Bất ngờ chàng kế toán rẽ ngang sang làm khô lươn độc, lạ chưa ai có

Rời bỏ nghề kế toán gắn bó với mình gần 10 năm, anh Nguyễn Thành Nguyên - Chủ cơ sở Sản xuất và Chế biến khô lươn Phụng Nguyên (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) chọn con đường khởi nghiệp để thực hiện ước mơ sở hữu sản phẩm của riêng mình và góp phần nâng cao giá trị nông sản...

Anh Nguyễn Thành Nguyên chia sẻ: “Khi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp thì gia đình không đồng thuận. Bằng sự thuyết phục về ước mơ chính đáng của mình, gia đình từ phản đối sang ủng hộ. Đây được xem là một trong những yếu tố giúp mình thấy vững bước hơn”.

Anh Nguyễn Thành Nguyên bên sản phẩm khô lươn

Trong quá trình làm công ăn lương, anh Nguyễn Thành Nguyên còn có “nghề tay trái” là nuôi lươn thịt để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đây là loại thủy sản dễ nuôi, ít bệnh nhưng giá bán khá bấp bênh, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Xuất phát từ khó khăn trong canh tác và mong muốn góp phần gia tăng giá trị cho con lươn, anh Nguyễn Thành Nguyên bắt tay vào sản xuất khô lươn. Quy trình chế biến khô lươn cũng không quá khó. Lươn thịt được xẻ dọc theo thân, sau đó lóc hết xương, làm sạch, khử tanh. Để có 1kg khô lươn thành phẩm, cơ sở phải mất đến 4kg lươn thịt.

Điều quan trọng nhất trong quy trình chế biến để tạo nên “thương hiệu” khô của cơ sở chính là công thức tẩm ướp gia vị. Với công đoạn này, gia đình anh Nguyên đã phải mất nhiều thời gian, đúc kết các ý kiến đóng góp từ bạn bè, người thân để có được công thức hoàn thiện như hiện nay.

Anh Nguyễn Thành Nguyên chia sẻ: “Điểm cộng của khô lươn Phụng Nguyên chính là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, mang tính tiện dụng cao. Mặt khác, hiện nay trên thị trường vẫn chưa có loại sản phẩm này nên người tiêu dùng khá quan tâm. Nhiều người sau khi dùng thử khô đã có những phản hồi tích cực về sản phẩm”.

Theo anh Nguyên, do khô lươn mới xuất hiện trên thị trường cộng với giá thành cao khoảng 800.000 đồng/kg nên lượng hàng xuất ra hàng tháng còn khá khiêm tốn. Ngoài ra, hầu hết các công đoạn chế biến khô được làm thủ công, sản phẩm làm ra cùng lúc chưa nhiều, phụ thuộc vào thời tiết (khâu phơi). Bên cạnh đó, hạn sử dụng sản phẩm cũng chỉ đạt khoảng 3-4 tháng khi để trong ngăn mát tủ lạnh.

Các bồn nuôi lươn thịt của anh Nguyễn Thành Nguyên

Nhìn nhận các điểm mạnh, yếu của sản phẩm cùng sự quan sát thị trường, thời gian tới, cơ sở chế biến khô lươn Phụng Nguyên sẽ “chào sân” thêm các dòng sản phẩm mới. Cụ thể, ngoài khô lươn rút xương, cơ sở sẽ có khô lươn để nguyên xương nhằm hạ giá thành sản xuất, chinh phục thêm nhiều khách hàng.

Trên bước đường phát triển dự án, cơ sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư trang thiết bị mới để chủ động hơn trong việc sản xuất, giúp sản phẩm an toàn, chất lượng, bắt mắt... Bên cạnh đó, thị trường là một trong những yếu tố sống còn của dự án, vì vậy, cơ sở đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với các nhà phân phối, đồng thời đẩy mạnh kênh bán lẻ, bán hàng online...

Anh Nguyên chia sẻ, khi sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, ngoài việc mở rộng các bồn nuôi lươn thịt để đảm bảo đầu vào đạt chất lượng, anh Nguyên còn thực hiện liên kết tiêu thụ lươn thịt cho người nuôi tại địa phương, giúp bà con có đầu ra ổn định, trên tinh thần cùng nhau phát triển.

Anh Nguyễn Thành Nguyên quan niệm: “Thời điểm còn làm công ăn lương, mình chỉ cần làm tốt phần việc bản thân phụ trách. Còn khi khởi nghiệp, tất cả mọi việc đều phải tự lo, từ việc hoàn thiện sản phẩm đến phát triển thị trường, xoay vòng vốn... Tuy nhiên để chinh phục ước mơ thì bản thân chỉ biết cố gắng vượt qua khó khăn”.

Theo Y Du (Báo Đồng Tháp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/bat-ngo-chang-ke-toan-re-ngang-sang-lam-kho-luon-doc-la-chua-ai-co-923140.html