo cả một lời thăm” nên nhân vật trữ tình phải dũng cảm đứng lên hóa giải mình thôi: “Ốm đau hóa những vũng đằm thanh xuân”?. Giọng thơ trách cứ pha chút giận hờn chứng tỏ nhân vật trữ tình còn nặng lòng với nhân vật “anh” lắm! Tìm thấy “thanh xuân” trong “ốm đau” tật bệnh thì chắc chỉ có mình Thy Nguyên? Ý thơ được bọc trong một cái giọng điệu chua chát nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp triết lý và nhân văn.

Nhờ có sự thờ ơ kia, cho dù nhân vật trữ tình không muốn, thì chính cái sự thờ ơ đó đã giúp cho tâm can nhân vật trữ tình dường như được đốn ngộ. Nó như là một điều kiện phải có để con người tiến hóa trong quá trình học hỏi mà tiến lên. Cho nên, tác giả đã đẩy vấn đề lên đến tận cùng để lí giải cái tưởng rằng vô lí kia thành cái có lí. Chính cái có lí trên đã làm cho ta bớt đi cái buồn cho dù cái buồn kia quả là còn đang rất… thăm thẳm vô cùng!

Bởi thế, hai câu thơ kế tiếp mang màu sắc bổ trợ làm đầy hơn cho ý thơ phía trên nghe lại rất đa giọng “Ái ân thừa kiếp phù vân/Người dưng mặc áo, ngoài sân pháo hồng”. Có hình ảnh lạ, tại sao “người dưng mặc áo”? Ơ hay, ai chả mặc áo? Thì ra, ngay ở trên đã có ý “ái ân thừa” của “kiếp phù vân” rồi.

Cái lí vừa mở lời thì cái tình cũng đã lên tiếng. Để rồi nhân vật trữ tình như đang lẫn lộn ghê gớm giữa cái thực với cái ảo, hay nói cách khác, lí trí và cảm xúc đan cài quyện lại quấn lấy nhau khó mà phân biệt. Thành thử, ý thơ như được kéo cho dài ngoẵng ra, kiểu vẫn biết thế nhưng nó lại không hẳn thế. Nói về họ mà cũng là đang nói về ta, rồi ta đấy mà cũng là họ đấy. Đã xong mà lại như chưa xong, chưa xong mà lại như đã xong. Một tí từng trải, một tí giễu nhại, một tí hoang mang, một tí thôi đành, và một tí thương cảm… cứ thế mà hòa trộn vào nhau, đau đáu một tâm cảm để rồi chát chua mà chịu trận, mà giãi bày, mà cảm thông!

Đến đoạn cuối thì nhân vật trữ tình dường như đã thoát hẳn khỏi tâm trạng phức hợp chằng níu, mơ màng dần lui nhường chỗ cho sự tỉnh táo, ý thơ không còn cái thể cảm đa đoan tình lí đan cài, mà chỉ còn lại giọng chiêm nghiệm đúc rút “Sang hèn, sắc sắc, không không/Lông chông ngọn cỏ ngoài lòng đổ mưa/Đời xin một chút lưa thưa/Mà thành kinh kệ gói vừa trăm năm…”.

Màu sắc thơ là màu sắc giác ngộ bừng tỉnh đã dường như phủ khắp cả đoạn kết, bởi thế nó mang dáng điệu của sự lặng yên và nhẹ nhàng hé lộ một tâm thế bản lĩnh. Cỏ cây rồi sẽ nhú lên cả thôi, sắc xanh ấy, sự sống ấy sẽ là mãi mãi, chỉ con người mới là hữu hạn.

Giọng thơ chùng lại “Đời xin một chút lưa thưa/ Mà thành kinh kệ gói vừa trăm năm…”. “Lưa thưa” mà cũng phải xin ư? Thì thế hẳn, một khi đã bừng giác thì cái xin kia chỉ là sự tạo cớ để giãi bày khi tâm cảm đã nhuần hiểu mọi thứ bên ngoài đều là hư huyễn, hư huyễn đúng như lời Phật dạy. Song, cái quan trọng là ở câu kết, trổ hoa đơm quả cũng ở câu kết “Mà thành kinh kệ gói vừa trăm năm”. Chính những thứ hư huyễn kia sẽ giúp chúng ta “gói vừa trăm năm” là bởi nó sẽ “thành kinh kệ” trong lòng mình! Lòng mình bừng ngộ từ sự hư huyễn trải nghiệm đem lại.

Không trải nghiệm thì làm sao đúc rút mà bừng ngộ? Chỉ cần một “chút lưa thưa” thôi đã gói được “vừa trăm năm” thì cần mong ước chi nữa? Chữ “vừa” vang lên ngay cạnh hai chữ “trăm năm” phải chăng là tiếng nói hạnh phúc cho ai “biết đủ là đủ”? Câu chữ khép lại mà dư âm còn ngân vang.

Nhìn cả bài thì thấy có đau đấy nhưng là cái đau của cõi người, lời thơ không né tránh sự thật, sự thật đưa ra như một vệt nền nâng đỡ để xúc tiến tạo ý nghĩa vượt lên. Không chấp nhận thực tại thì không thể có cơ hội lớn. Mà có lớn lên thì mới mong có hy vọng bung tỏa được. Bởi thế, vỏ bên ngoài của bài thơ là nỗi niềm cắt cứa nhưng chứa đựng bên trong là cả một tâm thức đón nhận và vượt qua. Một sự vượt thoát của sự nén ý khá đắc địa nên đọc bài thơ lên chúng ta không khỏi ngậm ngùi trước khi tâm cảm ta được sự yên lặng bao phủ. Đa giọng đa thanh quả là đắc sách.

Có thể nói, ở bài “Tiếng guốc” giọng thơ Thy Nguyên đã rất sắc sảo và độc đáo trong thể lục bát sở trường của chị. Chị nén nỗi niềm cuộc đời vào trong từng câu từng chữ. Đ

ọc “Tiếng guốc”, chúng tôi có cảm giác câu chữ kia như được chị rứt ra từ thịt da mình, nỗi đau ấy hiện ra, câu nào cũng hé lộ một khía cạnh hồn cốt của thân phận. Cái buồn lặn vào trong câu chữ và cứ chực trào lên khi chúng ta đọc lục bát ấy.

Tác giả quả là ấn tượng khi giãi bày nỗi niềm cho nhân vật trữ tình, mọi cung bậc sắc thái tâm trạng mong ngóng trông chờ và cô đơn như đều được gọi tên ra để rồi lần lượt xuất hiện. Do đó, dường như Thy Nguyên đã thổi được hồn mình vào trong thể thơ ấy. Con chữ qua bàn tay chị đều như có sức sống, nó quẫy đạp và lên tiếng thì sự chia sẻ đẫm đặc trong bài thơ ấy là một sự hiển nhiên.

Khang Quốc Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bat-len-noi-long-nguoi-dan-ba-don-le-qua-tieng-guoc-post628737.html