Bắt nạt không còn giống trước đây

Theo nghiên cứu, bắt nạt về bản sắc cá nhân, hội đồng và bắt nạt trên mạng có tác động lớn nhất đến tinh thần người bị hại.

 Bắt nạt về thể chất giờ đây không có ảnh hưởng nặng nề bằng các hình thức bắt nạt khác. Ảnh: Adobe Stock.

Bắt nạt về thể chất giờ đây không có ảnh hưởng nặng nề bằng các hình thức bắt nạt khác. Ảnh: Adobe Stock.

Các nhà nghiên cứu đã lấy dữ liệu từ Khảo sát Thanh niên Iowa năm 2018 đối với học sinh lớp 6, 8 và 11 để xem xét ảnh hưởng của hành vi bắt nạt lên sức khỏe tâm thần. Kết quả cho thấy các hình thức bắt nạt khác nhau có thể khiến học sinh buồn bã, tuyệt vọng hoặc sinh ra ý nghĩ tự tử.

Nghiên cứu cho biết bắt nạt về thể chất như đánh nhau ít gây ra đau khổ về tinh thần. Ngược lại, bắt nạt về bản sắc cá nhân gồm xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như những trò đùa về tình dục, khiến nạn nhân đau khổ và nảy sinh ý định tự tử nhiều nhất.

Bắt nạt trên mạng và bắt nạt hội đồng (hành vi cô lập một cá nhân) có ảnh hưởng mạnh không thua gì hình thức nói trên.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, các giáo viên và quản lý trường học được khảo sát lại lo lắng nhất về bắt nạt thể chất.

Đối tượng bị bắt nạt nhiều nhất

Lấy bản sắc cá nhân của một người ra để châm chọc là một hình thức bắt nạt đặc biệt đau đớn.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu tiết lộ trong khoảng 70.000 sinh viên tham gia, 5% trong số họ (khoảng 3.500 người) từng có ý định tự tử vào năm ngoái.

Khảo sát hành vi rủi ro thanh thiếu niên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ 2 năm/lần cũng cho thấy thanh niên nước này ngày một bất ổn về tinh thần.

Sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên Mỹ ngày một đi xuống. Ảnh: Pexels.

Theo CDC, hầu hết (57%) nữ sinh trung học cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng kéo dài vào năm 2021. Con số này gấp đôi so với các nam sinh (29%). Trong đó, gần 1/3 nữ sinh cân nhắc nghiêm túc về việc tự tử.

Cuộc khảo sát của CDC cho thấy 52% học sinh LGBTQ cũng có sức khỏe tâm thần kém, hơn 1/5 trong số đó đã cố gắng tự tử trong năm qua.

Theo John Rovers, giáo sư Dược học lâm sàng tại ĐH Drake (Iowa, Mỹ), thay vì mong thanh thiếu niên thay đổi bản thân để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần, nhà trường và gia đình cần phối hợp để khắc phục vấn đề trên.

Làm gì đối với kẻ bắt nạt?

Ông Rovers cho biết có 3 kiểu người liên quan đến một vụ bắt nạt gồm kẻ bắt nạt, nạn nhân và đứa trẻ vừa bị bắt nạt vừa bắt nạt người khác.

Tiến sĩ Hina Talib, phó giáo sư Nhi khoa lâm sàng tại ĐH Y khoa Albert Einstein (Mỹ), cho biết cả 3 đều cần được hỗ trợ.

"Phản ứng đầu tiên của phụ huynh sau khi biết con mình bắt nạt người khác là trừng phạt chúng. Tuy nhiên, họ cần tìm hiểu sâu hơn những gì đã xảy ra với con mình", cô nói.

Theo tiến sĩ Talib, lũ trẻ có thể có lý do để đi bắt nạt người khác. Quan trọng là cha mẹ chúng phải hiểu rằng chúng cũng đang bị tổn thương và bày tỏ sự quan tâm cũng như đồng hành cùng con vượt qua điều đó.

Ông Rovers cho biết có nhiều ý kiến về động cơ thúc đẩy hành vi bắt nạt, nhưng nhìn chung, có thể trẻ em đang bắt chước cách người lớn hành động để giải quyết mâu thuẫn mà chúng nhìn thấy được. Từ đó, những thanh thiếu niên này có thể cho rằng bạo lực là một cách để tự bảo vệ mình.

Làm gì cho nạn nhân?

Những đứa trẻ đang bị bắt nạt không phải lúc nào cũng trực tiếp nói với người lớn về những gì chúng phải trải qua. Do đó, tiến sĩ Talib khuyến khích phụ huynh để ý và quan tâm con nhiều hơn. Nếu đủ sát sao, họ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường ở con như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, đau bụng và trốn học.

Sau khi quan sát hành vi bất thường của con, phụ huynh có thể thực hành bước tiếp theo là hỏi chuyện.

"Cha mẹ có thể không cần hỏi trực tiếp con mình. Mọi người có thể dẫn con đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc hỏi chuyện qua bạn con", cô gợi ý.

Nếu phát hiện con mình là nạn nhân của bắt nạt, tiến sĩ Talib khuyên phụ huynh nên liên hệ với nhà trường và gia đình khác để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và bảo vệ con em mình.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bat-nat-khong-con-giong-truoc-day-post1423888.html